Ngày 24/5, trong cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp Việt Nam ở TP HCM, ông Obama đã được "tiếp đón" bằng ba màn trình diễn của những người trẻ khởi nghiệp công nghệ. Trong số này, câu chuyện về bánh mì Sài Gòn được kể theo công nghệ tương tác ảo (Augmented Reality - AR) khiến người đứng đầu nước Mỹ ngạc nhiên, phấn khích với các phóng viên đi cùng và... muốn chụp hình chung.
Kể lại với Zing.vn, Bùi Hải An, đồng sáng lập của Silicon Straits, một trong hai người "kể chuyện" bằng hình ảnh tương tác ảo với ông Obama, cho rằng đây là một vinh hạnh lớn. Hải An cùng đồng nghiệp Nguyễn Minh Tuấn đã chuẩn bị sẵn một câu chuyện để kể, gồm ba tấm ảnh khác nhau. Khi đó, ông Obama chỉ cần dùng một chiếc iPad có cài sẵn ứng dụng Augmented Reality và "soi" ba tấm ảnh qua camera, những hình ảnh 3D sống động sẽ lập tức hiện ra và Tổng thống Mỹ có thể chạm vào từng vị trí để hiển thị thêm các thông tin bổ sung như "Chợ Bến Thành", "Toà nhà Bitexco", hay các thành phần của ổ bánh mì Sài Gòn.
Một phút cho Sài Gòn, nước Mỹ và khởi nghiệp ở VN
"Sài Gòn cũng giống như nước Mỹ, là một thành phố của rất nhiều người nhập cư. Sài Gòn cởi mở và dễ chấp nhận người tứ xứ, bất cứ ai ở Sài Gòn cũng có thể là người Sài Gòn. Và chiếc bánh mì cũng thể hiện rất rõ điều này. Thành phần của món ăn có bơ, mayonnaise đến từ phương Tây, chả lụa từ phương Đông và thịt, rau, gia vị của Việt Nam. bánh mì cũng là hình ảnh đại diện rất phù hợp cho khởi nghiệp, bởi ai cũng có thể bắt đầu chỉ với một xe bánh mì và thậm chí kiếm được rất nhiều tiền từ nó. Từ ổ bánh mì, chúng tôi dẫn đến chuyện khởi nghiệp, và muốn ông Obama thấy được tinh thần khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam", Bùi Hải An nói về phần trình bày chỉ trong vòng một phút của anh với người đứng đầu nước Mỹ.
Bùi Hải An và Nguyễn Minh Tuấn kể chuyện "bánh mì Sài Gòn" khi ông Obama dùng ứng dụng tương tác ảo để theo dõi qua máy tính bảng. Ảnh: The White House. |
Theo anh, việc nhóm được chọn đến từ hai cơ duyên trước đó. Hải An từng tham dự Global Entrepreneurship Summit, một chương trình của Bộ ngoại giao Mỹ tại Thung lũng Silicon và ứng dụng công nghệ Augmented Reality tại sự kiện 30 Under 30 của Forbes tại Việt Nam, mang đến ấn tượng cho những nhân viên sứ quán Mỹ có mặt ở đó. Vào một ngày "đẹp trời" của tháng 5, khi lãnh sự quán Mỹ gọi điện đến Silicon Straits, Hải An và những cộng sự của mình mới được biết về chuyến thăm của ông Obama và nhiệm vụ truyền tải hình ảnh năng động, sáng tạo của startup Việt đến với người đàn ông của Nhà Trắng.
Kể lại với Zing.vn, Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng dự án Augmented Reality tại Silicon Straitscho biết ban đầu nhóm đưa ra ba ý tưởng. Thứ nhất, ông Obama có thể "chạm" vào hàng loạt các hình ảnh, biểu tượng của Việt Nam và Mỹ như nón lá, con trâu, khiên của Captain Ameria,... ý tưởng thứ hai là Tổng thống Mỹ có thể chụp hình chung với một mô hình được dựng sẵn, nhưng khi soi qua camera trên ứng dụng Augmented Reality thì sẽ thấy có cả mây, mưa, nước ngập, xe chạy,... Ý tưởng thứ ba là kể lại một câu chuyện về Sài Gòn, và phía Mỹ đã lựa chọn phương án cuối cùng này.
Augmented Reality có thể giúp ích cho giáo dục và nhiều lĩnh vực
Công nghệ tương tác ảo Augmented Reality ( viết tắt là AR), hay dịch sát nghĩa là "tăng cường thực tế") vốn không mới trên thế giới. Thuật ngữ này được biết đến rộng rãi từ năm 2009 và phát triển song hành cùng với công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality, viết tắt là VR) cho đến hiện nay. Trong khi VR cố gắng tạo ra một thế giới ảo hoàn toàn, thì AR là sự kết hợp giữa đời thực và hình ảnh ảo, giúp người dùng có thêm thông tin khi quan sát qua một thiết bị thông minh như smartphone, tablet hay kính chuyên dụng.
Về công nghệ, Augmented Reality không khó để thực hiện. Điều quan trọng nằm ở khả năng thiết kế đồ hoạ và ý tưởng. Ảnh: Duy Tín. |
Tại các nước phát triển, AR được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành quảng cáo. Chẳng hạn người dùng có thể dùng camera trên smartphone để xem một vũ công biểu diễn trên nắp của một ly kem trong khi chờ rã đông, hoặc trên nắp của một ly mì gói ăn liền.
Theo Bùi Hải An, công nghệ AR có thể áp dụng vào mảng Giáo dục tại Việt Nam, giúp tạo ra những bộ sách, giáo trình sinh động hơn. Bên cạnh đó, những bảo tàng hay khu chứng tích cũng có thể hút khách tham quan nếu áp dụng tương tác ảo. Khi đó, những hoạ tiết cách điệu trên trống đồng Đông Sơn sẽ hiện ra đầy sinh động, và các trận chiến được tái hiện rõ nét trên sa bàn. Việc tìm hiểu lịch sử sẽ thêm phần thú vị và trực quan.
Hiện tại, mảng Augmented Reality tại Việt Nam đang dừng ở mức tạo ra những tấm thiệp tương tác ảo, giúp khách mời có thêm trải nghiệm thú vị khi đến sự kiện. Hải An và Minh Tuấn cho rằng nhiều lĩnh vực cần đến AR và muốn có thêm những cơ hội để ứng dụng AR vào thực tiễn ở Việt Nam cho những mục đích thiết thực.