Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kasim Hoàng Vũ: 35 tuổi vẫn phụ thuộc vào mẹ?

Chàng ca sĩ "Sao Mai điểm hẹn" luôn nhìn thấy những ấm áp vây quanh khi có hai người phụ nữ bên cạnh.

Là một trong những gương mặt nổi bật của Sao Mai điểm hẹn 2004, Kasim Hoàng Vũ có một sự nghiệp ca hát khá vững chắc. Trong suốt gần 10 năm hoạt động nghệ thuật, Kasim dường như miễn nhiễm với scandal, thị phi. Ở bên anh, luôn có mẹ, một ngôi sao nhạc rock, lo lắng tận tình. Nhiều người nói Kasim may mắn nhưng cũng không ít người cho rằng anh thụ động trong vòng tay của mẹ khi đã trở thành người đàn ông ở tuổi 35.

Tôi có hiếu nhưng không nghe lời mẹ hoàn toàn

- Thời gian trước đây, tôi thường thấy anh liên tục xuất hiện cùng với mẹ, nghệ sĩ Bích Phương. Nhưng gần đây, anh không đi cùng mẹ nữa, vì sao vậy?

- Đâu phải không đi cùng. Những công việc như thế này mẹ đến làm gì. Tất cả sô diễn của tôi, mẹ chẳng bao giờ vắng mặt. Ở nhà, mẹ là người mẹ, nhưng trong công việc, mẹ là người quản lý nên mẹ luôn đi theo con của mình. Có lẽ vì tôi và mẹ gắn bó với nhau nhiều quá nên mọi người để ý. Như Đan Trường, đâu phải chỉ có bầu sô Hoàng Tuấn bên cạnh đâu, lúc nào cũng có 5-6 người khác đi theo, tôi thì chỉ có một mình mẹ theo cùng mà ai cũng hỏi (cười).

- Anh không tin tưởng ai ngoài mẹ để đi theo quản lý mình?

- Tôi luôn cần có người đi theo mình, để quan sát xem hôm nay mình hát như thế nào, bộ đồ mình diễn có phù hợp với sân khấu không? Khi tôi lên sân khấu, mẹ là người ngồi dưới quay phim, chụp hình để tôi có thể xem lại. Tôi có thể thuê những người ở ngoài làm công việc đó nhưng họ thường làm không hết cái tâm. Tôi sai mà họ không nói.

Trước đây tôi có mướn một trợ lý cho mình để họ đi bấm đĩa và nghe hát xem có vấn đề gì thì góp ý nhưng họ cũng không nói hết, vì sợ tôi giận, tự ái. Nhưng thật ra tôi cần họ nói thật, vì nếu thấy sai tôi sẽ nhận.

- Có sự bảo bọc của người mẹ bao giờ cũng là điều tốt cho bất cứ đứa con nào, nhưng anh có lo nếu dựa dẫm vào mẹ nhiều mình sẽ thiếu chủ động trong cuộc sống không?

- Rất nhiều người từng hỏi tôi vấn đề đó, nhưng tất cả những người hiểu hai mẹ con tôi thì biết mọi chuyện giữa mẹ và tôi đều có sự rạch ròi. Ở nhà là hai mẹ con, ra cà phê nói chuyện thì như hai người bạn, trong công việc thì cái nào ra cái đó, người quản lý là quản lý, ca sĩ là ca sĩ. Khi xong việc, tôi đi chơi, hẹn hò bạn bè hay về trễ, mẹ sẽ không bao giờ hỏi: “Sao giờ này chưa về”, “Sao quen với cô kia, mẹ không thích”.

- Vậy mà nhiều người vẫn cho rằng anh đang bị phụ thuộc vào mẹ đấy?

- Tôi nghĩ với những người không hiểu hoặc có chút ganh tị với tình cảm của mẹ con tôi thì mới nói là phụ thuộc hay thụ động như vậy. Để tự nhận xét về mình, tôi là người rất năng động, lỳ và không phải ai nói gì cũng nghe. Tất cả những gì đúng trong cuộc sống, mẹ là người đi trước, mẹ nói: “Mẹ thấy chưa được” nhưng tôi vẫn phải cân nhắc. Không phải mẹ nói không được là tôi thấy không được. Khi mẹ nói: “Mẹ không thích con làm như vậy”, tôi sẽ tìm hiểu lý do. Nếu thấy đúng, tôi vẫn làm tiếp và giải thích cho mẹ hiểu.

- Có khi nào vì những bất đồng ý kiến dẫn đến việc anh và mẹ giận nhau một thời gian dài không?

- Có chứ. Có những lúc mẹ giận tôi lâu lắm, tận mấy tháng. Từ bé đến lớn, nhà chỉ có hai mẹ con gắn bó nên bao nhiêu tình cảm yêu thương mẹ dành hết cho tôi. Tuy nhiên, tôi là con người, đâu phải lúc nào cũng có hiếu và nghe lời được đâu. Cũng có khi tôi làm mẹ phật lòng, dù đã cố gắng hạn chế hết sức. Mẹ tôi bảo: “Ngày xưa mẹ sinh con ở trong bệnh viện chứ có phải ở trên cục đá đâu mà con lỳ như vậy”. Tôi chọc lại: “Ai biết có khi ngày xưa mẹ sinh con trên cục đá”. Vậy là mẹ giận luôn.

Tôi có một điều dở là không bao giờ mở miệng xin lỗi được. Khi hai mẹ con giận nhau, phải vài tuần sau mới làm lành được.

- Anh có cảm thấy tủi thân vì không được sự chăm sóc đầy đủ của cả cha và mẹ?

- Chỉ có một lần duy nhất thôi. Nhưng sau lần đó tôi cảm thấy rất bình thường. Lúc đó, tôi mới học cấp 1 thì phải. Ngày Trung thu, tôi đi coi người ta múa lân, được chia 2.000 đồng. Tôi lận nó ở lưng quần rồi đến một quán chè chồm hỗm (vì không có ghế) ở gần nhà. Đến nơi, tôi thò tay tìm tiền thì nó đã rơi từ khi nào. Tôi buồn muốn khóc và bảo với chủ quán chè để đi về lấy tiền, dù có thể ăn và ngày mai trả cũng được. Từ nhỏ tôi đã biết sĩ diện như vậy.

Đứng dậy về thì tôi thấy một đứa nhỏ kia có ba mẹ chở xe đạp tới ăn chè. Tôi ước gì mình được như vậy. Ba tôi chở hai mẹ con đi ăn chè. Đó là lần duy nhất tôi cảm thấy tủi thân. Lúc đó, tôi cũng đã hiểu do hoàn cảnh mà ba mẹ không ở bên nhau nữa. Hai người không hợp nhau nên chia tay có khi còn hạnh phúc hơn.

- Không giận ba, nhưng anh có thường xuyên liên lạc với ông ấy không?

- Ba tôi đã mất cách đây hai năm rồi. Khi còn nhỏ, tôi vẫn nói chuyện với ba bình thường, dù chỉ sống với mẹ.

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

- Ai là người định hướng cho cuộc sống của anh?

- Định hướng là do tôi, chứ không phải mẹ. Lúc còn nhỏ, tôi không thích hát mà mê điện tử. Tôi mê đèn led lắm nên thường qua nhà chú hàng xóm học nối các vi mạch lại, chế tạo để làm đèn. Rồi tôi gắn đèn led vào bánh xe đạp để khi mình chạy xe thì đèn chớp lên. Thậm chí, tôi mua những chiếc xe mô hình, rồi lắp ráp, chế đèn vào. Tới năm lớp 11, mọi người còn nghĩ tôi sẽ theo ngành điện tử chứ không phải thành một ca sĩ.

- Gia đình của anh chỉ có hai mẹ con nghệ sĩ sống với nhau, vậy ai là người sẽ lo sắm sửa ngày Tết khi cả hai đều rất bận rộn?

- Tôi và mẹ làm hết. Trong 9 năm sống ở TP.HCM, cứ trước ngày 30 Tết, hai mẹ con sẽ đi mua sắm. Về nhà, mẹ sẽ xếp mâm ngũ quả, tôi phụ bếp núc hay tự lau nhà, hút bụi. Tôi với mẹ đều không thích có người giúp việc. Có lẽ tôi là người duy mỹ nên thích tự làm mọi việc. Tôi không thích ai đụng vào cái gì của mình, đặc biệt là trong phòng riêng của tôi.

Tính tôi rất ngăn nắp, mọi thứ sắp xếp theo ý mình rồi, ai đụng vào hay di chuyển đi chỗ khác là tôi không hài lòng. Có lẽ điều đó là do tôi học được ở trường quân đội. Tính kỷ luật, sự ngăn nắp của quân đội ngấm vào người mình. Ngay cả mẹ cũng không dọn phòng của tôi đâu. Chỉ khi nào quần áo dơ mà đầy, mẹ giúp tôi bỏ vào thùng máy giặt.

- Anh và mẹ sẽ về Đà Nẵng đón Tết hay ở lại TP.HCM?

- Vào dịp Tết, tôi lại được sống với những sở thích của mình. Tôi đem đèn ra gắn, tạo cây mai các kiểu... Sau đó, tôi đưa mẹ đi chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Năm nào, tôi với mẹ cũng về Đà Nẵng đón giao thừa cùng ông bà ngoại. Cả nhà sẽ uống champagne và xem bắn pháo hoa. Mẹ sẽ ở lại Đà Nẵng với ông bà, còn tôi trưa mùng một trở lại TP.HCM để đi diễn. Năm nào hành trình cũng như vậy (cười).

- Hai mẹ con cứ quẩn quanh bên nhau vậy, chẳng lẽ anh không nghĩ đến một mái ấm của riêng mình sao?

- Cảm xúc đó hình như nó quá quen thuộc rồi nên mọi thứ cũng nhạt. Tôi chỉ cảm thấy phải giống như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” và ngày nào niềm vui cũng đến với tôi. Vào những ngày Tết, tôi sắp xếp đồ đạc, rồi tính xem đi thăm nhà ai, buổi tối đi hát thì được gặp gỡ khán giả, hát xong thì được nhận tiền lương cao hơn ngày thường một chút...

- Có tin đồn anh đã đính hôn và chuẩn bị kết hôn, nhưng trên tay anh không đeo nhẫn. Liệu thông tin đó có đúng không?

- Tôi chưa đính hôn nhưng tôi và bạn gái đã quen nhau được 8 năm. Chúng tôi cũng đã định kết hôn nhưng có sự trì hoãn là do ba tôi mất. Tôi muốn theo phong tục của người Việt, dù có nhiều người ở trường hợp tôi sẽ cưới chạy tang. Còn tôi thấy nếu làm điều đó thì nhẫn tâm quá và tôi cũng không việc gì phải vội vàng. Tôi không quan trọng đám cưới mà là sống với nhau có hạnh phúc không? Đám cưới hoành tráng, nhiều người tới cho đông vui, vậy rồi vài bữa chia tay. Tôi có nhiều người bạn như vậy lắm. Lúc đó mới nói hối hận.

- Bạn gái ở Mỹ, còn anh ở Việt Nam, có khi nào xa mặt cách lòng không?

- Trước kia, khi chưa có phần mềm gọi điện thoại miễn phí, tình phí của chúng tôi cũng tốn kém lắm. Mỗi tháng mất vài triệu đồng tiền điện thoại. Nhớ thì phải gọi điện thoại, nghe giọng nhau. Còn không thì nhắn tin qua Mỹ, vậy cũng chết tiền. Sau này, có nhiều mạng, nhiều phương tiện rẻ hơn nên không còn tốn kém nữa. Chúng tôi nói chuyện với nhau liên tục hàng ngày, nhìn thấy nhau qua mạng cũng đỡ nhớ.

Về sau có điều kiện hơn, tôi bay qua Mỹ kết hợp đi diễn cũng nhiều hoặc cô ấy trở về Việt Nam thăm tôi. Những lúc không ở bên nhau, quan trọng là hai người giữ niềm tin với nhau. Nhìn thấy nhau đấy, nhưng sau khi thấy lại làm chuyện lầm lỗi thì cũng... như không.

- Mẹ anh không sợ con dâu sẽ “cướp” mất đứa con trai cưng của mình sao?

- Tôi không nghĩ vậy, vì trong con người mẹ là sự kết hợp của cả châu Âu lẫn châu Á nên không cổ hủ quá. Mẹ tôi trước đây cũng học trường của Pháp nên có sự ảnh hưởng nhiều. Mẹ là ngôi sao nhạc rock nữa nên rất cá tính, cái gì đúng thì chấp nhận, sai thì sai. Khi tôi quen bạn gái, cô ấy mua đồ cho tôi, cái gì đẹp thì mẹ bảo đẹp, chưa được mẹ bảo chưa được, rất thẳng thắn. Mẹ cũng hay gọi điện nói chuyện, hỏi thăm cô ấy. Mẹ còn sử dụng Facebook nhắn tin với cô ấy nữa.

- Anh cảm thấy mình may mắn chứ?

- Tất nhiên. Có hai người phụ nữ yêu thương mình như vậy là quá may mắn.

Kasim Hoàng Vũ sinh năm 1979, tại Đà Nẵng. Cha mẹ Kasim chia tay khi anh còn đang trong bụng mẹ. Mẹ anh, nữ ca sĩ nhạc rock Bích Phương, làm mẹ đơn thân nuôi con khôn lớn. Năm 2004, Kasim Hoàng Vũ tham gia cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, gây ấn tượng với khán giả bằng chất giọng và phong cách khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Sau cuộc thi, anh phát triển sự nghiệp ca sĩ chuyên nghiệp với sự quản lý của mẹ. Hiện tại, Kasim Hoàng Vũ đang tham gia cuộc thi Opera - Chinh phục đỉnh cao cùng các ca sĩ Khánh Linh, Ngọc Khuê, Ngọc Anh, Hồ Trung Dũng, Nathan Lee, Võ Hạ Trâm, Bùi Anh Tuấn..

Theo Mốt & Cuộc Sống

Bạn có thể quan tâm