Washington Post đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến mở cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước vào tuần tới, nhằm lên kế hoạch tiêm chủng cho 70% dân số thế giới để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Các nhà lãnh đạo có một nhiệm vụ khó khăn: 9 tháng sau khi vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt, phần lớn trong số 7,8 tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm dù chỉ 1 mũi.
Mọi người đều đặt câu hỏi tại sao lại mất nhiều thời gian đến vậy để tiêm chủng cho toàn cầu, và làm thế nào để thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, theo New York Times.
Bao giờ có đủ vaccine cho toàn cầu?
Ngay từ đầu, tình trạng thiếu vaccine chính là nguyên nhân hạn chế hoạt động tiêm chủng toàn cầu. Các nhà sản xuất vaccine trên khắp thế giới, bao gồm cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, dự đoán họ sẽ sản xuất tổng cộng 12 tỷ liều vào cuối năm 2021, theo Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke.
Và nếu 12 tỷ đó thực sự được sản xuất và phân phối công bằng, mục tiêu của ông Biden có thể thành hiện thực. Nhưng như viện Duke đã viết: “Đó chỉ là nếu như”.
Cho đến nay, chỉ có 5,76 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 đã được sử dụng. Vào tháng 6, ông Biden công bố nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất, hầu hết ở Mỹ, để “tăng đáng kể nguồn cung cho phần còn lại của thế giới”.
Nhưng tính đến tháng 8, chính phủ Mỹ mới chi dưới 1% số tiền mà Quốc hội dành cho mục tiêu đó, theo phân tích của nhóm vận động phòng chống AIDS PrEP4All.
“Không chú trọng thực hiện chiến lược tiêm chủng ở nước ngoài là một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc chiến Covid-19”, ông Raja Krishnamoorthi - thành viên đảng Dân chủ - nói.
Ông Krishnamoorthi là một trong 116 thành viên đảng Dân chủ kêu gọi phân bổ 34 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất vaccine.
Nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất vaccine Covid-19 cho COVAX ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ. Ảnh: UNICEF. |
Nhưng thế giới có thể sớm đạt được mục tiêu mà không cần thêm sự can thiệp của Mỹ. Sau khởi đầu chậm chạp đáng kinh ngạc, các nhà sản xuất vaccine hiện tạo ra 1,5 tỷ liều mỗi tháng, theo Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế.
Đến tháng 1 tới, tổ chức này ước tính sẽ có đủ vaccine cho tất cả người trưởng thành trên mọi lục địa.
“Bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận vaccine là một cuộc khủng hoảng của năm 2021. Nhưng chúng ta đang nhìn thấy một viễn cảnh khác vào đầu năm 2022, khi mà thiếu hụt vaccine toàn cầu sẽ biến mất”, Ruth R. Faden - giáo sư Johns Hopkins và là người sáng lập tổ chức Viện Đạo đức Sinh học Berman - nói với Wired. “Vì vậy, vấn đề là làm thế nào để vượt qua vài tháng tới”.
Đủ vaccine nhưng không chắc phân bổ thành công
Ngay cả khi sản xuất đủ liều lượng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, không có gì đảm bảo số vaccine sẽ đi tới nơi cần chúng. Giống như thế giới sản xuất quá nhiều lương thực để cung cấp cho dân số toàn cầu, nhưng hàng trăm triệu người vẫn bị bỏ đói mỗi năm vì tiếp cận không bình đẳng.
Cho đến nay, việc triển khai vaccine toàn cầu cũng bị cản trở bởi sự bất bình đẳng: Trong số 5,76 tỷ liều đã sử dụng trên khắp thế giới, 80% ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao, trong khi chỉ 0,4% ở các quốc gia có thu nhập thấp.
“Ở hầu hết quốc gia có thu nhập cao, ít nhất một nửa dân số đã được tiêm chủng đầy đủ”, tiến sĩ Krishna Udayakumar - Giám đốc sáng lập Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Duke - nói với New Yorker gần đây. “Ở hầu hết quốc gia có thu nhập thấp, chỉ có 2 trên 100 người được chủng ngừa đầy đủ. Sự khác biệt gấp khoảng 50 lần”.
Một điểm tiêm chủng đại trà ở Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
COVAX - chương trình hỗ trợ tiêm chủng toàn cầu bởi Liên Hợp Quốc, được coi là giải pháp xóa bỏ sự chênh lệch này - hứa hẹn sẽ cung cấp hai tỷ liều vào cuối năm 2021.
Nhưng COVAX đang không đáp ứng được ngay cả mục tiêu khá khiêm tốn đó. Chương trình mới chỉ phân phối khoảng 271 triệu liều, hơn 1/3 mục tiêu đặt ra tại thời điểm này. Dự báo phần còn lại của năm 2021 sẽ giảm khoảng 1/4.
Việc tích trữ vaccine chính là rào cản cho chương trình ngay từ khi bắt đầu. Các quốc gia giàu có đã cạnh tranh tham gia cuộc đua mua vaccine, trả nhiều tiền hơn để đảm bảo có được vaccine - thường là nhiều hơn những gì họ cần - trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Đồng thời, các quốc gia giàu có chậm rãi quyên góp số tiền mà COVAX cần để ký kết các giao dịch. Và hiện tại, một số quốc gia còn đang xem xét hoặc đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3. Điều này còn có nguy cơ cắt giảm hơn nữa nguồn cung của COVAX.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm mũi thứ 3, Mỹ, Anh, các quốc gia châu Âu và những nước khác vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu của chính họ, trong khi dư ra khoảng 1,2 tỷ liều vào cuối năm nay.
Về phần mình, Mỹ đã tài trợ hoặc cam kết tài trợ khoảng 600 triệu liều cho các quốc gia khác. Chính quyền ông Biden chỉ ra đây là cam kết vượt qua mọi quốc gia của Mỹ. Nhưng chỉ có 115 triệu liều trong số đó thực sự đã phân bổ, tương đương 1% trong số 11 tỷ liều mà thế giới đang cần.
“Chúng tôi đang tự vỗ về bản thân vì đã làm ở mức tối thiểu và làm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng đó không phải là một dấu ấn tuyệt vời”, Matthew Rose - người đứng đầu chính sách của Mỹ tại Dự án Tiếp cận Toàn cầu về Sức khỏe - nói. “Nếu tất cả thất bại, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau thất bại. Chúng ta chỉ là người đứng đầu trong số những người thất bại”.
COVAX cũng gặp phải các vấn đề về hành chính và hậu cần. Ví dụ, ở Chad, chương trình đã phân phối 100.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech vào tháng 6. Nhưng 5 tuần sau đó chỉ sử dụng khoảng 6.000 liều.
Giống như nhiều quốc gia, Chad không thể chuyển vaccine Pfizer ra ngoài các thành phố lớn vì yêu cầu bảo quản khắt khe.
COVAX mới chỉ phân phối khoảng 271 triệu liều vaccine. Ảnh: PAHO. |
Làm gì để xóa bỏ rào cản này?
Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi - tổ chức phi lợi nhuận dẫn đầu COVAX, lập luận để tiêm chủng cho dân số toàn cầu một cách nhanh chóng, ông Biden cùng với các nhà lãnh đạo tại những quốc gia giàu có sẽ cần thực hiện 4 bước.
Đầu tiên, họ cần phân bổ đúng vaccine như đã hứa. Trong số 600 triệu liều cam kết đưa cho COVAX, chỉ có 100 triệu liều đã được chuyển giao. Cần thêm nhiều liều vaccine càng sớm càng tốt, ông Berkley nói.
Tiếp theo, họ cần thực thi tính minh bạch. COVAX đã có thỏa thuận 4 tỷ liều vaccine với các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc giao hàng thường chậm trễ, có khả năng là do các nhà sản xuất đang ưu ái cho những quốc gia đã ký thỏa thuận riêng.
Các quốc gia cũng cần đặt vấn đề tiếp cận vaccine toàn cầu là ưu tiên hàng đầu. Các quốc gia có đơn đặt hàng đang chờ xử lý nhưng không phải là những mũi tiêm cần thiết có thể nhường COVAX lên trước.
Cuối cùng, cần có sự cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Hệ thống y tế quốc gia ở những nước thu nhập thấp cần được tăng cường, để tiêm chủng không chỉ giúp sớm chấm dứt đại dịch mà còn tạo ra hệ thống chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong tương lai.
Khi nguồn cung vaccine toàn cầu tăng lên để đáp ứng nhu cầu trong những tháng tới, tiến sĩ Udayakumar tin rằng bước cuối cùng là khó thực hiện nhất.
“Hầu hết quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khó có thể tăng cường tiêm chủng trên quy mô lớn”, ông nói. “Đó không phải là cái cớ để chậm giao nguồn cung, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa nhằm xây dựng năng lực, để mọi quốc gia sẵn sàng tăng cường tiêm chủng khi nguồn cung sẵn có”.