Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Jeju Air kinh doanh ra sao trước tai nạn khiến 179 người chết?

Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ được yêu mến và lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, chỉ sau Korean Air.

Tai nạn thảm khốc của Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Sáng 29/12, chuyến bay 7C 2216 của Jeju Air đã phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Muan ở tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc) trong tình trạng không bung bánh đáp. Sự cố khiến 179 trong số 181 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Trước khi tai nạn xảy ra, Jeju Air là hãng bay "được lòng" hành khách và đã duy trì hồ sơ an toàn trong nhiều năm.

Hãng giá rẻ, đội bay toàn Boeing

Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc được thành lập vào năm 2025. Hãng thuộc sở hữu của Tập đoàn Aekyung (81,7%) và chính quyền tỉnh Jeju (4,54%).

Chuyến bay đầu tiên của Jeju Air được khai thác vào năm 2006, nối liền Seoul (Gimpo) với Jeju. Đây là một tuyến bay mang tính biểu tượng vì Jeju là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Hàn Quốc.

Sau thành công trong giai đoạn đầu, Jeju Air nhanh chóng mở rộng mạng lưới bay ra toàn quốc và sau đó vươn ra quốc tế. Năm 2008, hãng bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế đầu tiên, bao gồm các điểm đến như Osaka (Nhật Bản) và Hong Kong (Trung Quốc).

Chiến lược của Jeju Air là tập trung vào các chuyến bay ngắn trong khu vực Đông Bắc Á, nơi nhu cầu di chuyển giữa các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á rất lớn.

Trong thập kỷ tiếp theo, Jeju Air không ngừng mở rộng đội bay và mạng lưới. Hãng đã tăng cường thêm nhiều tuyến bay tới các thành phố lớn như Tokyo, Bangkok, Manila và các điểm đến mới tại Đông Nam Á.

Dù là hãng hàng không giá rẻ, Jeju Air rất "được lòng" khách hàng. Hãng đã có 5 năm liền đứng vị trí thứ nhất về chỉ số hài lòng của khách hàng quốc gia (NCSI) theo thống kê của Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, kể từ năm 2018.

Jeju Air hiện sở hữu đội bay 42 chiếc, chủ yếu là tàu bay thân hẹp của Boeing. Độ tuổi trung bình đội bay tính đến tháng 12 là 14,9 năm.

Theo thống kê, bình quân mỗi tàu bay của Jeju Air hoạt động 13 giờ một ngày. Mỗi ngày, hãng có khoảng 217 chuyến bay.

Cả năm ngoái, Jeju Air đã vận chuyển 12,3 triệu lượt hành khách và ghi nhận doanh thu khoảng 1,31 tỷ USD. Doanh thu cả năm nay ước gần 1,5 tỷ USD.

Thiệt hại nặng nề

Sau sự cố thảm khốc ngày 29/12, có khoảng 68.000 lượt đặt chỗ trên các chuyến bay của Jeju Air đã bị hủy, gồm 33.000 chỗ trên chuyến bay nội địa và 34.000 chỗ trên chuyến quốc tế. Con số này tương đương lượng khách trên hơn 300 chuyến bay của hãng này.

Cổ phiếu Jeju Air đã giảm ròng 8,4% trong phiên giao dịch ngày 30/12, sau khi giảm tới 15,7% vào đầu phiên xuống mức 6.920 won (4,71 USD). Đây là mức giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu của hãng được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2015.

Cổ phiếu của AK Holdings - công ty mẹ của Jeju Air - cũng đã giảm tới 12% và chạm mức thấp nhất trong 16 năm.

Sau vụ tai nạn, giới chức Hàn Quốc cho biết tổng mức bồi thường bảo hiểm cho các bên liên quan là khoảng 1 tỷ USD.

Trong cuộc họp báo ngày 29/12, ông Song Kyung-hoon, Giám đốc bộ phận hỗ trợ quản lý của Jeju Air cam kết hãng sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho các nạn nhân và gia đình nhờ khoản bảo hiểm lên đến hàng tỷ USD.

CEO Kim Yi Bae trong họp báo mới nhất chiều 31/12 cũng nói thêm rằng Jeju Air sẽ tập trung vào thảm kịch và hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng. Ông khẳng định hãng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm để giải quyết tình hình.

chet nguoi,  hang khong,  tham hoa anh 1

Jeju gặp thiệt hại nặng nề về cả danh tiếng lẫn tài chính sau vụ tai nạn. Ảnh: Shutter Stock.

Ngoài khủng hoảng hủy vé, cổ phiếu và tài chính, Jeju Air còn đang đối diện với làn sóng chỉ trích dữ dội trên các nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê, tính đến đầu ngày 31/12, có hơn 1 triệu bài viết về vụ tai nạn máy bay, trong đó 530.000 bài đăng liên quan chỉ trích hãng.

Một bài viết được đăng tải hồi tháng 2 năm nay từ người tự xưng là nhân viên giấu tên của Jeju Air bỗng dưng được tìm kiếm trở lại: "Đừng đi Jeju Air. Hiện tại, động cơ liên tục gặp trục trặc. Không biết máy bay sẽ rơi lúc nào. Cả bảo trì, vận hành lẫn tài chính đều đang hỗn loạn". Điều này khiến làn sóng phẫn nộ đối với Jeju Air ngày càng lớn hơn.

Trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện tin đồn Jeju Air tiết kiệm chi phí bảo trì nên động cơ đã ngừng hoạt động 4 lần ở trên không chỉ trong 1 năm.

Tuy nhiên, trong họp báo chiều 31/12, CEO Kim Yi Bae khẳng định hãng này đã theo dõi thời tiết trước và sau chuyến bay, các phi công được đào tạo theo tiêu chuẩn quy định và số nhân viên bảo dưỡng trên mỗi máy bay đã tăng từ 12 lên 12,9 trong khoảng thời gian từ 2019 đến nay.

Ông cũng nói rằng đội ngũ kiểm tra không phát hiện dấu hiệu bất thường nào vào ngày xảy ra sự cố với chuyến bay 7C2216 của Jeju Air. Còn câu hỏi về việc bánh đáp có hoạt động bình thường hay không sẽ được giải đáp trong kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Thời gian tới, hãng sẽ giảm lưu lượng chuyến bay mùa đông từ 10 đến 15%. Tuy nhiên, vị CEO nhấn mạnh việc cắt giảm không đồng nghĩa rằng Jeju Air thừa nhận hãng này đã khai thác quá nhiều chuyến bay trước đó.

Theo các chuyên gia, thảm kịch vừa qua sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và nhà đầu tư đối với ngành hàng không và du lịch, nhất là trong bối cảnh cả hai ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cổ phiếu Jeju Air chạm đáy lịch sử sau vụ tai nạn

Cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc Jeju Air đã chạm mức thấp nhất trong lịch sử sau vụ tai nạn hàng không khiến 179 người thiệt mạng.

Tổng bồi thường vụ tai nạn Jeju Air lên đến hơn 1 tỷ USD

5 doanh nghiệp Hàn Quốc cùng nhiều công ty nước ngoài có thể phải đền bù 1,03 tỷ USD trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Jeju Air vào sáng 29/12.

Khoản bồi thường 'khổng lồ' sau những vụ tai nạn máy bay

Ngoài chi phí "khổng lồ" để sửa chữa hoặc thay thế máy bay hư hại, các công ty bảo hiểm còn phải trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD bồi thường sau các vụ tai nạn hàng không.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Diệu Thanh

Theo: AP, Reuters, Busan, Yonhap, Maeil Business Korea News

Bạn có thể quan tâm