Công ty sẽ ngừng bán dòng sản phẩm trắng da Clean & Clear, vốn được bán ở Ấn Độ, một người phát ngôn nói với Reuters. Đầu tháng này, tin tức cho hay hãng sẽ ngừng bán dòng sản phẩm Neutrogena Fine Fairness vốn phổ biển ở châu Á và Trung Đông.
Trước quyết định của Johnson & Johnson, người dùng mạng xã hội thể hiện phản ứng trái chiều.
"Thuần là phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính đối với phụ nữ châu Á. Quyền của chúng tôi, với tư cách nhóm người thiểu số, đang bị xâm phạm", một người tại Hong Kong bình luận.
Các loại sản phẩm làm trắng da được bán ở châu Á, châu Phi... bị chỉ trích vì phân biệt chủng tộc. Ảnh: Shutterstock. |
"Cơ thể là của cô ấy, lựa chọn là của cô ấy", một người viết trên Twitter, trong khi một người khác nói: "Một sự sỉ nhục. Nếu mọi người muốn mua chúng, họ có quyền làm điều đó", theo South China Morning Post.
Một người dùng Twitter khác bình luận: "Kinh doanh sản phẩm làm trắng da này là giả dối. Nó là bài tập trí não, khiến bạn tin rằng việc có một làn da trắng sẽ giúp nâng tầm hoặc khiến bạn thoát khỏi sự thật về bản thể của mình. Tôi hoan nghênh sự thay đổi này".
Trong thông báo của mình, Johnson & Johnson cho biết: "Các cuộc trao đổi trong vài tuần qua nhấn mạnh rằng tên một số sản phẩm hoặc tuyên bố trên các sản phẩm làm giảm vết thâm của chúng tôi cho rằng da trắng tốt hơn màu da độc nhất của bạn. Đây chưa bao giờ là ý định của chúng tôi - làn da khỏe là làn da đẹp".
Công ty chăm sóc sức khỏe cho biết họ sẽ không còn sản xuất hay phân phối sản phẩm nữa, nhưng chúng vẫn có thể xuất hiện trên các kệ hàng cho đến khi hết hàng.
Các loại kem với lời quảng cáo làm sáng hoặc trắng da được các công ty chăm sóc cá nhân lớn nhất thế giới, bao gồm Unilever, Procter & Gamble và L'Oreal, tiếp thị chủ yếu cho phụ nữ với các sản phẩm lần lượt là Fair & Lovely, Olay và Garnier.
Gần 6.300 tấn sản phẩm làm sáng da đã được bán trên toàn thế giới vào năm ngoái, theo Euromonitor International, bao gồm các sản phẩm được bán trên thị trường dưới dạng kem chống lão hóa nhắm vào các đốm đen hoặc tàn nhang.
Các thương hiệu làm đẹp phương Tây từ lâu đã nhắm vào mong muốn của người châu Á về việc có làn da trắng hơn và thường sử dụng các uyển ngữ như "làm sáng da" để tránh xuất việc bị cho là phân biệt chủng tộc.
Ở các nước phương Tây, các cuộc thảo luận về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử dựa trên màu da đã mở đường cho những cách tiếp cận toàn diện hơn về làm đẹp, nhưng ở châu Á, Trung Đông và châu Phi, nhiều phụ nữ và cả đàn ông coi làn da nhạt màu là thứ đáng khao khát và đáng theo đuổi.