Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình vào Quốc hội Mỹ đầu tiên của mình, bà Nancy Pelosi đã áp dụng một khẩu hiệu mang tính tiên tri: “A voice that will be heard” (tạm dịch: Một tiếng nói sẽ được lắng nghe).
Khẩu hiệu xuất hiện trên các bưu phẩm chiến dịch, biển quảng cáo, bất cứ thứ gì. Nó cũng được in nổi trên một bức ảnh gia đình ăn mừng chiến thắng của bà năm 1987. Hôm 17/11, bà đã mang khẩu hiệu cũ đó đến Điện Capitol để nhắc nhở bản thân đã leo được bao xa trên con dốc quyền lực.
Trong 20 năm qua, tiếng nói của bà thực sự đã được lắng nghe, với tư cách là người lãnh đạo đảng Dân chủ, trong đó có 8 năm làm việc hiệu quả với tư cách chủ tịch Hạ viện. Giờ đây, bà Pelosi, 82 tuổi, đã quyết định trao lại quyền lực cho thế hệ trẻ hơn và quay trở lại cuộc sống của một nhà lập pháp dự bị, theo Washington Post.
Chặng đường 20 năm
Nancy Pelosi được nhớ đến với thành tựu lập pháp từ việc mở rộng quy mô chăm sóc sức khỏe, đến huy động hàng trăm tỷ USD để chống biến đổi khí hậu. Bà đã lãnh đạo đảng Dân chủ đối mặt với cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021 và chỉ đạo hai cuộc luận tội cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong 20 năm qua, các trợ lý tin rằng bà đã huy động được gần 1,3 tỷ USD cho các chiến dịch của đảng Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố từ chức hôm 17/11. Ảnh: Reuters. |
Tiếng nói của bà nghe có vẻ nhẹ nhõm hôm 17/11, dù đảng bà đã để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
“Tôi cảm thấy cân bằng về tất cả”, Pelosi nói với các phóng viên trong buổi họp báo kéo dài một giờ tại Điện Capitol.
Đối với bà, đảng Dân chủ đã “chiến thắng” trong cuộc bầu cử giữa kỳ khi đạt thành tích vượt trội đáng kể so với kỳ vọng. “Chúng tôi đã giành được ưu thế” nhờ những nỗ lực thu hút cử tri đi bỏ phiếu, điều này đã thách thức những dự đoán lịch sử rằng đảng của Tổng thống Biden lẽ ra phải mất ít nhất 20 ghế, bà nói.
Bà dự định dành nhiều thời gian cho những công việc mà bản thân đã không tập trung vào trong hơn 20 năm qua. Bà sẽ không tham gia bất kỳ ủy ban lập pháp nào, nhưng nói rằng bà cần hỗ trợ một số dự án cho San Francisco.
Đối với tất cả cuộc nói chuyện về sự thay đổi thế hệ, Pelosi coi thời gian bên trong các chiến hào lập pháp là chìa khóa quan trọng nhất để thành công. “Việc có kinh nghiệm lập pháp sẽ giúp ích cho bạn. Có rất nhiều điều để nói về kinh nghiệm”, chủ tịch Hạ viện nói.
Các thành tựu đáng chú ý của bà bao gồm đàm phán thành công một gói cứu trợ 700 tỷ USD phố Wall năm 2008; làm việc cật lực gần một năm để thông qua Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng vào năm 2010; một thỏa thuận thương mại mới ở Bắc Mỹ vào năm 2019; và khoảng 5.000 tỷ USD quỹ chống đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021.
Bà Pelosi là “một nhân vật chỉ có một trong thế kỷ, nhưng còn có những nhà lãnh đạo vĩ đại khác ở đây”, nghị sĩ Jamie Raskin, đảng viên Dân chủ của Maryland được coi là một người có khả năng vượt trội trong một quốc hội, nhận xét.
Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries nếu được chọn kế nhiệm bà Pelosi sẽ trở thành người da đen đầu tiên nắm giữ vị trí cao nhất tại Hạ viện. Ảnh: New York Times. |
Triển vọng của thế hệ mới
Một nhóm các nhà lập pháp trẻ hơn sẽ thay thế vị trí của ba nhà lập pháp trên 80 tuổi đã dẫn dắt Hạ viện của đảng họ trong nhiều năm, gồm bà Pelosi, hạ nghị sĩ Steny H. Hoyer (83 tuổi) của Maryland, và James E. Clyburn (82 tuổi) của Nam Carolina.
Khi công bố kế hoạch của mình, bà Pelosi nói rằng đã đến lúc phải nhường sân khấu các nhà lãnh đạo trẻ hơn, và ông Hoyer đã nhanh chóng làm theo, ủng hộ nghị sĩ Hakeem Jeffries (52 tuổi) ở New York, được nhiều người coi là ứng viên có khả năng nhất kế nhiệm nhà lãnh đạo đảng Dân chủ, theo New York Times.
Ông Clyburn - người cũng được cho là sẽ nhường lại vị trí của mình để ủng hộ thế hệ mới - đã bày tỏ một thái độ mơ hồ hôm 17/11.
Ông nói rằng mình mong đợi nghị sĩ Hakeem Jeffries của New York, nghị sĩ Katherine Clark (59 tuổi) của Massachusetts và Pete Aguilar của California (43 tuổi) là những đảng viên đảng Dân chủ hàng đầu mới tại Hạ viện.
Ba nhà lập pháp đã thành lập một liên minh chặt chẽ trong hai năm qua trong hàng ngũ lãnh đạo cấp thấp hơn và được nhiều người coi là ứng cử viên duy nhất cho ba vị trí hàng đầu trong Hạ viện. Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện dự kiến họp vào ngày 30/11 để bầu ra các nhà lãnh đạo mới của họ trong quốc hội.
Cả ba đều tỏ ra thận trọng hôm 17/11 để tránh công khai nói rõ tham vọng lãnh đạo của họ trong một ngày tập trung vào di sản của bà Pelosi.
Rời khỏi phòng Hạ viện sau khi bà Pelosi có bài phát biểu đầy xúc động thông báo kế hoạch từ chức, ông Jeffries gạt các câu hỏi sang một bên và tuyên bố đây là “ngày để kỷ niệm những thành tựu phi thường của Chủ tịch Nancy Pelosi, một nhà lãnh đạo của mọi thời đại".
Ông Jeffries nếu được bầu làm lãnh đạo đảng Dân chủ sẽ làm nên lịch sử với tư cách là người Da đen đầu tiên ở vị trí lãnh đạo cao nhất ở cả hai viện.
Ông Jeffries là một trong số những người nỗ lực kết tội cựu Tổng thống Donald Trump về việc cản trở quốc hội và lạm quyền.
Nghị sĩ Pete Aguilar của California. Ảnh: The Hill. |
Ông Aguilar hiện nằm trong ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Trong khi đó, trong những thời điểm căng thẳng khi các đảng viên Dân chủ bị chia rẽ về chương trình nghị sự lập pháp của chính họ, bà Clark là người nhiều lần tham gia các cuộc họp kín để hướng tới một thỏa hiệp và nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa các bên.
Điểm nổi bật trong hồ sơ lập pháp của ông Jeffries là cải cách kết án lưỡng đảng, và ông được coi là ôn hòa hơn bà Pelosi. Ông nhận được sự ủng hộ của một khối Dân chủ có ảnh hưởng, gồm các nhà lập pháp da đen, với các thành viên đã bắt đầu công khai ủng hộ ông cho vai trò lãnh đạo.
“Tôi tin rằng mọi thành viên nhóm da đen trong quốc hội sẽ bỏ phiếu cho Hakeem Jeffries”, nghị sĩ Joyce Beatty, Chủ tịch của nhóm cho biết. “Ông ấy đã khích lệ chúng tôi, ông ấy đã làm việc cùng với Chủ tịch Pelosi, ông ấy được Jim Clyburn cố vấn và tôi nghĩ ông ấy đã sẵn sàng".
Bà Clark lần đầu tiên đến quốc hội khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 2013, sau khi giữ một số vai trò trong chính quyền bang Massachusetts. Bà leo lên hàng ngũ lãnh đạo trong những năm gần đây, giành được một vị trí trong Ủy ban Phân bổ Ngân sách đầy quyền lực của Hạ viện.
Bà cũng đã đi khắp đất nước để thăm các khu vực bầu cử và các chiến dịch, cũng như hỗ trợ nỗ lực củng cố an ninh quốc hội khi các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về sự gia tăng bạo lực chính trị trên khắp đất nước.
“Tôi rất tự hào về bà ấy”, nghị sĩ Ann McLane Kuster thuộc đảng Dân chủ New Hampshire, nói với phóng viên về bà Clark.
Nghị sĩ Katherine Clark của Massachusetts. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, ông Aguilar đã coi việc vươn lên trở thành người gốc Latin có cấp bậc cao nhất trong quốc hội là giấc mơ Mỹ của mình. Ông từng là thị trưởng của Redlands trước khi lật thành công một ghế ở California vào năm 2014.
Với tư cách là thành viên của ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công ngày 6/1/2021 vào Điện Capitol, ông đã dẫn đầu phiên điều trần xem xét chiến dịch gây áp lực của ông Trump đối với phó tổng thống của ông khi đó là Mike Pence.
Trong nỗ lực nâng cao danh tiếng của mình hơn nữa, ông Aguilar đã dành cả kỳ nghỉ hè vận động cho các nhà lập pháp trong hơn hai chục cuộc tranh cử trong vòng sáu tuần.
Việc nâng cao vai trò tiềm năng của ông Jeffries, bà Clark và ông Aguilar cũng sẽ cho phép một số nhà lập pháp khác đảm nhận các vai trò cấp cao hơn trong đảng.
“Đây là cơ hội đáng kinh ngạc”, nghị sĩ Madeleine Dean của Pennsylvania, nói. “Tôi không phải là người sợ thay đổi, thay đổi sẽ giúp người khác phát triển, và tất nhiên, giúp chúng tôi thành công”.
Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động” do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2019. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.