Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kẻ thù lớn nhất của bóng đá Italy

Khi cả châu Âu dậy sóng với những cặp đấu tại tứ kết Champions League, bóng đá Italy ngậm ngùi khi toàn bộ các đại diện bị đá bay từ vòng 1/8.

Phân tích

italy anh 1

Dựa người vào chiếc ghế tại trường quay của Sky Italy, cựu HLV Fabio Capello một lần nữa quả quyết các đại diện của Italy chơi quá chậm, thiếu cường độ, và những trận đấu tại Serie A thường xuyên bị vỡ vụn với bởi những tiếng còi báo phạm lỗi nhanh như chớp của các trọng tài sau các pha va chạm bình thường.

Alessandro Costacurta, chủ nhân của 5 cúp C1/Champions League trong màu áo Milan, nhận định Serie A không còn hùng mạnh như thời anh còn thi đấu, và những CLB khác tại lục địa già đang bạo chi hơn hẳn.

Trong khi đó, nhà báo Paolo Condo nhấn mạnh việc các cầu thủ trẻ từ lò đào tạo không được trọng dụng và có tầm ảnh hưởng ở đội một là điểm khác biệt giữa các đội bóng Italy với chính họ trong quá khứ, và những đại diện thành công của bóng đá thế giới nhiều năm qua như Barca thời Pep Guardiola.

italy anh 2

Không CLB Italy nào góp mặt tại vòng tứ kết Champions League, kể cả Juventus của Ronaldo. Ảnh: Getty.

Lý do Serie A tụt lùi

Như Lev Tolstoy viết trong Anna Karenina: Mọi gia đình sung sướng đều sung sướng giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo một cách riêng của mình. Các đại diện của Italy rời Champions League theo những lý do khác nhau, không liên quan tới những vấn đề của Serie A.

Lazio đã không xuất hiện tại Champions League trong 13 năm, và ngay khi trở lại đã lọt vào vòng knock-out lần đầu tiên sau hai thập kỷ, bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc bị Bayern Munich loại nằm trong dự tính, ngay cả khi trận lượt đi (thua 1-4) đặc biệt gây thất vọng.

Atalanta đã đón nhận những kỳ vọng lớn sau điều kỳ diệu ở mùa trước. Công bằng thì thầy trò Gasperini không gây thất vọng. Họ có nhiều điểm ở vòng bảng hơn mùa trước, thắng Liverpool ở Anfield lẫn Ajax ở Amsterdam. Ý tưởng đôi khi vượt lên trên năng lực, nhưng giống Lazio, chúng ta không thể đòi hỏi hơn ở một CLB nằm ngoài Top 30 đội bóng giàu nhất thế giới.

italy anh 3

Inter bị loại từ vòng bảng Champions League, thậm chí không giành vé để xuống chơi tại Europa League. Ảnh: Getty.

Nhiều người có thể quên: quỹ lương của Atalanta nằm ở nửa dưới tại Serie A. Việc cán đích trong Top 4 và lọt vào vòng knock-out Champions League đã là điều kỳ diệu với đội bóng này.

400 triệu euro là chênh lệch giữa Milan và MU trong doanh thu theo thông báo của Deloitte. Rossoneri thậm chí kiếm tiền ít hơn cả Sheffield United, CLB đứng bét bảng tại Premier League lúc này.

Không tính tiền bán cầu thủ, ngoài Porto và Dortmund, toàn bộ CLB có mặt tại tứ kết Champions League, đều có doanh thu hơn các đại diện Italy. Những CLB của xứ sở mỳ ống hoàn toàn phụ thuộc vào việc mua, bán cầu thủ để tạo lợi nhuận, một minh chứng cho thấy họ thiếu ổn định như thế nào để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên khắp châu Âu.

Trong một thời gian dài, các lãnh đạo của Serie A luôn chọn cách đấu đá chính trị thay vì phát triển giải đấu như cách Richard Scudamore làm với Premier League, Christian Seifer và Javier Tebas làm với Bundesliga cũng như La Liga.

Chính lúc này, Serie A cũng chẳng tự quyết được điều gì, kể cả tiền bản quyền truyền hình hay việc bán cổ phần cho một công ty tư nhân để thu về 1,7 tỷ euro. Kẻ thù lớn nhất của Serie A là chính họ.

Việc không thể cải thiện tình hình là một trong những lý do khiến Chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli, khao khát thay đổi mọi thứ với kế hoạch triển khai UEFA Super League.

Trong khi đó, các sân bóng tiếp tục bị hư hỏng và không thuộc sở hữu riêng của các CLB. Không có quá nhiều tiền được đẩy về các CLB vì Luật công bằng tài chính. Đây chính là nơi Serie A bị bỏ lại.

Atalanta và Lazio xứng đáng được tôn trọng vì vượt qua kỳ vọng. Juventus và Inter thì không. Tiêu chuẩn của cả hai lớn hơn, không chỉ bởi lực lượng, truyền thống mà còn vì thành tích. Juventus giàu thứ 10 tại châu Âu, suýt giành cú ăn ba vào năm 2015 và 2017. Inter Milan thì lọt vào trận chung kết Europa League mùa trước.

Mặc kệ hứng khởi từ chiến thắng 3-0 trước Barca tại Camp Nou vào tháng 12, những trận hòa trước Lyon hay Porto tại vòng knock-out Champions League và bị loại là không thể chấp nhận.

Inter chịu ảnh hưởng lớn từ thành tích kém cỏi của Antonio Conte. Song dữ liệu chỉ ra Inter đã quá thiếu may mắn khi bỏ lỡ hàng loạt cơ hội mười mươi, và Arturo Vidal cũng Nicolo Barella đã tự bắn vào chân đội nhà bằng những sai lầm trước M'Gladbach hay Real Madrid.

"Quá khứ là quá khứ"

Bóng đá Italy còn có thể tạo ra những thế hệ cầu thủ tài năng? Chắc chắn không đến mức như trong thập niên 80 hay 90 nhưng sự lạc quan về đội hình Italy trẻ trung dưới thời Roberto Mancini là có.

Barella đã tạo ra một trong những khoảnh khắc hay nhất vòng bảng khi đánh gót cho Lautaro Martinez sút tung lưới Real. Và có ai không ấn tượng với màn trình diễn đỉnh cao của Federico Chiesa trước Porto?

italy anh 4

Bóng đá Italy không thể sống mãi trong hồi ức của quá khứ. Ảnh: Getty.

"Không phải chiến thuật", Esteban Cambiasso lý giải thất bại của Serie A tại Champions League mùa này. Conte đã vô địch Premier League, Claudio Ranieri, Carlo Ancelotti hay Mancini cũng vậy. Những ý tưởng từ Italy biết cách bừng sáng tại Anh. Xứ sở mỳ ống vẫn là cái nôi cho những chiến lược gia hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sau cùng các đội bóng Italy vẫn không chấp nhận rủi ro, hay đi ngược lại văn hóa phòng ngự. Mùa trước, dư luận tại Italy từng chỉ trích dữ đội việc Ralf Ragnick có thể tới Milan làm Giám đốc thể thao và thay đổi văn hóa tại đây. Ngoài Paulo Fonseca, những HLV ngoại làm việc tại Italy như Ivan Juric hay Sinisa Mihajlovic đều huấn luyện các CLB hệt như những người được sinh ra tại đây.

Việc các Giám đốc thể thao chuyển qua lại các CLB, bổ nhiệm các HLV họ từng làm việc cùng, mua các cầu thủ họ từng mua cũng là một nguyên nhân. Tất cả quá dễ đoán, bị gò vào một khung có sẵn và gần như không mời chào những thay đổi. Cambiasso tin những cản trở của bóng đá Italy đến từ văn hóa và tinh thần.

"Có những giới hạn luôn bị gắn với lịch sử", Cambiasso nói trên Sky Italy. "Chiến thắng mang tới hạnh phúc, nhưng cũng có thể níu chân bạn. Tôi đã đi nhiều nơi, xem bóng đá, đọc các nhà báo viết gì, nghe những điều CĐV nói. Chúng ta có những giới hạn.

Tôi nói 'chúng ta' là bởi Argentina cũng có những vấn đề giống Italy. Mỗi khi ai đó nói Argentina cần thay đổi, luôn có những đáp trả như: 'Đúng, nhưng chúng ta đã hai lần vô địch World Cup cơ mà'. Tây Ban Nha thay đổi vì họ chưa từng vô địch trước đây, và chính những thay đổi đó tạo ra vinh quang của Barca và chính Tây Ban Nha tại World Cup".

Cựu tiền vệ Inter Milan giành cú ăn ba vào năm 2010 kết luận: "Nếu muốn bắt đầu lại từ đầu, hãy quên những chiến thắng đi và tập trung vào tương lai. Quá khứ là quá khứ. Không nên lãng quên chúng, nhưng nếu chỉ quay đầu nhìn lại, bạn sẽ không thể tiến lên".

Ramos: 'Mọi thứ đổ hết lên đầu Ronaldo' Trung vệ đội trưởng Real Madrid lên tiếng bảo vệ Cristiano Ronaldo sau khi đồng đội cũ và Juventus bị Porto loại ở vòng 16 đội Champions League.

Nỗi đau của bóng đá Italy

Việc gần như chắc chắn sẽ sạch bóng tại vòng tứ kết Champions League là đòn đau với bóng đá Italy, vốn đã nỗ lực để trở lại trong nhiều năm qua.

Việt Nhật (theo Athletic)

Bạn có thể quan tâm