Xiaomi là một tập đoàn lớn, có tham gia vào nhiều ngành hàng khác nhau, các sản phẩm chủ yếu của họ thường liên quan đến công nghệ mới và các ứng dụng thông minh. Trong sự kiện lớn Mega Launch mới diễn ra, Xiaomi cũng đã công bố logo và bộ nhận diện thương hiệu mới do Kenya Hara thiết kế.
Kenya Hara sinh năm 1958 và là nhà thiết kế đồ họa tài năng người Nhật Bản. Ông là giám đốc đại diện của Nippon Design Center và là giáo sư của Đại học Mỹ thuật Musashino. Ngoài ra, Kenya Hara được coi là nhân tố quan trọng trong sự thành công của MUJI - thương hiệu bán lẻ nổi tiếng tại Nhật - với triết lý tư cách giám đốc sáng tạo.
Tài năng của Kenya Hara trong công việc thiết kế, sáng tạo, lên ý tưởng là không cần bàn cãi. Nhà thiết kế này từng đảm nhận vai trò thiết kế chương trình khai mạc và bế mạc của Thế vận hội mùa đông Nagano 1998.
Nhà thiết kế đồ họa Kenya Hara được đánh giá rất cao với triết lý hư không và những ứng dụng của nó vào thực tế. Ảnh: Elle Decoration. |
Keyna Hara nổi tiếng với triết lý hư không (Emptiness) và đó cũng là chìa khóa để làm nên thành công của thương hiệu MUJI (viết tắt của Mujirushi Ryohin, tiếng Nhật nghĩa là "Sản phảm chất lượng không thương hiệu").
Theo nhà thiết kế này, triết lý hư không đã có từ rất lâu và dường như có mối liên hệ mật thiết đối với văn hóa thiền định Zen tại Nhật. Triết lý hư không nhấn mạnh về sự thanh tịnh, yên bình, hướng tới cái đẹp hoàn hảo trong mỹ học, không màng vật chất mà coi trọng dấu ấn nội tại. Trong đó, mọi thành tố đều được thiết kế đơn giản nhưng súc tích, cô đọng được cái hồn của cái đẹp và sự tự do.
Một điểm quan trọng khác cũng cần chú ý, khái niệm "hư không" và "tối giản" là có nhiều nét khác nhau, không nên đánh đồng. Nếu như phong cách tối giản là quá trình tối giản, lược bỏ vật chất để hướng tới giải phóng con người, giải phóng tư duy thì triết lý hư không được hiểu là phương thức bỏ qua vật chất, hướng tới cái đẹp trong sự trống trải, tự do và ẩn chứa vô vàn khả năng có thể khai thác.
Các tác phẩm của Kenya Hara về thiết kế
Không chỉ đóng góp tích cực trong các hoạt động chuyên môn liên quan tới thiết kế, Kenya Hara còn thường xuyên ra mắt những cuốn sách chất lượng về đề tài này. Nhiều tác phẩm của ông được giới chuyên môn đánh giá cao và được dịch sang nhiều thứ tiếng, nổi bật nhất có thể kể đến như: Designing Design (2007), Design of Design (2003) hay White (2008).
White là một trong ba cuốn sách được yêu thích nhất của Kenya Hara. Ảnh: Pendulummag. |
Được xuất bản năm 2003, cuốn Design of Design được ví như góc nhìn tổng quan của Kenya Hara đối với nghệ thuật thiết kế.
Cuốn sách có góc nhìn bao quát không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thiết kế chuyên biệt mà còn thể hiện nhiều tư duy, triết lý khác của tác giả. Tác phẩm này được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh... và thu hút được nhiều độc giả châu Á.
Trong khi đó, cuốn Designing Design được xuất bản năm 2007, nhà thiết kế nổi tiếng người Nhật Bản Kenya Hara đã gây ấn tượng mạnh với người đọc về tầm quan trọng của “sự trống rỗng” (hay hư không) đối với cả thị giác và triết học truyền thống của Nhật Bản cũng như ứng dụng của chúng vào thiết kế thực tế.
Bên cạnh đó, Kenya Hara còn rất nổi tiếng với White, một tác phẩm rất được lòng giới chuyên môn cũng như người đọc, đặc biệt là những ai đang làm việc trong ngành thiết kế. Trong tác phẩm này, Kenya Hara đã đánh giá lại giá trị của màu trắng. Với ông, đó không đơn thuần chỉ là màu sắc mà nó có liên quan mật thiết đến nguồn gốc của thẩm mỹ Nhật Bản - sự đơn giản và tinh tế.
Một lần nữa, khái niệm hư không (Emptiness) lại được Kenya nhắc tới. Lần này, ông khai thác khía cạnh tinh tế trong thiết kế và khả năng vượt ra ngoài mọi rào cản bằng chính những giá trị mà phong cách hư không đem đến.
Ngoài ba cuốn sách kể trên, Kenya Hara còn dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm có giá trị khác như: Riddle of the Macaroni Hole (2001) hay Please Steal the Poster (2009).