Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7. Nhưng phần lớn đất nước Nhật Bản đang trong tình trạng khẩn cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các nhà tổ chức chịu áp lực lớn khi vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng từ công chúng.
Số phận Olympic Tokyo vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: Inquirer. |
Canh bạc lớn
"Chúng ta có cần mạo hiểm như vậy không? Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn so với năm ngoái. Vậy tại sao phải tổ chức Thế vận hội?", Kentaro Iwata, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Kobe, không ủng hộ việc tổ chức Olympic Tokyo.
Nếu hủy bỏ Thế vận hội, Nhật Bản sẽ thiệt hại tài chính lớn khi quốc gia này đã tiêu tốn 15,4 tỷ USD để đầu tư. Chuyên gia Iwata không nghĩ rằng tổ chức Thế vận hội là giải pháp. "Các nỗ lực tổ chức Olympic giống như thái độ của một con bạc thua tiền và cần đổ thêm tiền vào để lấy lại".
Koji Wada, giáo sư tại Đại học Y tế Quốc tế Tokyo, cho rằng với tình hình tiêm chủng Covid-19 hiện nay, cơ hội để Thế vận hội có thể tổ chức "phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại các quốc gia khác".
Ngay cả khi Thế vận hội diễn ra, các môn thể thao tiếp xúc hoàn toàn như judo, đấu vật sẽ yêu cầu các vận động viên xét nghiệm triệt để và chú ý vệ sinh hơn.
Theo Kyodo News, bất chấp Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Chính phủ Nhật Bản quyết tâm tổ chức Thế vận hội trong năm nay, tình hình tại đất nước mặt trời mọc ngày càng trở nên bất ổn với sự bùng phát trở lại của virus corona.
Chính quyền trung ương đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 7/1 tại Tokyo và mở rộng sang một số thành phố lớn. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh không có nhiều cải thiện.
Một cuộc thăm dò của Kyodo News hồi đầu tháng cho thấy khoảng 80% số người Nhật Bản được hỏi tin rằng Thế vận hội Tokyo nên được hoãn hoặc hủy bỏ.
Tranh cãi xung quanh việc tổ chức Olympic Tokyo là vấn đề được Nhật Bản quan tâm. Ảnh: Kyodo News. |
Olympic Tokyo vẫn diễn ra?
Ngày 22/1, sau khi Times dẫn lời một thành viên cấp cao của Chính phủ Nhật Bản nói rằng Olympic Tokyo 2020 sẽ bị hủy, Phó Chánh văn phòng Nội các Manabu Sakai đã phủ nhận điều này.
"Chúng tôi muốn phủ nhận việc hủy Olympic Tokyo. Tất nhiên, chúng tôi phải xem xét tình hình ở các quốc gia khác và sẽ quyết định xem có tổ chức hay không. Từ giờ đến lúc đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ làm những gì cần làm", ông Sakai tuyên bố.
Thủ tướng Yoshihide Suga nhiều lần khẳng định việc tổ chức Olympic Tokyo sẽ là "bằng chứng cho thấy nhân loại đã đánh bại virus corona". Chính phủ Nhật Bản đang xem xét các biện pháp chống virus cụ thể để Thế vận hội diễn ra an toàn.
Hôm 21/1, Trưởng ban Olympic Quốc tế Thomas Bach nói với Kyodo News rằng "không có kế hoạch B" ngay cả khi những nghi ngờ về việc tổ chức Thế vận hội ngày càng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Tokyo và các thành phố lớn của Nhật Bản.
"Trước hết, tôi xin nói rõ rằng chúng ta không thể so sánh tháng 3/2021 với tháng 3/2020 vì đã có những tiến bộ vượt bậc trong khoa học, y học, tiêm chủng và xét nghiệm virus. Tất cả những điều này không có vào tháng 3 năm ngoái khi chưa ai biết thực sự phải làm như thế nào để đối phó với đại dịch. Giờ, chúng ta biết nhiều hơn thế", ông Bach chia sẻ.
"Với những thông tin chúng tôi nắm được lúc này, chẳng có lý do gì để không tin Olympic Tokyo sẽ khai mạc vào ngày 23/7. Đây là lý do không có kế hoạch B. Chúng tôi hoàn toàn cam kết tổ chức giải đấu một cách an toàn và thành công".
Truyền thông Nhật Bản đưa tin IOC đang xem xét giảm một nửa số vận động viên tham gia lễ khai mạc, còn khoảng 6.000 người, như một biện pháp để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Họ cũng đang tính tới khả năng không cho phép khán giả vào sân theo dõi các môn thi đấu.