Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kết nối hạ tầng giao thông với TP.HCM để phát triển du lịch ở Long An

Kết nối hạ tầng giao thông với TP.HCM là mối quan tâm lớn của chính quyền huyện Đức Hòa, nhằm đưa địa phương trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của tỉnh Long An.

Tại hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch ngày 2/6, lãnh đạo UBND huyện Đức Hòa đặt mục tiêu đón 56.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 6.200 lượt, doanh thu du lịch ước tính 41.200 tỷ đồng; từ đó, đưa địa phương trở thành điểm đến thu hút du khách ở tỉnh Long An.

Các chuyên gia nêu quan điểm huyện Đức Hòa có tiềm năng phát triển du lịch, song địa phương vẫn chưa phát huy được các thế mạnh, trong đó địa điểm và sản phẩm du lịch còn mờ nhạt, chưa tạo được dấu ấn. Điều này đòi hỏi chính quyền cần có sự đồng bộ trong chính sách phát triển du lịch, đồng thời cải thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Giải quyết điểm nghẽn giao thông giao với TP.HCM

Ông Lê Thành Phong, quyền Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, nhận định địa phương có lợi thế lớn khi chỉ cách TP.HCM gần 30 km, có ranh giới với các đơn vị hành chính như tỉnh Tây Ninh, huyện Củ Chi và Hóc Môn (TP.HCM).

Nơi đây có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế với các vùng lân cận. Ngoài ra, huyện Đức Hòa có 35 km đường ven sông, thích hợp phát triển du lịch sông nước trong tương lai.

Theo ông Phong, huyện Đức Hòa phải đối diện nhiều thách thức trong việc phát triển và cạnh tranh du lịch. “Vì sao du khách nên đến Đức Hòa? Đây là bài toán khó đưa ra câu trả lời. Địa phương cần xác định sản xuất sản phẩm du lịch cho ai, có điểm hấp dẫn nào để du khách nhớ đến”, ông Phong đặt vấn đề.

huyen Duc Hoa anh 1

Ông Lê Thành Phong, quyền Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, khẳng định địa phương mong muốn lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia để xây dựng thương hiệu du lịch riêng biệt. Ảnh: Anh Nhàn.

Thông tin thêm tại hội nghị, ông Phong cho biết huyện Đức Hòa đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông. Một trong số đó là kết nối vòng xoay N2, bắt đầu từ khu vực giáp ranh huyện Bình Chánh (TP.HCM) đến trung tâm huyện. Đây là điểm giao của các tuyến đường Hồ Chí Minh, vành đai 4 và quốc lộ N2.

Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng đang triển khai một trục đường kết nối với tổng chiều dài 14 km, tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo huyện Đức Hòa, vào giờ cao điểm, các nút giao kết nối với TP.HCM hầu như bị nghẽn do lượng lớn học sinh và công nhân tại thành phố đổ về. Hiện, tỉnh Long An đã kết hợp với TP.HCM thực hiện kế hoạch giải quyết các điểm nghẽn giao thông này.

Thời gian tới, huyện Đức Hòa sẽ kêu gọi đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch sông nước dọc sông Vàm Cỏ. Chưa có kế hoạch cụ thể, song ông Phong khẳng định địa phương sẽ quy hoạch định hình 3 khu vực trước, sau đó tiến hành rà soát và kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.

“Quan điểm của huyện là đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch. Nếu nhà đầu tư nào gặp vướng mắc, địa phương sẽ hỗ trợ chính sách, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để cùng doanh nghiệp triển khai tốt hơn”, lãnh đạo huyện Đức Hòa chia sẻ.

Tìm điểm du lịch đặc trưng

Trong khuôn khổ hội nghị, TS Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng khoa Du lịch ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM nhìn nhận huyện Đức Hòa có 4 di tích văn hóa cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh và nhiều tài nguyên khác như kiến trúc nhà cổ, làng nghề truyền thống, nghệ thuật đờn ca tài tử, song việc khai thác du lịch còn nhiều hạn chế.

Ông Thanh đánh giá các điểm di tích lịch sử chỉ dành cho những đoàn chuyên gia nghiên cứu hoặc học sinh, sinh viên đến tham quan học tập, nhưng chưa được khai thác thành sản phẩm du lịch. Ngoài ra, địa phương chưa tạo được thương hiệu và có sản phẩm du lịch đặc thù.

huyen Duc Hoa anh 2

Du khách trải nghiệm cho thú ăn tại vườn thú Mỹ Quỳnh Safari. Ảnh: Đức Dũng.

Vị chuyên gia đề xuất địa phương cần tăng cơ sở dịch vụ, tạo các tour trên sông Vàm Cỏ với điểm đặc trưng là hành trình về nguồn, khám phá dấu xưa tích cũ. Bên cạnh đó, cần kết hợp loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn - đường thủy để xây dựng các tour giúp du khách trải nghiệm cuộc sống người dân ở các làng nghề; ngoài ra, nên xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử.

Để làm được điều này, địa phương cần có kế hoạch quảng bá thông qua các kênh truyền thông, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở lưu trú.

Trong khi đó, bà Trần Thảo, chuyên gia du lịch, góp ý huyện Đức Hòa cần có sự đồng bộ trong các chính sách phát triển du lịch. Vị chuyên gia nhìn nhận hiện địa phương có quá ít địa điểm du lịch có thể thu hút khách tham quan và tiêu tiền.

Bà Thủy dẫn chứng sân golf West Lakes Golf and Villas là điểm đến của người yêu thích bộ môn thể thao này. Tuy nhiên, ngoài đánh golf, gia đình họ không có thêm dịch vụ đi kèm nào khác để trải nghiệm và chi tiêu.

"Trong mục tiêu đón 56.000 lượt khách, huyện Đức Hòa phải xác định đối tượng khách hàng mà địa phương muốn tiếp cận. Tôi đề xuất nên tập trung vào nhóm khách có thu nhập tầm trung trở lên vì họ chi tiêu thoải mái cho du lịch", bà Thủy nói.

Hồn đô thị gồm 30 bài tùy bút được tuyển chọn từ bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập) đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018. Bộ sách đến nay đã được tái bản 5 lần.

Đất nước gấm hoa không đơn thuần là một atlas địa lý, mà như một cẩm nang hình ảnh sinh động, cô đọng về thông tin khi đề cập đến 63 tỉnh thành Việt Nam.

Long An xin thôi điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM

Liên quan đến việc điều phối dự án Vành đai 4 TP.HCM, UBND tỉnh Long An vừa có công văn báo cáo vướng mắc khi giao tỉnh này làm cơ quan đầu mối tổng hợp.

Vân Trang - Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm