Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Karaoke ở TP.HCM mở lại từ 17/11, gặp khó vì quy định đóng cửa lúc 21h

Sau nhiều tháng "đóng băng" vì dịch bệnh, hàng loạt quán karaoke trên địa bàn TP.HCM mở cửa đón khách ngay sau khi nhận thông báo mới của chính quyền thành phố.

"Quán đã mở cửa đón khách trở lại ngay từ chiều ngày 17/11, sau tổng cộng hơn 9 tháng tạm dừng hoạt động kể từ khi có Covid-19", bà Thùy Dương - đại diện chuỗi karaoke ICool - vui mừng nói với phóng viên Zing.

Bà Dương cho biết đơn vị mở lại tất cả 18 cơ sở nằm trong các địa phương thuộc vùng 1 và vùng 2 mà cơ quan chức năng cho phép. "Chúng tôi vẫn đang gấp rút chuẩn bị theo 10 tiêu chí của UBND TP.HCM đã ban hành. Ở những cơ sở vùng 2, các quán chỉ nhận đúng 50% công suất", bà nói.

Đại diện chuỗi karaoke này cho biết khi mở cửa trở lại gặp khó khăn lớn về nhân sự khi nhiều nhân viên đã về quê và chưa thể quay lại. "Chưa kể hiện tại giá gas và xăng tăng mạnh, nhưng ICool vẫn sẽ cố gắng đưa đến khách hàng mức giá tốt trong thời điểm dịch bệnh", bà Dương nói.

Quán karaoke ICool tại Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) mở cửa. Ảnh: Quỳnh Danh.
quan karaoke mo cua tu 17/11 anh 1
quan karaoke mo cua tu 17/11 anh 1

Quán karaoke ICool tại Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) mở cửa. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phải đóng cửa nhiều chi nhánh

Ông Tạ Quang Hùng - Giám đốc Marketing của hệ thống Kingdom - cho biết ngay khi có thông tin cho phép mở lại karaoke, đơn vị đã lập tức lên kế hoạch mở cửa đón khách trở lại vào ngày 17/11. "Mọi khâu về nhân sự, hàng hóa đều đã được Kingdom chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Chỉ chờ văn bản của thành phố là chúng tôi khởi động lại ngay", ông nói.

Đại diện hệ thống karaoke này cho biết hiện đơn vị mở lại 3 cơ sở và khẳng định sẽ tuân đủ đúng các yêu cầu quy định giới hạn số lượng khách cũng như khung giờ hoạt động theo quy định của UBND thành phố.

"Thời gian đầu, chúng tôi cũng chưa nắm rõ số lượng khách nên chưa tập trung hết nhân viên quay trở lại", ông nói. Ông Hùng cho biết trong đợt dịch vừa qua doanh nghiệp đã phải đóng cửa 4 chi nhánh.

"Thời gian đầu chúng tôi vẫn ráng cầm cự vì nghĩ rằng thời gian giãn cách không lâu nhưng không ngờ lại kéo dài đến vậy, trong khi nhiều nhân viên cũng không thể đợi được đến ngày hoạt động lại", ông nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết áp lực chi phí mặt bằng khiến doanh nghiệp phải đóng cửa các chi nhánh.

quan karaoke mo cua tu 17/11 anh 2

Karaoke Nice tại Võ Thị Sáu, quận 3. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Trong năm 2020, nhiều chủ nhà đã hỗ trợ mặt bằng. Do đó, năm 2021 họ cũng không thể tiếp tục hỗ trợ như trước bởi đó cũng là công việc, nguồn thu của họ. Suy nghĩ đóng cửa cũng khó khăn lắm nhưng đó là điều bắt buộc phải làm", ông chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Linh - chủ quán Avatar karaoke tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 - cho biết rất vui mừng vì cuối cùng karaoke cũng được mở cửa trở lại sau hơn 5 tháng. Ngày 16/11, sau khi nghe tin TP cho phép, chị Linh đã tập hợp nhân viên đang ở trên địa bàn để dọn dẹp, sắp xếp và mở cửa đón khách trở lại ngay trong ngày 17/11.

Trong năm 2020, nhiều chủ nhà đã hỗ trợ mặt bằng. Do đó, năm 2021 họ cũng không thể tiếp tục hỗ trợ như trước

Ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc Marketing của hệ thống Kingdom

Chủ quán karaoke này cho biết vì quán nằm trong địa phương vùng xanh nên chị khá yên tâm và theo quy định không phải giới hạn số khách.

"Hiện nay, đa số người kinh doanh đều gặp khó khăn về nguồn cung hàng hóa và nhu cầu của khách hàng sau dịch, nhiều người vẫn e dè dịch bệnh khi đến các điểm giải trí", chị nói.

Đặc biệt về nhân sự, chị Linh cho biết đây là một trong những khó khăn của quán khi mở cửa trở lại. "Nếu cơ quan chức năng cho phép hoạt động lại công suất 100%, quán karaoke của tôi cũng khó thể hoạt động lại với công suất đó vì thiếu nhân viên, hàng hóa", chị than thở.

Theo chủ quán Avatar karaoke, hiện số lượng nhân viên đi làm thời gian này chủ yếu là những người đang tạm trú ở TP và đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. "Khi mở lại, quán cũng sẽ có một số ưu đãi như tặng giờ hát, trái cây... để dành tặng khách hàng", chị nói thêm.

"Ít ai đi hát karaoke trước 21h"

Đại diện ICool cho rằng quy định chỉ được đón khách trước 21h sẽ gây không ít khó khăn. Nhưng để đảm bảo phòng, chống dịch, doanh nghiệp này cam kết sẽ tuân thủ nghiêm túc.

"Chúng tôi cũng thông báo với khách hàng trước để họ hiểu và tuân thủ. Đồng thời, chúng tôi có chương trình giảm giá giờ hát cho khách hàng là học sinh sinh viên và uống nước tặng món vào khung giờ buổi sáng để kích cầu khách hàng phải đi hát vào buổi sáng", bà Thùy Dương nói.

Tương tự, chủ quán Avatar karaoke cũng cho rằng quán karaoke nếu phải đóng cửa sau 21h sẽ rất khó khăn bởi đa số khách hàng thường đi hát từ thời điểm 21h. "Nếu mở lại cũng chỉ tạo công ăn việc làm cho nhân viên, dọn dẹp sắp xếp quán quay về như thời điểm ban đầu", bà Linh nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Hùng cho biết quy định phải đóng cửa trước 21h có nhiều bất cập cho doanh nghiệp, vì "đi hát karaoke về trước 21h thì sẽ không ai đi" và "doanh thu của dịch vụ karaoke thường đến sau 21h". "Dù vậy, hệ thống của Kingdom cũng sẽ thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của chính quyền thành phố", ông nói.

quan karaoke mo cua tu 17/11 anh 3

Trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều quán karaoke đã phải chuyển sang loại hình kinh doanh khác để duy trì chi phí. Ảnh: Lan Anh.

Về quan điểm quán karaoke có nguy cơ lây nhiễm cao vì trong phòng kín, chị Linh cho rằng suy nghĩ này có nhiều khúc mắc, khó hiểu. "Bởi một nhóm khách đi chơi đã tiếp xúc trước đó và nếu có nguy cơ lây nhiễm thì sẽ lây nhiễm trước đó chứ không phải đến khi vào phòng hát", chị Linh nói.

"Chưa kể, karaoke là môi trường riêng biệt không giống bar, vũ trường để nhóm người lạ này tiếp xúc nhóm người lạ khác", chị phân tích. Chị Linh cho rằng môi trường karaoke còn an toàn hơn quán nhậu.

Sẽ rất khó khăn bởi đa số khách hàng thường đi hát từ thời điểm 21h

Nguyễn Linh, chủ quán Avatar karaoke

Theo chị Linh nếu tiếp tục phải đóng cửa, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành dịch vụ này sẽ buộc phải đóng cửa, các chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng. "Việc karaoke hoạt động sẽ giúp các dịch vụ, chuỗi cung ứng liên quan khác phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho rất nhiều lao động có việc làm thu nhập", chị nhấn mạnh.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng về mặt chuyên môn, việc bán hàng sau 21h, phục vụ đồ uống có cồn không làm tăng khả năng lây nhiễm hay độc lực của virus.

“Sau 21h có thể là khoảng thời gian không có cơ quan quản lý, công an hay người giám sát. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần giao trách nhiệm cho chính chủ nhà hàng. Thậm chí các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường việc giám sát, quản lý. Phòng, chống dịch là công tác thường xuyên, cả ngày lẫn đêm thay vì chỉ trước 21h”, PGS Hùng nói.

Theo ông, 21h đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là quá sớm. Việc quy định như hiện này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân. Do đó, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng các địa phương nên cân nhắc các yếu tố để thay đổi những quy định này.

Bài liên quan

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm