Triết gia: "Cảm giác tự ti là trạng thái cảm thấy 'mình' hiện nay có gì đó thiếu sót. Như thế thì vấn đề là...".
Chàng thanh niên: "Làm thế nào để bổ sung phần thiếu sót đó, phải không nhỉ?".
Triết gia: "Đúng như vậy. Làm thế nào để bổ sung phần thiếu sót đây? Cách lành mạnh nhất là cố gắng bù đắp thiếu sót bằng nỗ lực để trưởng thành. Chẳng hạn như chăm chỉ học hành, kiên trì rèn luyện, dốc sức mình cho công việc... Tuy nhiên, những người không có can đảm làm như thế sẽ rơi vào phức cảm. Nếu nói như ví dụ lúc nãy, người đó sẽ nghĩ rằng 'tôi học vấn thấp nên không thể thành công', đồng thời ngầm phô trương năng lực của mình 'chỉ cần học vấn cao, tôi sẽ có thể dễ dàng thành công'. Ý muốn nói bây giờ tôi chỉ bị hạn chế bởi trình độ học vấn thôi, chứ 'tôi thực sự' thì giỏi lắm".
Chàng thanh niên: "Không, điều thứ hai không phải là tự ti nữa rồi. Đó là căn bệnh ảo tưởng chứ".
Triết gia: "Đúng vậy. Phức cảm tự ti có khi phát triển thành một trạng thái tâm lý đặc thù khác nữa kia".
Chàng thanh niên: "Đó là gì vậy?".
Triết gia: "Có lẽ đó là một từ cậu ít khi nghe đến. Là 'phức cảm tự tôn'. Cho dù khổ sở vì tự ti nhưng không có can đảm bổ sung phần thiếu sót bằng cách lành mạnh nhất là nỗ lực trưởng thành. Nhưng cũng không thể chịu đựng được phức cảm tự ti 'Vì A nên không thể làm được B'. Không thể chấp nhận 'cái bản thân không có khả năng làm được'. Cứ thế, người ấy sẽ tìm cách bù đắp khuyết điểm bằng cách đơn giản hơn".
Chàng thanh niên: "Bằng cách nào vậy?"
Triết gia: "Hành động như thể mình vượt trội, chìm đắm trong cảm giác tự tôn giả tạo".
Chàng thanh niên: "Cảm giác tự tôn giả tạo?".
Triết gia: "Có thể đưa ra một ví dụ gần gũi, đó là 'viện đến quyền uy'".
Chàng thanh niên: "Đó là gì vậy?".
Triết gia: "Chẳng hạn, phô trương là mình thân thiết với ai đó có quyền lực - có thể là người đứng đầu lớp học, cũng có thể là người nổi tiếng, từ đó tỏ ra mình cũng là người đặc biệt. Hoặc những việc như nói dối về thân phận, tôn sùng quá mức quần áo, trang sức hàng hiệu cũng là một kiểu viện đến quyền uy, một dạng phức cảm tự tôn. Trong các trường hợp này 'mình' vốn không tài giỏi hay đặc biệt gì, nhưng bằng cách gắn mình với uy quyền, lại có thể chứng tỏ 'mình' đặc biệt. Nghĩa là tâm lý tự tôn giả tạo".
Chàng thanh niên: "Còn ở sâu thẳm trong lòng họ lại tự ti?".
Triết gia: "Đúng vậy. Tôi không am hiểu lắm về thời trang, nhưng những người đeo nhẫn hồng ngọc hay ngọc lục bảo ở cả mười ngón tay thì nên nhìn nhận đó là do tự ti, đồng thời cũng thể hiện một loại phức cảm tự tôn chứ không phải là có vấn đề về gu thẩm mỹ".
Chàng thanh niên: "Đúng thế thật".
Triết gia: "Tuy nhiên, người mượn sức mạnh của quyền uy để chứng tỏ bản thân, rốt cuộc sẽ sống nhờ giá trị quan của người khác, sống cuộc đời của người khác. Điều này cần phải nhấn mạnh".
Chàng thanh niên: "Hừm, phức cảm tự tôn này thật là một hiện tượng tâm lý rất đáng quan tâm. Thầy có thể đưa ra ví dụ khác không?".
Triết gia: "Chẳng hạn, những kẻ luôn phô trương thành tích của mình, những kẻ chìm đắm trong hào quang của quá khứ, luôn hồi tưởng lại thời gian mình tỏa sáng nhất. Có lẽ quanh cậu cũng có những người như thế. Tất cả đều có thể gọi là phức cảm tự tôn".
Chàng thanh niên: "Phô trương thành tích của mình cũng tính ư? Đành rằng thái độ như thế là tự phụ, nhưng thực tế là người ta giỏi nên mới có cái phô trương chứ. Đâu thể gọi là phức cảm tự tôn giả tạo được".
Triết gia: "Không phải. Người cảm thấy phải chủ động nói ra những lời phô trương là người không tự tin ở bản thân. Adler đã chỉ rõ, 'Nếu như người nào phô trương thì nhất định là kẻ đó tự ti'".
Chàng thanh niên: "Nghĩa là phô trương là mặt trái của tự ti?".
Triết gia: "Đúng vậy. Nếu thực sự tự tin thì sẽ không thấy cần phô trương. Chính vì lòng tự ti quá lớn nên mới phô trương, cố ý khoe việc mình tài giỏi, sợ rằng nếu không làm thế, sẽ không được những người xung quanh công nhận 'cái bản thân như thế này'. Đây hoàn toàn là phức cảm tự tôn".
Chàng thanh niên: "...Nghĩa là phức cảm tự ti và phức cảm tự tôn nghe thì hoàn toàn trái ngược nhưng thực tế lại có liên quan mật thiết đến nhau nhỉ?".
Triết gia: "Liên quan mật thiết đấy. Và cuối cùng tôi xin đưa ra một dẫn chứng phức tạp về phô trương. Trường hợp đạt tới một dạng cảm giác tự tôn đặc biệt bằng cách cường điệu lòng tự ti. Cụ thể là phô trương về bất hạnh của mình".
Chàng thanh niên: "Phô trương về bất hạnh của mình?".
Triết gia: "Đó là những kẻ ưa tự hào khoe bất hạnh giáng xuống đầu mình. Và dù người khác có an ủi hay động viên thay đổi, họ cũng gạt đi, 'Cậu không hiểu được cảm xúc của tôi đâu'".
Chàng thanh niên: "Đúng là có người như thế thật".
Triết gia: "Những người như vậy thực ra đang vin vào bất hạnh để thể hiện sự 'đặc biệt' của bản thân, coi nỗi bất hạnh là ưu thế trước người khác". Chẳng hạn, tôi có chiều cao hạn chế. Giả sử có người tốt bụng đến an ủi tôi, 'Chẳng có gì phải bận tâm cả' hay 'Chiều cao không quyết định giá trị của con người'. Nhưng, nếu tôi cự tuyệt, rằng 'Cậu thì hiểu gì nỗi khổ của người thấp chứ!' thì chẳng ai nói được gì nữa. Cứ như thế, chắc chắn dần dà những người xung quanh sẽ đối xử với tôi một cách thận trọng, như thể sợ chọc vào tổ kiến lửa".
Chàng thanh niên: "Đúng vậy".
Triết gia: "Bằng cách làm như thế, tôi có thể có ưu thế hơn, trở nên 'đặc biệt' hơn người khác. Khi bị ốm, bị thương hay đau khổ do thất tình, không ít người sẽ tỏ thái độ như thế để trở thành 'người đặc biệt'".
Chàng thanh niên: "Bộc lộ lòng tự ti của mình để sử dụng nó như một thứ vũ khí phải không?".
Triết gia: "Đúng. Biến bất hạnh của mình thành vũ khí để thao túng đối phương. Những kẻ ấy đang thao túng mọi người xung quanh - chẳng hạn như gia đình và bạn bè, khiến họ lo lắng, bó buộc lời nói, hành động của họ, bằng cách tỏ ra mình bất hạnh đến mức nào, đau khổ đến mức nào. Những người ưa giam mình trong phòng mà chúng ta nói đến lúc đầu thường mang cảm giác tự tôn, lấy bất hạnh của mình làm vũ khí. Đến mức Adler chỉ ra rằng 'Trong nền văn hóa của chúng ta, kẻ yếu thực ra lại rất mạnh mẽ và có quyền lực'".