Malaysia thông báo phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6 đến ngày 14/6, khi số ca nhiễm hàng ngày nước này liên tục đạt kỷ lục mới, lên tới hơn 9000 trường hợp ngày 29/5, theo Reuters. Tính đến ngày 9/6, quốc gia này có 627,652 ca dương tính với virus corona và 3,536 ca tử vong, Worldometers thống kê, Worldometers thống kê.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Malaysia, chị Trần Thị Chang, y sĩ, hội trưởng Hội phụ nữ Việt Nam ở nước này, nói với Zing rằng may mắn là hiện chưa có thông tin nào về người Việt Nam bị mắc Covid-19 nặng tại Malaysia.
Sống và làm việc ở Malaysia gần 30 năm, chị Chang luôn đứng ra gánh vác nhiệm vụ gắn kết và hỗ trợ đồng bào. "Nhất là trong tình hình dịch bệnh khó khăn, nhiều người không có việc làm, Hội Phụ nữ luôn sẵn sàng và cố gắng làm những việc tốt nhất vì cộng đồng", chị Chang nói.
Chị Trần Thị Chang (ngoài cùng bên trái) tận tay trao quà hỗ trợ cho đồng hương trong đại dịch khó khăn. Ảnh: NVCC. |
Ấm áp sự hỗ trợ từ đồng hương
Một số người Việt ở Malaysia cho biết họ vẫn có thể sinh hoạt bình thường trong tình hình phong tỏa toàn xã hội, tuân thủ đầy đủ các quy định phòng dịch của Malaysia, như đeo 2 lớp khẩu trang, quét mã QR tại nơi công cộng, không di chuyển ngoài bán kính 10 km của nơi ở...
Tuy nhiên, chị Lê Thị Hồng Loan, người sống ở Kuala Lumpur đã hai năm, nói Covid-19 luôn chực chờ ở khắp mọi nơi, khi người dân Malaysia có thái độ coi nhẹ dịch bệnh và thường xuyên ra ngoài.
"Những bệnh nhân 'tự cách ly' ở chung toà nhà với mình vẫn dùng thang máy để đi chợ, nhận giao hàng, thậm chí là chạy bộ", Hồng Loan cho biết.
Mặc dù đang bị "kẹt" giữa tâm dịch Malaysia, Hồng Loan luôn mang một tinh thần tích cực. “Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia đứng ra kêu gọi quyên góp, mua gạo trứng cho những người gặp khó khăn. Mọi người ở đây không ai lo chết đói hết”, chị nói.
Cho đến cuối tháng 5, chị Trần Thị Chang cho biết hội đã xin được tài trợ 150 suất quà, mỗi suất trị giá 150 ringgit (tương đương 840.000 đồng), để hỗ trợ các chị em trong giai đoạn dịch bệnh. Vào thời điểm này, mùa lễ hội ở Malaysia vừa kết thúc và số ca bệnh gia tăng nhanh trở lại.
Dù ở xa quê hương, chị Chang luôn cảm kích và khâm phục nỗ lực đoàn kết chống dịch của đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an. Chị nói rằng thời điểm này dù "không đâu bằng quê hương mình", dịch bệnh là tình trạng chung của thế giới, nên mỗi người Việt xa quê cần đoàn kết, sẻ chia để cùng vượt qua.
Chị luôn động viên mọi người rằng dù ở Malaysia, cộng đồng người Việt Nam vẫn cố gắng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo trong nước, hạn chế đi lại, tuân thủ đầy đủ các quy định giãn cách, vệ sinh để hạn chế lây nhiễm.
Trong làn sóng dịch năm ngoái, chị Trần Thị Chang cho biết khoảng 350 phần quà đã được trao tận tay người Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn tại đây.
Mong dịch sớm "lắng" để nối lại chuyến bay hồi hương
Đối với một số người Việt, mong muốn về nước không phải vì họ lo tình hình Covid-19 tại Malaysia. Bởi người Việt ở đây đã quen với hoàn cảnh giãn cách xã hội, do Malaysia nhiều lần áp dụng các hình thức hạn chế, phong tỏa từ tháng 3/2020.
Chị Hồng Loan thuộc nhóm những người Việt Nam đã kết thúc hợp đồng lao động, sẵn sàng về nước, nhưng chưa biết khi nào được lên chuyến bay hồi hương tiếp theo. Ngoài ra, do chờ chuyến bay hồi hương nên Loan không dám lên kế hoạch mới, vì lo rằng nếu bắt đầu công việc sẽ dở dang, hoặc phải bỏ lỡ cơ hội về nhà.
“Mình chỉ dám mua đồ ăn cho ít ngày, nhỡ được gọi về thì đỡ phí phạm. Mình cũng không dám đăng ký tiêm vaccine dù miễn phí, vì thời gian tiêm giữa 2 mũi là tận 3 tháng", Loan tâm sự.
Hồng Loan, sống và làm việc tại Kuala Lumpur từ 2019. Loan đã chấm dứt hợp đồng và đăng ký chuyến bay hồi hương từ tháng 3, nhưng hiện vẫn "kẹt" ở Malaysia do Covid-19. Ảnh chụp trước khi Malaysia phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
Chị Phan Thị Đoan Trang, sống tại Kuala Lumpur, đã kết thúc hợp đồng lao động và đăng ký chuyến bay hồi hương từ tháng 3. Đoan Trang đang sống dựa trên tiền tiết kiệm, chờ ngày được giải quyết cho về nước.
Trong thời gian này, Trang không gia hạn thêm hợp đồng vì chế độ công ty thay đổi và không thuận lợi như trước. Tuy nhiên, Trang cũng không thể tìm việc mới.
“Nhân viên ở Malaysia chỉ có thể tìm việc mới khi công ty cũ cấp giấy xác nhận nghỉ việc (release letter). Nhưng công ty mình gây khó dễ, giữ lại giấy để níu chân nhân sự. Luật pháp Malaysia không có quy định về vấn đề này, nên mình phải tự chịu và tự xử lý với công ty", Đoan Trang cho biết.
Hôm 31/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thông báo trên website về việc tạm ngừng tiếp công dân, đồng thời ngừng nhận đơn đăng ký về nước, tạm hoãn các chuyến bay hồi hương trong tháng 6 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bị động về lịch trình, Hồng Loan và Đoan Trang chỉ còn cách tiếp tục cầm cự tại nhà, sống tiết kiệm qua ngày, chờ đợi chuyến bay hồi hương kế tiếp.
Mỗi người cần hy sinh một chút
Theo thông tin từ website Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia ngày 20/3, trung bình mỗi lần mở đơn có 3.000-5.000 công dân đăng ký về nước.
Kể từ tháng 7/2020 đến giữa tháng 3/2021, Đại sứ quán đã phối hợp với các hãng hàng không tổ chức được 10 chuyến bay giải cứu, trung bình một chuyến bay đưa được 300 người Việt hồi hương.
Chuyến bay giải cứu gần nhất vào tháng 5 vừa qua hoàn toàn được dành cho các đối tượng ưu tiên, điển hình là người Việt mãn hạn tù tại Malaysia, theo thông báo ngày 28/4 trên website Đại sứ quán Việt Nam.
Hồng Loan cho biết ngoài ra còn có nhiều người du lịch, thăm người thân bị mắc kẹt và không có thị thực dài hạn. Đoan Trang và Hồng Loan có thị thực dài hạn nên có thể phải chờ lâu, ít nhất là đến cuối năm, dù hợp đồng lao động đã kết thúc.
Ngày 25/6/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phối hợp với Vietnam Airlines đưa hơn 40 người lao động Việt Nam khác đang bị mắc kẹt tại Malaysia về nước. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Hơn nữa, dù công việc không thuận lợi, cả Hồng Loan và Đoan Trang đều thấu hiểu khó khăn mà công ty cũ của mình tại Malaysia đang phải đối mặt.
"Họ giữ mình lại vì tuyển người nước ngoài trong tình hình dịch bệnh rất khó, chưa kể công ty sẽ phải trả thêm phí cách ly cho nhân viên mới sang", Loan kể.
Trong tình hình khó khăn, Loan, Trang và nhiều người Việt không có việc làm khác đang mắc kẹt tại Malaysia đều chủ động, nỗ lực hết mình để chăm lo cho bản thân, đoàn kết với nhau, hợp tác với Đại sứ quán và Hội phụ nữ để vượt qua đại dịch.
Khao khát hồi hương cháy bỏng, nhưng cả hai đều kiên nhẫn chờ đợi.
“Hiện tình hình dịch bệnh tại Việt Nam khó khăn, các khu cách ly quá tải. Số ca mắc Covid-19 tại Malaysia tăng mạnh nên việc tổ chức chuyến bay có nhiều rủi ro", Đoan Trang cho biết.
"Người Việt ở đây hiểu và thông cảm tình hình hiện tại của hai nước. Trong dịch bệnh mỗi người cần hy sinh một chút", cô lạc quan chia sẻ.