Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin ông Hoàng Hưng Quốc, nguyên thị trưởng kiêm quyền bí thư thành phố Thiên Tân - một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc - bị kết án 12 năm tù trong phiên tòa ngày 25/9.
Động thái diễn ra ngay trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, sự kiện chính trị quan trọng quyết định vấn đề nhân sự cấp cao nhiệm kỳ tới của nước này vào tháng 10 tới. Trước khi bị điều tra, ông Hoàng được xem là ứng viên sáng giá cho một trong 25 vị trí của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội này.
Theo China Daily, ông Hoàng đã thừa nhận hành vi phạm tội trong phiên tòa diễn ra ở tỉnh Hà Bắc hồi tháng 8. Cựu thị trưởng Thiên Tân bị cáo buộc nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 40 triệu nhân dân tệ (6 triệu USD), thông qua chính ông hoặc các thành viên gia đình từ năm 1994 đến năm 2016.
Ông Hoàng Hưng Quốc nguyên là thị trưởng kiêm quyền bí thư thành phố Thiên Tân, một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Ông Hoàng sinh năm 1954 tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từ năm 1998, ông giữ chức phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang, sau đó là bí thư thành phố Ninh Ba thuộc tỉnh này. Đến cuối năm 2003, ông được bổ nhiệm làm phó bí thư kiêm phó thị trưởng Thiên Tân. Tháng 1/2008, ông chính thức trở thành thị trưởng Thiên Tân và đến tháng 12/2014 bắt đầu kiêm nhiệm vai trò quyền bí thư thành phố này.
Ngày 10/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) công bố công Hoàng bị điều tra vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng", cụm từ ám chỉ hành vi tham nhũng, đưa nhận hối lộ ở nước này.
Thông tin này gây sốc đối với giới quan sát chính trị Trung Quốc vì ông Hoàng được xem là người thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình và chưa từng vướng vào bất kỳ tranh cãi công khai nào liên quan đến hoạt động chính trị. Ông Hoàng là thị trưởng đương quyền đầu tiên của nhóm 4 thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc bị CCDI điều tra kể từ đại hội 18.
Cuộc điều tra của CCDI được công bố 13 tháng sau vụ nổ nhà máy hóa chất thảm khốc ở Thiên Tân hồi năm 2015, làm thiệt mạng 170 người. Khi đó, ông Hoàng từng thừa nhận ông có trách nhiệm "không thể tha thứ" nhưng cuối cùng không bị quy trách nhiệm trong kết luận được công bố tháng 10/2016, theo South China Morning Post.