Khoảng 21h tối một ngày thứ ba mát mẻ ở San Francisco, Cade Metz - cây bút kỳ cựu chuyên mục công nghệ của tờ New York Times đón xe bên ngoài một nhà hàng cách Golden Gate Park vài dãy nhà.
Vài phút sau, trong lúc Metz đứng đợi ở đèn giao thông, một chiếc Mercedes màu trắng chạy tới cạnh. Trong xe, 3 chàng trai ngó đầu ra khỏi, một trong số họ chỉ vào hàng ghế trống trên chiếc xe của phóng viên này.
Dịch vụ taxi không người lái của hãng Cruise. Ảnh: The Chronicle. |
"Ai đang lái xe thế?", một người trong số ấy hét lên. “Không ai cả”, Metz đáp trả.
Thật vậy, cây bút của tờ New York Times đang ngồi trên chiếc xe không người lái của hãng Cruise, một công ty được General Motors hậu thuẫn. Thương hiệu này đang thử nghiệm dịch vụ với chi phí khá rẻ cho một số ít những người may mắn và cũng đặc biệt dũng cảm ở San Francisco.
Kỳ quái, ấn tượng, bối rối và căng thẳng
Chuyến đi của Metz bắt đầu tại nhà hàng Bistro Central Parc. Đúng 21h, phóng viên này bắt xe đi một vòng đến nhà thờ cách đó khoảng 5 km.
Người đồng hành, nhiếp ảnh gia Jason Henry cho biết sẽ mất khoảng 21 phút để đến nơi, lâu hơn so với khi đi Uber với tài xế thực thụ. Khó có thể đòi hỏi gì hơn ở một chiếc xe không thể đi quá 48 km/h.
Khi chiếc xe đến vài phút sau, một giọng nói quái gở chào đón cả 2 ngay khi vừa lên xe. Giọng nói hỏi liệu 2 người có cần trợ giúp trong suốt chuyến đi hay không.
Trải nghiệm thú vị đằng sau một chiếc xe tự lái. Ảnh: New York Times. |
Metz và Henry từ chối lời đề nghị, nhấn một nút lớn màu đỏ trên chiếc máy tính bảng trước mặt và di chuyển về phía trước với tốc độ cực kỳ chậm so với tài xế Uber bình thường. Một thông báo tự động yêu cầu hai người luôn giữ tay và cánh tay trong xe.
Bên trong chiếc xe, hàng ghế trước của nó cũng giống bất kỳ chiếc ôtô nào ngoại trừ việc không có ai ở đó. Ở phía sau, phía trên hai máy tính bảng, có một nút cho phép gọi bộ phận hỗ trợ kỹ thuật để được trợ giúp.
Chiếc Chevy Bolt nhỏ với giá nóc chứa đầy cảm biến đã tự chuyển làn đường. Nó đợi người đi bộ và thú cưng qua đường trước khi tăng tốc qua lối đi dành cho người đi bộ.
Chiếc xe thận trọng lên xuống các ngọn đồi ở San Francisco, cẩn thận rẽ ở các ngã tư và bẻ lái xung quanh khu vực đỗ xe song song.
Nóc xe đầy cảm biến trên chiếc xe không cần người lái. Ảnh: New York Times. |
Dù từng dành nhiều thời gian cho loại công nghệ này trong vài năm qua, việc đi quanh một thành phố lớn trong một chiếc xe mà không có người lái theo Metz vẫn là trải nghiệm rất thú vị.
Tuy nhiên, không có nghĩa là chiếc xe không có vấn đề. Khi chiếc xe tự hành vượt qua xe của các thanh niên kia lần thứ hai, nó bất ngờ bẻ lái gấp sang phải. Có lẽ là hệ thống đã nhận diện nhầm họ với người đi bộ.
Tại một ngã tư khác, chiếc xe tự lái bất ngờ phanh gấp khi đèn chuyển sang màu đỏ, dừng lại ở giữa đường dành cho người đi bộ qua đường với mũi xe hướng ra giao lộ. Một người đi bộ hét vào mặt hàng ghế tài xế bỏ trống.
Sau đó, ngay khi đến một đoạn giao thông đông đúc, chiếc xe phát hiện ra một vụ tai nạn có thể xảy ra và tấp vào lề. Đó chỉ là một báo động giả, nhưng chiếc xe tuyệt đối không nhúc nhích. Thế là chuyến đi của phóng viên và nhiếp ảnh gia của tờ New York Times đã kết thúc.
Cuộc chơi ngày càng thu hút nhiều ông lớn
Cruise dự kiến sẽ mở rộng dịch vụ của mình đến Austin, Texas và Phoenix vào cuối năm nay và là một trong những công ty đang phát triển dịch vụ taxi bằng robot tại các thành phố lớn của Mỹ.
Waymo, thương hiệu thuộc sở hữu của công ty mẹ Google, đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ thứ hai tại San Francisco. Argo AI, được Ford và Volkswagen hậu thuẫn, đang triển khai ở Austin và Miami. Trong khi đó, Motional - thương hiệu được Hyundai chống lưng, chọn cách tập trung vào Las Vegas.
Xe tự lái hứa hẹn sẽ xuất hiện trên khắp các đường phố trong vài năm tới. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Waymo đã vận hành dịch vụ xe không người lái kể từ cuối năm 2019 ở vùng ngoại ô Phoenix, nơi có các con đường rộng và ít người đi bộ.
San Francisco, với những ngọn đồi dốc và những con phố chật hẹp, ít kẹt xe cũng là một địa điểm tốt để thử nghiệm.
Hiện tại, Cruise cung cấp dịch vụ chở khách với khoảng 30 chiếc xe trên một số đường phố nhất định của San Francisco và từ 10 giờ tối đến khoảng 5 giờ 30 sáng, khi giao thông tương đối thưa thớt. Tốc độ xe không quá 48,28 km/h và ngừng hoạt động trong điều kiện mưa lớn, sương mù và tuyết.
Ngay cả sau khi thử nghiệm rộng rãi, những chiếc xe này vẫn có thể gặp phải những tình huống mà họ không lường trước trong quá trình phát triển. Đối với Cruise và các công ty khác, câu hỏi đặt ra bây giờ là điều gì xảy ra sau đó.
Khi những chiếc xe "bối rối"
Trong cùng ngày Metz trải nghiệm dịch vụ taxi không người lái, ở buổi tiệc nhỏ chiêu đãi phóng viên, Kyle Vogt - người đứng đầu của Cruise Automation nói rằng các bài thử nghiệm xe tự lái thường có một tài xế an toàn đồng hành cùng và sẵn sàng tiếp nhận trong trường hợp có sự cố.
Vogt thừa nhận những chiếc xe tự động này hoàn toàn có thể bị "nhầm lẫn" trong một số tình huống nhất định và nếu có, công ty sẽ giám sát từ trung tâm điều hành từ xa, đồng thời triển khai các kỹ thuật viên để chiếm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, ông cho rằng những sự cố đó là cực kỳ hiếm gặp.
Một chiếc xe của Cruise nhận diện đường đi và rẽ trái. Ảnh: New York Times. |
Thực tế, Metz cho biết những chiếc xe tự lái này xử lý khá tốt với hầu hết thao tác cơ bản khi đi trên đường như dừng, chuyển làn hay rẽ phải.
Tuy nhiên, đôi khi tính năng phát hiện người đi bộ lại nhạy quá mức cần thiết khi thực tế đó chỉ là một chân máy ảnh nhỏ xíu thò ra ngoài cửa sổ.
Ngày 3/6, tức hai ngày sau khi các cơ quan quản lý ở California cấp cho Cruise giấy phép lái xe thương mại mà không cần người lái, một trong những chiếc xe của hãng chở một hành khách xuống Đại lộ Geary ở San Francisco tiến đến một ngã tư. Đèn xanh và chiếc xe bắt đầu rẽ trái vào một con đường phụ.
Một chiếc Toyota Prius tiếp cận giao lộ từ hướng khác và xe của Cruise dừng lại vì hệ thống dự đoán chiếc Prius cũng sẽ rẽ. Tuy nhiên, chiếc Prius vẫn tiếp tục đi qua ngã tư. Hai chiếc ôtô va vào nhau.
Màn hình sau xe giúp người dùng gọi hỗ trợ nếu xe gặp sự cố. Ảnh: New York Times. |
Theo báo cáo vụ tai nạn, chiếc Prius đã di chuyển quá tốc độ và chịu trách nhiệm một phần cho vụ va chạm. May mắn người trên cả hai phương tiện chỉ bị thương nhẹ.
Sự cố này cho thấy nhiều loại tình huống khó khăn mà những chiếc xe không người lái chắc chắn phải đối mặt trên đường phố đô thị. Các nhà quản lý liên bang sau đó đã thu hồi phần mềm của Cruise, trong khi hãng phải cập nhật công nghệ để xử lý các tình huống tương tự.