Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kẹt' 10.000 tỷ chống ngập ở TP.HCM, Bộ KHĐT và thành phố đổ lỗi nhau

Bộ KH&ĐT cho rằng UBND TP.HCM chưa hoàn thành các thủ tục để có thể giải ngân nguồn vốn 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập trong khi thành phố nói đã trình từ 2 tháng trước.

Chiều 2/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2030. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cùng tham dự.

Bao giờ bố trí được vốn cho TP.HCM chống ngập?

Tại phiên họp, Bộ KH&ĐT nhận được nhiều ý kiến của Đại biểu về tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công với các dự án trọng điểm cả nước, trong đó có dự án chống ngập tại TP.HCM.

Theo một số đại biểu Quốc hội, Ngân sách Nhà nước có bố trí khoảng 80.000 tỷ đồng để tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên đến nay, khoảng 10.000 tỷ đồng bố trí cho dự án chống ngập tại TP.HCM vẫn chưa được giải ngân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong khoản vốn 80.000 tỷ đồng, có bố trí khoảng 10.000 tỷ cho dự án chống ngập TP.HCM. Vốn đã bố trí nhưng TP.HCM vẫn chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết để được giao.

giai trinh luat dau tu cong anh 1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình. Ảnh: Quang Khánh.

“Chúng tôi đã yêu cầu TP.HCM nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục để có thể giao vốn chống ngập”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông giải trình thêm trong khoản 80.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, có 7.000 tỷ đồng dành cho các dự án đường sắt, 8.000 tỷ đồng dành cho các dự án cấp bách của Bộ Giao thông Vận tải, 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập TP.HCM và khoảng 55.000 tỷ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Phản bác lại ý kiến của Bộ KH&ĐT, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết đã hoàn thành thủ tục gửi Bộ KH&ĐT và trình Thủ tướng từ tháng 7.

Theo ông Liêm, dự án chống ngập tại TP.HCM gồm 36 tiểu dự án nhỏ. UBND TP.HCM coi vấn đề chống ngập là bức xúc và tích cực thực hiện, tìm giải pháp hoàn thành thủ tục đầu tư.

'Chỉ đầu tư vào những dự án không hối tiếc'

Giải trình ý kiến các Đại biểu Quốc hội về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Luật đầu tư cũng như việc ưu tiên đầu tư công hiện nay, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết cần xem xét kỹ lưỡng và chỉ đầu tư các dự án thực sự cần thiết.

giai trinh luat dau tu cong anh 2
Một công trình chống ngập tại TP.HCM đang được xây dựng. Ảnh: Lê Quân.

Theo Thứ trưởng Đông, có những dự án làm đê, chống sạt lở nhưng sau đó lại phá đi, gây lãng phí. Do đó, ông đề xuất một khái niệm mới, đó là chỉ đầu tư vào những “dự án không hối tiếc”. Tức những dự án mãi mãi không bao giờ thay đổi so với mục đích ban đầu, tránh lãng phí khi đầu tư.

Ông Đông cũng nhắc đến ưu tiên các lợi ích kinh tế khi đầu tư làm đường giao thông, chống sạt lở.

Theo đó, ở những khu vực có nhu cầu đi lại cao việc đầu tư làm đường sẽ được ưu tiên. Ví dụ các tuyến đường như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Cần Thơ… cần sớm được đầu tư hơn là các đoạn khác.

Ngoài ra, vấn đề chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần tính đến lợi ích kinh tế. Khó có thể bỏ hàng trăm tỷ đồng chống sạt lở cho những đoạn ngắn dưới 1 km. Thay vào đó cần làm các dự án có lợi cho phần đông dân số hơn.

“Chúng ta phải sống thuận thiên, không thể chống thiên. Không nước nào đủ tiền để làm hết đê biển. Chỗ nào sạt lở cần tính toán lợi ích kinh tế để xây dựng các công trình phù hợp”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để khắc phục những tồn tại của Luật Đầu tư công hiện tại, Bộ này sẽ trình Chính phủ nội dung sửa đổi ngay phiên hợp ngày mai, 3/10. Nếu chuẩn bị đầy đủ, có thể trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 4.

Cho ý kiến tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Luật Đầu tư công còn những tồn tại nhất định, nhưng cũng cần lưu ý tính cần thiết và ý nghĩa của nó đối với thực trạng đầu tư hiện nay. Các bộ ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện những điều mà luật đã quy định.

Nghịch lý có tiền nhưng không tiêu được

Ngân sách huy động được 300.000 tỷ đồng nhưng lại không tiêu được, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, việc làm, thu nhập người lao động, tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước...


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm