Bức ảnh gây tranh cãi khi Jeff Bezos mua đến 2 du thuyền chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bạn gái. Ảnh: New York Post. |
Hành động này đã gây bão trên các mạng xã hội. Có tên là Abeona, đây là tàu hỗ trợ dân dụng lớn nhất từ trước đến nay.
Với không gian đủ chỗ cho 45 người, bao gồm thủy thủ đoàn, khách và các chuyên gia, con tàu có bãi đáp trực thăng, những món đồ sang trọng như ôtô, ván trượt phản lực, tàu ngầm, ca nô tốc độ cao. Con tàu này sẽ hỗ trợ để Koru có thể ra khơi thuận lợi và sân đỗ trực thăng để chứa trực thăng cá nhân của vị hôn thê Lauren Sanchez.
Nhưng chính sự xa hoa này đã gây tranh cãi. Gần đây, một người dùng Reddit đã đăng một bức ảnh về chiếc du thuyền mới của Jeff Bezos. Trong bức ảnh, tàu hỗ trợ Abeona dài 75 m đang bám đuôi chiếc du thuyền Koru. Nó là du thuyền buồm lớn nhất và cao nhất trên thế giới với chiều cao 70 m, chiều dài 127 m và ba cột buồm cao tới 70 m.
Hoàn thiện vào cuối năm 2022, du thuyền trị giá 500 triệu USD gia nhập đội siêu du thuyền, máy bay trực thăng và chuyên cơ đắt giá thuộc sở hữu của tỷ phú Amazon. Koru có 3 cột buồm, 3 tầng sàn, lớn tương đương với đại kim tự tháp Giza của Ai Cập và dài hơn một sân bóng.
“Ông vua tiêu xài vô độ đã mua chiếc du thuyền thứ 2 trị giá gần 100 triệu USD, chỉ để theo sau chiếc siêu du thuyền trị giá nửa tỷ. Anh ta làm đến như vậy để bạn gái có một sân bay trực thăng ngay trên mặt nước”, người dùng Reddit chia sẻ tấm ảnh kèm lời bình.
Siêu du thuyền của Jeff Bezos Koru mất 5 năm để chế tạo, dài gần gấp đôi một chiếc Airbus A380. Ảnh: SplashNews. |
Tuy nhiên, một người dùng khác đã chỉ ra mục đích của chiếc tàu hỗ trợ này. “Nó chứa tất cả đồ dùng cho du thuyền mẹ. Nó không chỉ đơn giản là phung phí chi thêm tiền. Du thuyền mẹ và tàu hỗ trợ thường đi kèm với nhau ngay cả trên các tuyến đường biển", người này giải thích.
Song, một số người dùng cho rằng nhà sáng lập Amazon đang vung tiền quá trớn. Đặc biệt là khi xem xét hậu quả to lớn của những con tàu cỡ khổng lồ này đến môi trường.
New York Post cho biết mỗi năm Koru tạo ra ít nhất 7.154 tấn khí nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu. Con số này cao gấp 447 lần lượng mà hầu hết người Mỹ thải ra hàng năm, theo phân tích của các nhà nghiên cứu tại Đại học Indiana.
Đáng chú ý là kết luận này không bao gồm lượng khí thải của tàu hỗ trợ Abeona chạy bằng động cơ diesel tạo ra.
TS. Beatriz Barros - nhà nghiên cứu phân tích lượng khí thải của con tàu Koru - cho biết các tỷ phú như Bezos đã đầu tư vào những vấn đề như biến đổi khí hậu và khí thải carbon và công khai về điều đó.
Cô nói: “Nhưng vì họ quá giàu và quá quyền lực nên họ cảm thấy mình có quyền đi du lịch trên những chiếc siêu du thuyền sản xuất siêu nhiều carbon, trong khi người bình thường phải lái xe ít hơn, ăn ít thịt hơn để bảo vệ môi trường”.
Mặc dù chủ yếu được đẩy bằng gió, siêu du thuyền Koru vẫn tạo ra lượng ô nhiễm khổng lồ từ nguồn năng lượng dùng cho sưởi ấm, làm mát con tàu và cung cấp cho các tiện nghi khác như phòng tắm hơi, hồ bơi, nhà hát. “Tôi không hiểu nó thân thiện với môi trường ở điểm nào”, TS. Barros nói.
Elon Musk, Jeff Bezos và công cuộc chinh phục vũ trụ
Elon Musk và Jeff Bezos là hai tỷ phú với hai phong cách khác biệt. Họ chính là những người đi đầu trong việc làm sống lại chương trình không gian Mỹ.