Ông Danny Lê - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan (MSN) - mới cập nhật thông tin về kế hoạch IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) đối với công ty thành viên The CrownX sẽ bị chậm tiến độ đến 2024-2025 do điều kiện thị trường không phù hợp.
"Chúng tôi có kế hoạch IPO The CrownX nhưng với bối cảnh thị trường vốn và khung pháp lý hiện nay, chúng ta cần chờ đợi thêm hơn 12 tháng nữa, CEO Masan giải đáp thắc mắc của cổ đông.
Năm ngoái, Masan tiết lộ đang xem xét kế hoạch niêm yết cổ phiếu của The CrownX lên chứng khoán như New York, Hong Kong, Singapore hoặc Việt Nam trong vòng 18 đến 24 tháng.
The CrownX được thành lập năm 2019, trên cơ sở hợp nhất các mảng thực phẩm và đồ uống của Masan với mảng bán lẻ và trang trại của Vingroup.
Năm 2023, Masan Group lên kế hoạch doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31% so với thực hiện trong năm 2022. Lợi nhuận kế hoạch trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng (dao động nhẹ với con số thực hiện năm ngoái là 4.754 tỷ đồng).
Trong đó, The CrownX vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính với tỷ trọng đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu, tức khoảng 65.000-72.300 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 16-29% so với năm 2023.
Động lực chính của sự tăng trưởng này là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng thuộc Wincommerce và tập trung vào nỗ lực R&D của Masan Consumer.
Lãnh đạo Masan nhấn mạnh lộ trình tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025 tập trung vào động lực chính là chiếm lĩnh thị phần bán lẻ hiện đại và hợp tác với bán lẻ truyền thống để phục vụ 30-50 triệu hội viên WIN.
tập đoàn sẽ tăng quy mô hội viên ở cả offline và online với mục tiêu có 10 triệu thành viên vào năm 2023 và 30 triệu thành viên vào năm 2025, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho 5 triệu người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ trong vài năm tới.
Masan đang mở rộng phục vụ nhu cầu khác như Phúc Long, thí điểm Dr.Win và dịch vụ tài chính của Techcombank. Chẳng hạn Dr.Win đang có tốc độ tăng trưởng 30%/năm, 2.000 tài khoản Techcombank mở mới mỗi ngày tại hệ thống Winmart, làm chủ hệ thống kho bãi thông qua The Supra...
Tập đoàn này cũng tiếp tục các kế hoạch gọi vốn khi được cổ đông chấp thuận phương án phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.
Mục đích huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi dự kiến để thực hiện các chương trình đầu tư và dự án kinh doanh (bao gồm việc góp hoặc mua cổ phần tại các công ty con), bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài.
Masan muốn bán gia vị, nước chấm ra thế giới
Tập đoàn bán lẻ này đặt mục tiêu thị trường toàn cầu sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu, đẩy mạnh cho các thương hiệu Chinsu, Omachi và Vinacafe.
Chuỗi Winmart chưa thể thoát lỗ năm vừa qua
Chuỗi siêu thị WinMart, cửa hàng tiện lợi WinMart+ vẫn chưa thể thoát lỗ sau khi về tay Masan từ cuối năm 2019.
WinCommerce mở rộng quy mô sau 3 năm về với Masan
Sau 3 năm về với Masan, WinCommerce với chuỗi siêu thị và siêu thị mini trở thành hệ thống bán lẻ hiện đại có số lượng lớn nhất tại Việt Nam.