Theo đại diện Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, diện tích hai hộp kỹ thuật tại căn hộ B606 mà Keangnam bán cho khách hàng B.Q không nằm trong phần diện tích của căn hộ này. Vì vậy, phía Keangnam buộc phải hoàn trả lại số tiền chênh lệch này với giá trị 2.800 USD/m2.
Đây được coi là một trong những quyết định quan trọng được đưa ra tại phiên tòa xử vụ kiện dân sự giữa bà B.T.B.Q là người mua căn hộ B606 diện tích 206 m2 và A610 diện tích 118 m2 với chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina.
Nội dung tranh chấp giữa người mua và Keangnam Vina chủ yếu gồm hai phần, việc định giá bán căn hộ bằng USD và thiếu hụt diện tích sử dụng trong căn hộ.
Tòa nhà Hanoi Landmark Tower. |
Với sự chênh lệch tỷ giá kể từ khi ký hợp đồng đến khi bàn giao căn hộ, việc định giá bán bằng USD đã khiến mỗi căn hộ đội giá khoảng từ 500 đến 800 triệu đồng tùy theo diện tích.
Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ra phán quyết buộc Keangnam phải định giá lại căn hộ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng là 18.479 VND/USD để tuân thủ điều 22 Pháp lệnh quản lý ngoại hối. Đồng thời Keangnam phải hoàn trả lại cho khách hàng số tiền mua căn hộ đã trả thừa.
Tòa án chấp nhận cách đo diện tích căn hộ từ tim tường đến tim tường của chủ đầu tư Keangnam Vina qui định trong hợp đồng mua bán mẫu nhưng bác bỏ cách tính diện tích các hộp kỹ thuật nằm kề sát ngoài tường căn hộ.
Theo đó Keangnam Vina phải trả lại số tiền mua căn hộ tính trên 7,804 m2 là diện tích của 2 hộp kỹ thuật không nằm trong diện tích của căn hộ B606. Với mỗi mét vuông có đơn giá 2.800 USD, ước tính khách hàng sẽ được hoàn trả khoảng hơn 400 triệu đồng.
Tòa án cũng bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn đồng thời bác đơn phản tố đòi bồi thường thiệt hại của bị đơn.
Đây là căn hộ thứ 2 và thứ 3 được Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đưa ra xét xử trong tổng số 10 căn hộ xảy ra tranh chấp khiếu kiện kéo dài từ năm 2012 đến nay.