Trước khi Ronaldo tới, Juventus vào chung kết Champions League 2 lần trong 5 năm, chưa từng bị loại khỏi đấu trường châu Âu trước vòng tứ kết và bởi những đội bóng không phải cựu vô địch.
Sau khi có CR7, Juventus không thể lết vào bán kết Champions League và vừa bị Lyon hất cẳng khỏi đấu trường danh giá nhất châu lục.
Nếu chỉ vin vào lý lẽ này, thật dễ để nhận định Ronaldo là nhân tố cản trở Juve tại đấu trường châu Âu. Thậm chí, có thể xem Ronaldo là nhân tố khiến Juve phá vỡ quy tắc của chính họ.
Song mọi chuyện không đơn giản như vẻ bề ngoài.
Có Ronaldo, Juve vẫn thất bại tại UEFA Champions League. Ảnh: Reuters. |
Ronaldo - kế hoạch thắng lớn của Juve
Giai đoạn 2011-2018 ghi nhận Juventus vươn mình từ đội bóng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Calciopoli tới vị thế ông lớn của bóng đá thế giới.
Bí quyết lớn trong thành công của Juve khi ấy là thống trị Serie A với điểm nhấn là sự xuất hiện của sân vân động riêng đầu tiên trên lãnh thổ Italy.
Tại Italy, tất cả sân vận động đều thuộc quyền sở hữu của thành phố. Những hoạt động bán vé, thương mại đều phải chia phần trăm với chính quyền. Các CLB không được quyền sở hữu toàn bộ lợi ích, cho dù đó là Inter hay AC Milan với San Siro, hay Roma và Lazio với Olimpico. Sân vận động riêng được khánh thành vào năm 2011 giúp Juve vượt xa phần còn lại ở khía cạnh kinh tế.
Chính sách chuyển nhượng khôn ngoan cũng đóng vai trò quan trọng khi Juve thường xuyên mua hàng miễn phí, giá rẻ và gặt hái thành công. Hợp đồng bẻ lệch trục quyền lực Serie A, Andrea Pirlo từ Milan, chính là tiêu biểu. Pirlo khi ấy 32 tuổi và rời Milan theo dạng chuyển nhượng tự do. Juve dang tay đón nhận, đặt Pirlo vào vị trí trung tâm trong chiến thuật của đội bóng, và Juve đè bẹp phần còn lại của Serie A, kể cả Milan.
Pirlo, Pogba và Tevez ngốn của Juve 10 triệu euro tiền chuyển nhượng và đều có thành công lớn. Ảnh: Getty. |
Andrea Barzagli, trung vệ trụ cột và được đánh giá cao nhất trong bộ 3 phòng ngự Bonucci - Chiellini - Barzagli của Juve, được mang về từ Wolfsburg với giá 500.000 euro. Paul Pogba được mua miễn phí. Ngay cả Arturo Vidal cũng chỉ ngốn của “Bà đầm già” 13 triệu euro.
Vấn đề nằm ở chính đây. Năm 2017, Juve vào chung kết Champions League đối đầu với Real Madrid. Trước đó vào đầu mùa giải, Juve phá kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử Serie A khi chi 90 triệu euro cho Gonzalo Higuain. Chân sút người Argentina mùa trước đó phá toàn bộ kỷ lục ghi bàn trong lịch sử giải đấu cao nhất Italy.
Song Juve thất bại. Thảm bại 1-4 trước Real của Ronaldo và thất bại 1-3 trước Barca của Messi trong trận chung kết năm 2015 đẩy Juve vào vấn đề: Làm cách nào để chinh phục châu Âu?
Con đường đi trong suốt những năm trước đó cho thấy sự ưu việt với đấu trường Serie A nhưng ở châu Âu, Juve vẫn còn kém xa Barca hay Real Madrid.
Juve bắt đầu thay đổi chiến lược. Tấm gương Inter Milan thống trị Serie A và lên ngôi tại châu Âu nhưng không chịu thay đổi và dần lụi tàn khiến gia tộc Agnelli cảnh giác. Cuối năm 2017, Juve thay đổi bộ nhận diện của đội bóng với logo mới, trực tiếp cụ thể hóa giấc mơ “nghĩ lớn” mà Chủ tịch Agnelli nói vào mỗi cuộc họp đầu mùa giải.
“Cho đến nay, không đội bóng nào ở châu Âu có thể vượt quá giới hạn thể thao thông thường và truyền đạt triết lý đằng sau điều đó”, ông Manfredi Ricca, giám đốc chiến lược cho chiến dịch thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của Juventus, giải thích. “Nếu câu lạc bộ nào đấy có thể đi bước này, đó là Juventus”.
Giá cổ phiếu của Juve tăng 4% sau khi logo mới được trình làng, trái ngược với cơn sốt chê bai trên toàn thế giới của CĐV. 8 tháng sau khi thay bộ nhận diện, Juve kích hoạt bom tấn Cristiano Ronaldo từ Real Madrid với giá 112 triệu euro. Juve sẽ mất 50 triệu euro/năm (trước thuế) chỉ để trả lương cho CR7, con số bằng quỹ lương của nhiều đội bóng tại Italy.
Quan chức của Juve hoàn toàn hiểu cơ cấu hoạt động của đội bóng sẽ chịu ảnh hưởng nặng vì sự xuất hiện CR7. Juve có thể lỗ trong 1-2 năm đầu, nhưng lợi ích Ronaldo mang lại quá lớn. Giá trị thương mại tăng vọt của Juve là minh chứng cho giá trị của CR7.
Về chuyên môn, Ronaldo là con át chủ bài của Juve trong kế hoạch chinh phục Champions League. Anh là chân sút vĩ đại nhất lịch sử giải đấu mà Juve đang thèm muốn. CR7 luôn đảm bảo số lượng bàn thắng trong 10 mùa gần nhất. Sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ của Ronaldo cũng phù hợp hoàn toàn với tinh thần trọng lao động của Juve.
Nếu đặt ngược câu hỏi, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. Juve cần mua ai khi ấy để hiện thực hóa giấc mơ vô địch Champions League nếu không phải Ronaldo? Bianconeri đã thua Barca và Real trong 2 lần vào chung kết Champions League. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Juve và Barca hay Real chính là nhân tố tự mình xoay chuyển cục diện của cả trận đấu.
Rõ ràng, Juve chẳng thể mua Messi. Bởi vậy khi cơ hội mua Ronaldo xuất hiện, Juve nhanh chóng chớp lấy. Giới mộ điệu có thể nói Juve liều lĩnh khi chấp nhận chi cả trăm triệu euro cho cầu thủ 33 tuổi. Theo quan điểm phát triển được định hình trong suốt nhiều năm, và mục tiêu chinh phục các danh hiệu, Ronaldo là nhân tố hoàn hảo hơn tất cả.
Thương vụ Ronaldo làm bật tham vọng chiến thắng của Juventus. Ảnh: Getty. |
Năm 2013, Chủ tịch Agnelli nói với đội ngũ của mình trong cuộc họp: “Nếu phát triển đúng hướng, 5 năm sau chúng ta có thể chiêu mộ siêu sao như Ronaldo”. Họ đúng đã làm được điều đó.
Nhiều quan điểm tin Juve tự lật đổ công thức thành công trong suốt những năm trước đó để đánh bạc với Ronaldo và giờ chuốc lấy quả đắng. Juve không thể đứng im với công thức và kỳ vọng họ sẽ cứ mãi thống trị. Juve chấp nhận đánh đổi để mơ vượt ngưỡng, và Ronaldo là người thích hợp nhất cho câu chuyện đó.
Việc bỏ đi quá khứ không phải hành động tự phản bội chính mình. Với Juve, đó chỉ là một phần trong quá trình vươn lên của “Bà đầm già”.
Sai lầm của Juve
Ronaldo ghi 65 bàn sau 89 trận cho Juve tính đến lúc này, xô đổ mọi kỷ lục từng tồn tại trong lịch sử đội bóng áo sọc trắng đen. Anh hoàn toàn đáng đồng tiền bát gạo. Trên khía cạnh thương mại, mọi chuyện có lẽ không cần nhắc thêm.
Tuy nhiên, ở Champions League, Juve cứ mãi đi tụt lùi. CR7 là người duy nhất ghi bàn cho Juve trong các trận knock-out ở 2 mùa gần nhất, minh chứng rõ ràng về sự phụ thuộc quá mức của Juve tới CR7.
Mệnh đề “Juve phản bội chính mình vì Ronaldo” đến từ đây. Trong suốt cả lịch sử, sức mạnh lớn nhất của “Bà đầm già” là tập thể. Họ vô địch cúp C1 châu Âu lần đầu tiên vào năm 1985 với ngôi sao Michel Platini. Tuy nhiên, bên cạnh Platini là hàng loạt cá nhân cự phách như Zbigniew Boniek, Paolo Rossi, Gaetano Scirea, Marco Tardelli, cùng sự đồng lòng dưới sự chỉ dẫn của HLV Giovanni Trappattoni.
Ronaldo là người duy nhất ghi bàn cho Juve tại vòng knock-out Champions League trong suốt 2 năm qua. Ảnh: Getty. |
Chức vô địch năm 1996 ghi nhận tập thể đặc biệt đồng đều dưới sự chỉ đạo của Marcello Lippi. Không ai nổi trội hẳn lên để phần còn lại phải cầu cứu. Tóm lại, Juve chưa từng phải phụ thuộc vào ngôi sao nào như cách họ đang phải lệ thuộc vào Ronaldo lúc này.
Sự xuất hiện của Ronaldo còn khiến Juve phản bội chính họ theo cách khác. Cùng với Messi, CR7 là biểu tượng của bóng đá tấn công trong hơn một thập niên qua. Juve khi có Ronaldo đã ôm mộng thay đổi toàn bộ lối chơi được định hình trong cả trăm năm sau khi thất bại dưới tay Allegri vào mùa trước.
Họ chọn Maurizio Sarri, HLV luôn tự hào bản thân chơi tấn công, và thực tế từng biến Napoli thành ốc đảo của bóng đá vũ bão tại Serie A cách đó vài mùa giải. Juve phản bội chính họ từ đây.
Mùa giải này, hình ảnh Juve sắt thép trong phòng ngự hoàn toàn biến mất. Họ để thủng lưới 43 bàn tại Serie A khi chấp nhận dâng cao đội hình tấn công và nhồi bóng cho Ronaldo bắn phá. Ngay cả ở khâu tấn công, điều kiện cốt lõi để Juve thuê Sarri, họ cũng thất bại.
Juve thua 0-1 trước Lyon trên đất Pháp ở trận lượt đi vòng 1/8 khi không sút được dù chỉ một lần về phía đối thủ. Bên cạnh việc phá kỷ lục ghi bàn trong lịch sử Juve, Ronaldo trở thành tiền đạo sút 10 vào 1 tại Serie A (nếu bỏ các pha làm bàn từ chấm 11 m) và trở thành chân sút có hiệu suất tệ thứ 2 tại châu Âu.
Sự xuất hiện của Ronaldo mang tới nhiều ảo giác cho Juve về việc họ sẽ trở thành Real hay Barca. Juve không nhận thức được rằng để có Ronaldo ghi trung bình 50 bàn/mùa trong suốt 9 năm, Real Madrid xây dựng nên hệ thống bơm bóng kỳ vĩ cho CR7.
Sarri chưa bao giờ là HLV thích hợp với Juventus. Ảnh: Getty. |
Những vệ tinh xung quanh Ronaldo không chỉ là ngôi sao, đó còn là những người hàng đầu thế giới ở vị trí của họ, chứ không phải những hợp đồng miễn phí kiểu như Rabiot, Ramsey hay tiền đạo bị đem cho mượn khắp nơi và ngày càng phát phì như Higuain.
Truyền thống Real Madrid cũng chưa bao giờ là phòng ngự hà khắc. Họ luôn tấn công hoa mỹ. Ronaldo sinh ra để bùng nổ ở môi trường như thế.
Juventus không phải là Real. Và khi “Bà đầm già” ôm giấc mơ tấn công với chỉ một người biết cách ghi bàn, thất bại là điều được nhìn thấy từ trước. Juventus tự phản bội chính mình vì Ronaldo theo cách đó.
CR7 xuất sắc, nhưng bóng đá luôn phải là trò chơi của 11 người, và truyền thống được xây dựng trong cả trăm năm không thể bị vứt bỏ chỉ bởi một ngôi sao.