Theo Inside The Games, Ban điều hành IOC sẽ áp đặt một loạt các biện pháp lên Ủy ban Olympic Italy (CONI) sau cuộc họp diễn vào tuần này. Chủ tịch CONI Giovanni Malago xác nhận nước này có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của IOC khi phát biểu trước Thượng viện Italy hôm 25/1 và yêu cầu "Chính phủ cần có sự can thiệp để ngăn chặn bất kỳ quyết định nào của IOC".
Ông Malago đề xuất Thủ tướng Italy Guiseppe Conte ban hành một sắc lệnh khẩn cấp để ngăn CONI bị trừng phạt. Lệnh cấm đối với quốc kỳ và quốc ca của Italy tại Olympic Tokyo, đưa quốc gia này vào tình cảnh giống đoàn thể thao Nga, là một trong những hình phạt mà IOC có thể áp dụng đối với CONI.
Các vận động viên Italy đối mặt với việc thi đấu theo tư cách trung lập. Ảnh: Getty Images. |
Chính phủ Italy can thiệp vào thể thao
Tranh chấp giữa CONI và IOC xảy ra sau khi Quốc hội Italy thông qua dự luật thể thao, thành lập một tổ chức do chính phủ kiểm soát để phân phối ngân quỹ cho các cơ quan quản lý quốc gia. Vai trò này trước đây do một ban của CONI nắm giữ.
IOC đã nhiều lần nêu quan ngại về việc Chính phủ Italy thành lập cơ quan có tên Thể thao và Sức khỏe vào đầu năm 2019, vì thể hiện sự can thiệp vào một thành viên của IOC. Đây là việc làm bị nghiêm cấm theo điều lệ Olympic.
Tháng 9/2020, Chủ tịch IOC Thomas Bach cảnh báo tổ chức này "rất quan tâm đến tình hình và hoạt động của CONI". Ông Bach cũng cho rằng sự can thiệp này có thể dẫn đến việc Italy bị tước quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2026.
Theo Inside The Games, thông thường IOC đưa ra những cảnh báo như vậy để gây áp lực buộc chính phủ phải lùi bước. IOC và các quan chức Chính phủ Italy thường xuyên trao đổi trong những tháng gần đây.
Bộ trưởng Thể thao Italy Vincenzo Spadafora đã viết thư cho IOC vào tháng 11/2020, nhấn mạnh CONI vẫn có "quyền tự quyết" nếu sắc lệnh được thông qua.
Người phát ngôn của IOC cho biết: "Lập trường của IOC về tình hình hiện tại của CONI đã được bày tỏ rõ ràng với Chính phủ Italy. Hiện tại, giải pháp đã được CONI đệ trình vài tháng trước cho các cơ quan của chính phủ xem xét và được thực hiện mà không có bất kỳ sự chậm trễ nào để giải quyết dứt điểm các vấn đề hiện tại, đồng thời cho phép CONI thực hiện đầy đủ vai trò và hoạt động như một thành viên Olympic, phù hợp với Hiến chương Olympic".
"Các cơ quan chức năng của chính phủ đã được kêu gọi hành động ngay lập tức vì lợi ích của CONI và các vận động viên. Tình trạng này đã diễn ra trong gần 2 năm và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chuẩn bị của các đội tuyển Italy cho Olympic, Paralympic tại Tokyo và Bắc Kinh".
Một phát ngôn viên của IOC cho biết vấn đề sẽ được giải quyết khi Ban điều hành tổ chức phiên họp ngày 27/1.
Chủ tịch Malago nỗ lực làm việc với chính phủ để giải quyết vấn đề. Ảnh: Getty Images. |
Viễn cảnh Italy gộp chung đoàn với Nga tại Olympic
Theo Euro News, nếu CONI và chính phủ Italy không giải quyết được vấn đề, IOC có thể trừng phạt đoàn thể thao của quốc gia này bằng cách không được phép mặc đồng phục và hát quốc ca Italy. Viễn cảnh các vận động viên của Italy và Nga chung đoàn hoàn toàn có thể xảy ra.
Giữa tháng 12/2020, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) đưa ra án cấm 2 năm đối với đoàn thể thao Nga, vì liên quan đến bê bối doping. Hôm 25/1, Cơ quan Chống doping Nga (RUSADA) quyết định không kháng cáo lên Tòa án Tối cao Thụy Sĩ.
RUSADA không kháng cáo, đồng nghĩa với việc đoàn thể thao của Nga không thể tranh tài tại các giải vô địch thế giới, Olympic, Paralympic Tokyo và Bắc Kinh. Chỉ các vận động viên Nga đáp ứng được những tiêu chí nhất định mới được phép thi đấu với tư cách vận động viên trung lập tại Olympic và Paralympic.
"Trong hai ngày qua, rất nhiều vận động viên đã gọi điện hỏi tôi phải làm gì. Họ đã chuẩn bị đến Rome để biểu tình trước văn phòng thủ tướng. Tôi đã rất lo lắng. Tôi choáng váng khi mọi người không nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của tình hình", ông Malago cho biết.
Tại Olympic Rio 2016, các vận động viên Kuwait đã tranh tài với tư cách "Vận động viên Olympic trung lập" dưới lá cờ và quốc ca Olympic, sau khi chính phủ can thiệp vào các vấn đề thể thao.
Tên đội tuyển "Đoàn vận động viên Olympic đến từ Nga" đã được sử dụng tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 vì vụ bê bối doping. Nếu CONI nhận các biện pháp trừng phạt, Thế vận hội Tokyo sẽ có "Đoàn vận động viên Olympic đến từ Nga và Italy".
Olympic Tokyo sẽ là lần thứ 28 đoàn thể thao Italy tham dự Thế vận hội mùa hè, kể từ lần đầu tại Athens 1896, ngoại trừ St Louis 1904. Đoàn thể thao Italy đã giành được 8 HCV, 12 HCB và 8 HCĐ tại Olympic Rio 2016 và xếp thứ 9 chung cuộc trên bảng tổng sắp.