Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, phát biểu trong buổi họp báo ngày 12/10. Ảnh: JICA. |
"Trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước đây", ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, nói trong buổi họp báo ngày 12/10.
Ông Shimizu cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
"Tốt nghiệp ODA"
Việc vốn ODA rót vào Việt Nam suy giảm đã là xu thế từ một vài năm trước, trong bối cảnh Việt Nam ngày một đi lên về kinh tế và đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người của Việt Nam tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD.
Kể từ tháng 7/2017, Việt Nam không còn tiếp tục nhận tín dụng bao cấp qua chương trình IDA của World Bank vì thu nhập bình quân đầu người vượt quá mức đủ điều kiện.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Tạp chí Công thương về ODA từ Nhật Bản, vốn ODA mà Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam cũng có chiều hướng giảm trong một vài năm gần đây.
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 12/10. Ảnh: JICA. |
"Do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình nên nguồn vốn hỗ trợ phát triển hiện đã dần dần giảm xuống, điều kiện vay ưu đãi ngày càng trở nên khắt khe hơn", nghiên cứu nêu. "Cụ thể, từ sau năm 2013, nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đã giảm mạnh từ 6,8 tỷ USD xuống còn 3,9 tỷ USD năm 2015 và xuống mức 2 tỷ USD năm 2018".
Như vậy, việc "tốt nghiệp ODA" sẽ là một thách thức đối với các nhà quản trị Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam sẽ mất dần lợi thế về nhân lực
Ông Shimizu cũng chỉ ra hai vấn đề Việt Nam phải đối mặt: Nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng - những yếu tố được vị trưởng đại diện JICA cho là "không thể thiếu" để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
"Để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", ông Shimizu nói.
"Trong thời gian tới, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng - động lực tăng trưởng của Việt Nam", ông nói. "Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay ODA cho phép hoàn trả trong dài hạn, 30 đến 40 năm, với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng".
Việt Nam cũng sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do tình hình già hóa dân số trong 30 năm tới, và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại sẽ gặp nhiều hạn chế, ông Shimizu nhận định.
Việt Nam sẽ mất dần lợi thế về nguồn nhân lực. Ảnh: Chí Hùng. |
"Năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác (chỉ bằng 10% năng suất của Singapore, 40% năng suất của Thái Lan, 60% năng suất của Philippines), nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề còn hạn chế để đáp ứng với cơ hội việc làm tăng cao", ông Shimizu chỉ ra.
Trên phương diện này, vị trưởng đại diện JICA nói sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật và vốn vay, nhằm hỗ trợ Đại học Việt Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sĩ, thiết lập cơ sở mới tại Hòa Lạc từ năm 2023 với mục tiêu đưa Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.
Ông Shimizu cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có quyết sách mới để khắc phục tình trạng thủ tục phức tạp và chồng chéo trong triển khai các dự án.
Về tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP.HCM đang bị chậm tiến độ, vị trưởng đại diện JICA nói tiến độ hoàn thành của công trình đã đạt khoảng 90%, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam.
Ông Shimizu khẳng định JICA đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM và các cơ quan hữu quan với mong muốn giải quyết từng vấn đề một nhằm đưa tàu vào vận hành trong thời gian sớm nhất.