Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhà hàng, quán ăn lao đao vì cơn bão giá xăng, gas

Giá xăng, gas, nguyên vật liệu tăng phi mã đang trở thành bài toán mới cho các ngành dịch vụ, thương mại. Điều này làm dấy lên lo ngại áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao.

con bao tang gia anh 1

Trước đây, 6 chi nhánh của nhà hàng Hàn Quốc Hanuri tại TP.HCM thường có chương trình khuyến mãi 10% cho khách hàng vào khung giờ trưa từ 11h đến 13h. Song, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp này buộc phải thông báo dừng khuyến mại.

"Thời gian tới, nếu giá tiếp tục tăng mạnh thêm, chúng tôi bắt buộc phải tăng giá bán vì không thể gồng được nữa", anh Mara - đại diện chuỗi nhà hàng này trăn trở.

Thời gian qua, thị trường xăng dầu, gas thế giới tăng sốc đã tác động trực tiếp tới giá bán lẻ trong nước. Điều đó kéo theo giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn... đã tăng 10-30% và dự báo tăng tiếp trước sức ép của nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển lên cao.

con bao tang gia anh 2

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đang đau đầu với bài toán giá nguyên vật liệu tăng "sốc". Ảnh: T.T.

Nhà hàng, quán ăn đuối sức

Theo đại diện Hanuri, sau khi mở cửa bán tại chỗ trở lại, khó khăn lớn nhất của đơn vị không phải là thiếu nhân viên, chi phí phòng, chống dịch mà là giá nguyên liệu tăng rất cao.

"Trong thời điểm dịch, giá rau củ, nguyên liệu chế biến đã tăng nhưng đến thời gian gần đây giá đã tăng mạnh hơn khiến nhà hàng gặp khó khăn", anh nói và cho biết các chi phí gas, vận chuyển, nguyên vật liệu như rau củ, thiết bị đều đồng loạt tăng ít nhất 10%.

Đại diện chuỗi nhà hàng này cho biết hiện tại đơn vị chưa thể tăng giá bán vì sau dịch, khách hàng cũng gặp khó khăn về chi tiêu sau thời gian dài giãn cách xã hội.

Tương tự, 8 cơ sở của hệ thống Bún Đậu Homemade tại TP.HCM vừa mở cửa đón khách tại chỗ cũng đang phải đối diện với khó khăn lớn là sự biến động về nguyên liệu.

"Sự biến động ở đây không chỉ là giá tăng chóng mặt mà còn là sự khan hiếm hoặc thiếu hụt nhiều mặt hàng. Nhiều nguyên vật liệu được chuyển từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc, rau thì một phần từ các nhà vườn đối tác, một phần từ trang trại riêng của công ty ở Lâm Đồng", đại diện chuỗi nhà hàng này nói

Hiện, tình hình dịch tại mỗi địa phương biến động từng ngày, tình hình sản xuất của các đối tác, vận chuyển liên tỉnh, chi phí xét nghiệm cũng tác động mạnh lên giá nguyên vật liệu.

Theo đại diện nhà hàng, các nguyên liệu tăng giá mạnh chủ yếu như đồ khô hoặc các loại rau gia vị đặc thù. "Nhà hàng không thay đổi giá bán và khẩu phần ăn của khách do sự biến động của giá cả nguyên vật liệu. Ngoài ra, chúng tôi còn ra mắt các món ăn, lựa chọn món mới phù hợp với nhu cầu thị trường sau dịch", đại diện này cho hay.

con bao tang gia anh 3

Nhà hàng, quán ăn đang đối mặt với tình cảnh lượng khách giảm mạnh nhưng giá nguyên liệu tăng cao. Ảnh: Chí Hùng.

Hiện, lượng khách của chuỗi này đang hồi phục dần 50-70% so với trước dịch, do giờ hoạt động và lượng khách còn hạn chế theo quy định và để đảm bảo giãn cách.

"Tất nhiên với rất nhiều khó khăn, biên lợi nhuận sẽ rất mỏng, thậm chí không có. Nhưng việc tiếp tục được phục vụ khách hàng, tái thiết và có cơ hội phát triển đã là một điều quý giá", đại diện Bún Đậu Homemade nhìn nhận.

Xăng tăng cao buộc doanh nghiệp phải tăng giá

Không chỉ khốn đốn vì dịch bệnh, doanh nghiệp vận tải, hành khách đang phải đối mặt với bài toán xăng tăng giá kỷ lục. Chia sẻ với Zing, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun - cho biết hiện số lượng xe được phép hoạt động trở lại chỉ khoảng 20%.

"Sau dịch, tâm lý các hãng vận tải đều muốn giữ giá cũ, thậm chí giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Nhưng xăng dầu tăng giá rất cao và liên tục không những không cho các doanh nghiệp cơ hội để giảm giá mà ngược lại buộc doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá cước", ông nói.

Theo ông Hỷ, sau thời gian dài nằm bãi, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để bảo trì máy móc, sơn sửa, kiểm định... nay lại thêm giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến doanh nghiệp không thể không tăng giá cước. "Khi vận tải tăng giá cước sẽ tác động vào giá thành sản xuất cũng như giá cả sản phẩm lưu thông trên thị trường, do đó đối tượng chịu thiệt nhất vẫn là người dân", ông nhìn nhận.

Khi vận tải tăng giá cước sẽ tác động vào giá thành sản xuất cũng như giá cả sản phẩm lưu thông trên thị trường, cuối cùng đối tượng chịu thiệt nhất vẫn là người dân.

Ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun.

Trước việc giá xăng tăng mức kỉ lục, các hãng taxi đều bắt buộc phải tăng giá để không phải bù lỗ. "Hiện tại Vinasun vẫn đang ở mức giá cước cũ nhưng doanh nghiệp đang tính toán cách nào để tiết giảm chi phí, thay đổi giá cước vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế", ông Hỷ nói và cho biết các doanh nghiệp vận tải ở miền Trung và miền Bắc đều đã tăng giá cước.

Dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam từ cuối tháng 6 đến nay vẫn khiến các hoạt động kinh doanh taxi tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận bị tạm ngưng. Đến nay, Vinasun cùng nhiều hãng taxi khác đã chịu ảnh hưởng trong gần 1/3 quý kinh doanh thứ 3 trong năm.

con bao tang gia anh 4

Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó chồng khó. Ảnh: Hải Nam.

Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - cho rằng trước mắt, doanh nghiệp vận tải cần cố gắng cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để tồn tại. Tiếp đến phải tính chuyện tăng giá cước, tuy nhiên, giá xăng thì tăng ngay, còn muốn tăng giá dịch vụ cần thương lượng, ký lại hợp đồng với đối tác.

Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam khẳng định thiệt hại đầu tiên thuộc về công ty vận tải. “Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch nên lượng hàng giảm, doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Giờ giá xăng tăng thêm một lần nữa gây sức ép lên doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Giá cả tăng mạnh, áp lực lạm phát là rất lớn

Về giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than, giá vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, đưa giá hàng tiêu dùng trong nước tăng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang các nước.

"Năm 2022 khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi thì áp lực lạm phát là rất lớn", ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cho hay việc tăng giá những mặt hàng đầu vào sẽ làm giá thành, chi phí sản xuất tăng cao lên, đưa giá hàng tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đời sống người dân cũng như năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, cần có sự tham khảo kịp thời, đưa ra chính sách đối ứng phù hợp với các mặt hàng có thể tăng giá trong dài hạn.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Do đó, từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với nhiều biện pháp nhằm giảm việc tăng giá thành. “Với Bộ Công Thương, chúng tôi phối hợp với Bộ Tái chính sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn để hạn chế mức tăng so với thế giới”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

Với mặt hàng điện, kể cả năm 2020 và 2021, Chính phủ đã có 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện với số tiền 16.650 tỷ đồng. “Khi yếu tố đầu vào tăng có thể làm tăng giá điện, nhưng chúng tôi đã báo cáo Chính phủ trong năm nay không tăng giá điện”, ông Hải nói.

Ông Hải cho rằng sắp tới, cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, cần có sự tham khảo kịp thời, đưa ra chính sách đối ứng phù hợp với các mặt hàng có thể tăng giá trong dài hạn.

Vì sao nhà hàng, quán ăn TP.HCM kinh doanh ảm đạm?

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, các hoạt động kinh doanh và dịch vụ ăn uống còn ảm đạm chủ yếu do nhu cầu, tâm lý khách hàng.

Bức tranh ảm đạm của hàng quán TP.HCM sau khi mở cửa

Trong khi các quán nhậu và quán ăn vỉa hè tại TP.HCM nhộn nhịp khách thì nhiều nhà hàng lại ế ẩm. Thậm chí, nhiều nơi chưa mở cửa hoặc thông báo sang nhượng cửa hàng.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm