Kẹt xe cầu Kênh Tẻ: Số nhiều khổ tiếp để số ít được sung sướng?
An dân không nên bằng khẩu hiệu mà bằng cầu đường cho đại đa số người dân. Ngay cả thành phố này cũng đã và đang ra sức nói lên thiếu thốn đường cao tốc vô cùng bức bách.
Vấn đề ùn tắc cầu Kênh Tẻ đã được họp bàn từ rất lâu, và chính quyền cũng ra quyết sách công bố trên báo chí từ tháng 9/2016. Từ đó đến nay, cảm xúc người dân đã đi từ khấp khởi đến mừng hụt, và bây giờ là chua chát rồi thất vọng.
Ngày 29/9/2016, Thời báo Kinh tế Sài Gòn chạy tít: "TP.HCM sắp xây thêm cầu giảm tải cho cầu Kênh Tẻ”. Bài báo viết: "Cầu Nguyễn Khoái bắc qua kênh Tẻ để nối khu Nam Sài Gòn với khu trung tâm TP.HCM sẽ được khởi công vào năm sau để giảm tải cho cầu Kênh Tẻ và giảm ùn tắc giao thông ở khu vực Nam Sài Gòn. Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, HĐND thành phố đã chấp thuận cho phép đầu tư dự án cầu Nguyễn Khoái nối quận 7 với khu trung tâm”.
Theo bài báo, dự án cầu Nguyễn Khoái có tổng chiều dài khoảng 1 km; trong đó, cầu dài 346 m, rộng 22,5 m. Điểm đầu của dự án bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam thuộc quận 7; điểm cuối nằm ở đường Bến Vân Đồn thuộc quận 4.
Dân tình từng khấp khởi vì theo thông báo, trễ lắm là cuối năm 2017 cầu Nguyễn Khoái sẽ được khởi công để giảm tải cho cầu Kênh Tẻ với thời thi công là 18 tháng.
Dân tình khấp khởi vì theo thông báo, trễ lắm là cuối năm 2017 cầu Nguyễn Khoái sẽ được khởi công để giảm tải cho cầu Kênh Tẻ. Càng hân hoan hơn vì cũng theo bài báo thì dự án “dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công”.
Tức sẽ có cây cầu Nguyễn Khoái “cứu tinh” cho cả nửa triệu dân quận 7, 8 , Nhà Bè…trong vòng 18 tháng tính từ khi thi công vào năm 2017. Theo đó, bây giờ - giữa năm 2019 - người dân đã có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh kẹt xe kinh hoàng.
Thế nhưng, sang 2018 chẳng thấy động tĩnh gì. Cho đến ngày 15/9/2018 mới hay tin rằng dự án này đã hoàn thành, song ở đầu kia chứ không phải đầu cầu Kênh Tẻ.
Theo Pháp luật: "Lúc 9h sáng 15/9, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (khu 4, chủ đầu tư thuộc Sở GTVT) tiến hành thông tạm đoạn đường D1 chạy dọc sông Ông Lớn, quận 7 và cầu Rạch Bàng trước thời gian kế hoạch năm tháng”.
Chua chát làm sao khi cũng con đường D1 đó, thay vì “nhấn ga” xây xong cây cầu con bắc ra đường Trần Xuân Soạn, rồi xây luôn cây cầu thứ nhì qua Kênh Tẻ để giải cứu hàng mấy trăm nghìn dân kẹt xe từ sáng tới tối, thì lại xây cầu Rạch Bàng và đoạn đường mới D1 dài hơn 1.000 m, có chiều rộng đồng bộ 20 m cho bốn làn xe lưu thông hai chiều này.
Xây “tận tụy” đến mức hoàn thành trước kế hoạch tới năm tháng.
Thất vọng là vì theo giải thích của Phó Giám đốc khu 4, cây cầu mới tinh to đùng và 1 km đường D1 bổ sung đó "nhằm kết nối các trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Tôn Đức Thắng và RMIT với nhau. Cạnh đó, nối thông hai khu dân cư cao cấp thuộc quận 7 là Him Lam (phường Tân Hưng) và khu dân cư Ven sông (phường Tân Phong)... sẽ góp phần giảm tải, ùn tắc cho đường Nguyễn Hữu Thọ, các nút Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ - D6 và Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, nhất là vào lúc cao điểm học sinh, sinh viên ra vào các trường đại học trong khu vực”.
Không ai không đồng ý nên “giải cứu” kẹt xe khu vực ba trường đại học trên, song rõ ràng là nhà chức trách đã chọn đầu kẹt xe “cục bộ” (khu vực ba trường đại học và hai chung cư cao cấp nêu trên) mà ngoài giờ cao điểm thì trống trơn, thay vì chọn đầu kẹt xe “toàn bộ” từ sáng sớm tới khuya là cầu Kênh Tẻ.
Đây là lựa chọn giữa cùng lắm là chưa đầy 10.000 người kẹt xe chút đỉnh (ùn ứ) thay vì chọn mấy trăm nghìn người kẹt xe khỏi lết bánh (ùn tắc) khu vực cầu Kênh Tẻ. Tức là, để “số ít sung sướng” thì “số nhiều cứ việc khổ tiếp”.
Lý do của lựa chọn này được giải thích là do thiếu vốn, mặt bằng.
Thật khó hiểu để lý giải dự án này thiếu vốn khi mà mới đây nhắc lại dự án xây Nhà hát Thủ Thiêm, các cơ quan chức năng vẫn “báo cáo” rằng vốn không thiếu.
Ngân sách chi tiêu có lẽ nên theo 5 bậc thang mà Giáo sư Jacques Attali, nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp cuối thế kỷ trước, đã dành hẳn một chương trong tác phẩm L’anti-économique (Phản kinh tế) để giới thiệu.
Theo đó, để đánh giá xem một khoản chi tiêu như thế nào là hợp lẽ thông thường và hợp lý, hãy cân nhắc xem đó có phải là (1) cái không thể thiếu được; (2) cái cần thiết; (3) cái hữu ích; (4) cái thoải mái: (5) cái sang trọng, xa xỉ.
Ở châu Á hiện nay - từ Indonesia, Philippines và mới đây là Ấn Độ - xu hướng chung đang được lòng dân là “dân túy”, được hiểu như một cách tiếp cận chính trị cố gắng thu hút những người bình thường, những người cảm thấy rằng mối quan tâm của họ bị coi thường bởi các nhóm “tinh hoa” (nắm tiền của, thế lực).
Cụ thể ở các nước trên là bảo hiểm y tế “chữa trị nghiêm chỉnh”, nhà trường “đàng hoàng”, cầu cống thông thoáng. Trong bối cảnh đó, có lẽ giải pháp cần làm là tinh chỉnh lại cây thước chọn - chọn phía nào được nhiều lòng dân nhất thay vì chọn phía được lòng dân “cục bộ” mà thôi.
An dân không nên bằng khẩu hiệu mà bằng cầu đường cho đại đa số người dân. Ngay cả thành phố này cũng đã và đang ra sức nói lên thiếu thốn đường cao tốc vô cùng bức bách.
Trong khi chờ đợi, tối thiểu cũng có những việc cần làm ngay được:
- Ngày này, tháng nọ, lách xe qua “lô cốt” dựng cả hai bên cầu, nhiều khi không thấy ai đang làm gì. Thanh tra giao thông đốc thúc hàng ngày có lẽ sẽ nhanh hơn.
- CSGT cố gắng không cho xe bốn bánh, nhất là xe buýt, lấn làn để lên cầu. Cách đây ba tuần, không biết có dịp gì đặc biệt không mà nhờ có một anh CSGT làm công việc đó, xe cộ chạy đỡ kẹt hơn. Nhất là khi gần đây, vào lúc chiều tối từ hướng quận 4 ra quận 7, có hiện tượng xe bốn bánh hung hăng chạy lấn làn, đến tận “lô cốt” lại lấn cho bằng được chút đỉnh mặt cầu còn lại, có thể gây tai nạn chết người.
- Tất cả cùng “nhúc nhích” chút, chất lượng cuộc sống sẽ khá hơn.
Chất lượng cuộc sống là gì trong lớp khói chứa bao nhiêu loại khí độc có thể gây ung thư mà mấy trăm nghìn người phải hít đầy phổi ở cầu Kênh Tẻ?
Chất lượng cuộc sống là gì trong lớp khói chứa bao nhiêu loại khí độc có thể gây ung thư mà mấy trăm nghìn người phải hít đầy phổi ở cầu Kênh Tẻ?
Chất lượng cuộc sống là gì khi chừng đó cha mẹ ngày ngày từ 6h sáng phải chở con tới trường rồi đi làm, đến 7h tối chưa thể về tới nhà?
Chất lượng cuộc sống là một khái niệm chung toàn cầu mà bất kỳ ai đã kinh qua “kinh tế học phát triển” cũng đều nắm rõ. Từ nửa sau thập niên 1970, Pháp đã lần đầu tiên bổ nhiệm một bộ trưởng chất lượng cuộc sống (Ministre de la Qualité de la vie).
Đầu tháng 4/2019, chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu quận 7 rà soát lại quy hoạch và các dự án để "tạo ra sự kết nối, đồng bộ, xây dựng không gian sống có chất lượng".
Nhất định ông đã nhìn thấy vấn đề chất lượng cuộc sống nên mới chỉ thị như trên.