Tỉnh Đồng Nai hiện có trên 38.000 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 1,2 triệu lao động. Trong đó, lao động làm việc ở các khu công nghiệp tập trung khoảng 600.000 người.
Sau Tết, khi đơn đặt hàng tăng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai dự báo tình trạng thiếu hụt lao động số lượng lớn còn tiếp diễn đến hết quý I.
Hàng chục nghìn việc làm chờ người lao động
Lần đầu đến Đồng Nai, anh Hà Ngọc Minh (huyện Phú Tân, An Giang) cho biết trước đó hai vợ chồng anh làm công nhân cho một xí nghiệp may ở Bình Dương. Do dịch Covid-19, công ty tạm ngưng hoạt động, vợ chồng anh về quê từ tháng 10/2021.
"Đọc báo đài thấy tình hình dịch bệnh tạm ổn, các nhà máy, xí nghiệp tuyển dụng nhiều nên tôi theo mấy người bạn lên Đồng Nai kiếm việc", anh Minh nói.
Vợ chồng anh Minh là hai trong số hàng chục nghìn lao động từ các tỉnh miền Tây đến Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM... làm việc sau Tết Nguyên đán.
Bà Trần Thị Thùy Trâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai - cho biết làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã tạo ra đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước tính 50.000-60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
Về quê tránh dịch Covid-19, người lao động bắt đầu quay lại các tỉnh thành để tìm việc sau nhiều tháng mất thu nhập. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Sau Tết, lượng người lao động quay trở lại Đồng Nai vẫn chưa nhiều. Do đó, các chính sách hỗ trợ để giữ chân công nhân lúc này rất quan trọng. Nếu không, lực lượng lao động sẽ tiếp tục hao hụt trong khi việc tuyển mới cũng không dễ”, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết.
Qua khảo sát nhanh hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30.000 lao động. Trong đó, nhiều ngành nghề có nhu cầu sử dụng lượng lao động lớn như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử.
Một số doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn như CTCP Taekwang Vina (TP Biên Hòa) cần 5.000 lao động, Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cần 2.000 lao động, Công ty TNHH Longwell (huyện Thống Nhất) cần 3.300 lao động…
“Người lao động đến, trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi”
Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai
Chia sẻ về kế hoạch tuyển dụng năm nay, nhiều doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng có thể khó khăn hơn, bởi những người lao động ở quê còn nhiều. Với những ngành như may mặc chủ yếu sử dụng lao động nữ, khi thời gian này trường học, lớp giữ trẻ chưa hoạt động ổn định trở lại, công nhân nữ chưa thể đi làm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ kết nối để đi tuyển dụng tại các tỉnh khác.
“Từ trước Tết, chúng tôi đã kết hợp một số đơn vị liên quan lên kế hoạch hỗ trợ đón người lao động từ các tỉnh thành có nhu cầu đến, trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc, phối hợp với nhiều doanh nghiệp đến các tỉnh tuyển dụng trực tiếp nếu cần thiết”, đại diện trung tâm cho biết thêm.
Nhiều lao động nữ chịu gánh nặng chăm sóc người thân, con cái và bị thiếu hụt về kinh tế, đời sống. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Kết nối doanh nghiệp và người lao động qua Zalo
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai nhấn mạnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, vừa để người lao động, nhất là lao động thất nghiệp trong năm 2022, tìm kiếm được việc làm mới nhanh nhất.
Để đạt được mục tiêu này, trung tâm đã tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, trong đó đẩy mạnh sàn giao dịch việc làm online thông qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng Zalo...
Chị Nguyễn Mỹ Ngọc (27 tuổi, Đồng Nai) thường xuyên nhận được tin nhắn thông báo về các sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Sau đó, chị đăng ký phỏng vấn online trên kênh Zalo của trung tâm. “Công việc hiện tại của tôi có được nhờ thông tin trên Zalo. Tôi cứ đọc các tin tuyển dụng, thấy cái nào phù hợp thì gửi hồ sơ online. Tôi thấy rất tiện”.
Trung tâm này còn gắn mã QR giới thiệu Zalo OA vào các thông báo được niêm yết tại nơi công cộng, giúp người tìm việc dễ dàng quét mã và theo dõi.
Bên cạnh gửi tin nhắn, các mã QR được trung tâm dán tại nơi làm việc để người dân dễ dàng quét và theo dõi. Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. |
“Hiện có hơn 14.500 người dùng theo dõi trang Zalo của chúng tôi, chủ yếu là tại Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương. Số lượng tương tác rất cao, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua có hơn 140.000 lượt tương tác”, bà Thùy Trâm nói.
Từ nhu cầu thực tế của người lao động, phía Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết đã nhanh chóng bổ sung nhiều tiện ích đa dạng trên OA như: Giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề (thông tin về việc làm đang tuyển dụng, tham gia sàn giao dịch, đăng ký tuyển dụng/tìm việc); bảo hiểm thất nghiệp (tiếp nhận và hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, các biểu mẫu, tra cứu…); hỗ trợ người tìm việc (trả lời tự động, liên hệ cán bộ trực kênh Zalo để được giải đáp thắc mắc, liên kết website trung tâm…)
Người dân tìm và quan tâm trang Zalo "Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai" để cập nhật những thông tin việc làm hàng ngày. |
“Những kênh truyền thông, nền tảng công nghệ trong đó có Zalo giúp trung tâm có nhiều thuận lợi trong việc giới thiệu việc làm, kết nối giữa người dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”
Bà Trần Thị Thùy Trâm - Phó giảm đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai
Chia sẻ về việc đẩy mạnh sử dụng Zalo là kênh truyền thông, tương tác với người lao động, phía trung tâm cho biết hiện nay đa số người dân đều có Zalo, việc cài đặt cũng dễ dàng, nhanh chóng.
“Mỗi người dân đều có một số điện thoại riêng để đăng nhập Zalo. Vì thế, chúng tôi có thể yên tâm về tính xác thực khi người lao động đăng ký thông tin hoặc làm thủ tục. Đã có hơn 50.000 thủ tục hành chính thực hiện qua kênh Zalo", đại diện trung tâm chia sẻ.
Ngoài kết nối việc làm, thông qua kênh Zalo “Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai", người dân còn được hỗ trợ thực hiện các thủ tục khác như bảo hiểm thất nghiệp, một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn.
Các sàn việc làm trực tiếp và trực tuyến được tăng cường giai đoạn sau Tết. Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. |
Trong quá trình xử lý, nếu có chậm trễ hoặc phản ánh, người dân có thể gửi thông tin đến quản trị viên. “Điều này giúp chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho trung tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2021”, bà Thùy Trâm nói.
Bình luận