Số ca nhiễm virus corona tại Italy tăng thêm 3.233 ca lên 27.980 trường hợp, tính tới ngày 16/3. Số ca tử vong tăng thêm 349 lên 2.158, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy.
Tuy nhiên, theo Reuters, cơ quan này cho biết vẫn đang đợi thêm dữ liệu từ vùng Puglia phía nam và vùng Trento phía bắc. Số ca tiếp tục tăng nhanh tại tâm dịch nóng nhất ở châu Âu lúc này.
Dịch lan ra 162 quốc gia và vùng lãnh thổ
Toàn thế giới có hơn 182.000 ca nhiễm và 7.164 ca tử vong tính đến sáng 17/3, theo trang web Worldometer chuyên tổng hợp các thống kê về dịch Covid-19.
Đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ có ca nhiễm, giữa lúc thế giới đang dần “đóng băng” với nhiều lệnh phong tỏa, còn các quốc gia vào ngày 16/3 tiếp tục hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới trong nỗ lực chống chọi với kẻ thù vô hình vốn đã lọt vào trong biên giới của họ.
Paris ngày 16/3. Pháp vừa ra lệnh giới hạn đi lại nghiêm ngặt toàn quốc vào cùng ngày. Ảnh: New York Times. |
Số ca nhiễm mới ở châu Âu vẫn tăng ngày càng nhanh. Ngày 12/3 có 6.000 ca, ngày 13/3 có 7.000, ngày 14/3 có 8.000, ngày 15/3 có 9.000 còn ngày 16/3 có 10.000, theo New York Times.
Pháp, ổ dịch lớn thứ 3 châu Âu, vừa ra lệnh giới hạn đi lại nghiêm ngặt toàn quốc ngày 16/3 sau khi đóng cửa hàng quán không đủ để kiềm chế số ca nhiễm, nay đã lên tới 6.600. Tây Ban Nha với 10.000 ca nhiễm trước đó cũng đã lệnh cho người dân ở nhà, trừ khi bắt buộc ra ngoài hoặc đi làm
Ireland đưa ra dự báo đáng lo ngại khi nói số ca nhiễm có thể tăng từ 169 ca hiện tại lên mức kinh hoàng khoảng 15.000 vào cuối tháng, tức gấp 2,5 lần số ca ở Pháp hiện giờ, Thủ tướng nước này Leo Varadkar cho biết.
Cộng hòa Séc phong tỏa một số thị trấn và cấm người dân đi lại, trừ khi đi làm. Georgia cấm mọi công dân nước ngoài nhập cảnh. Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất đóng cửa đối với công dân ngoài khối.
Tại Mỹ, đã có 4.312 ca nhiễm và 84 ca tử vong, cuộc sống tiếp tục đảo lộn khi ít nhất 10 tiểu bang và Puerto Rico đã lệnh cho hàng quán đóng cửa, (tính đến tối 16/3). 7 triệu người ở khu vực Bay Area xung quanh San Francisco ngày 16/3 vừa được lệnh ở nhà. Nước láng giềng phía bắc là Canada thông báo đóng cửa biên giới với tất cả công dân nước ngoài, trừ Mỹ.
Thị trường tài chính tiếp tục diễn biến xấu
Tại Đông Nam Á, Malaysia tuyên bố phong tỏa toàn quốc, cấm người dân xuất cảnh trong hai tuần trước nguy cơ trở thành tâm dịch mới của khu vực.
Philippines, trước đó đã phong tỏa vùng Metro Manila, ngày 16/3 mở rộng phong tỏa ra toàn đảo chính Luzon, bao gồm giới hạn đi lại, dừng giao thông công cộng, đóng mọi cửa tiệm không thiết yếu. Thái Lan lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ trường học, rạp phim, quán bar.
Theo Reuters, thị trường tài chính có ngày tồi tệ nhất trong 30 năm, bất chấp những nỗ lực khẩn cấp từ các ngân hàng trung ương. Thị trường Mỹ giảm 12-13%, hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa “bay hơi”. Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay vì dịch Covid-19, Ủy viên thị trường nội khối của EU Thierry Breton cho biết ngày 16/3.
Trong các diễn biến tích cực, Hàn Quốc ghi nhận 74 ca nhiễm mới ngày 16/3, theo Reuters, giảm đáng kể so với những ngày lây lan chóng mặt các tuần trước. Trung Quốc đại lục tiếp tục có số ca nhiễm giảm, với tỉnh Hồ Bắc chỉ báo cáo một ca mới vào ngày 16/3, theo AFP. Nhưng một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải vẫn đang đối phó với ca nhiễm “nhập khẩu” từ nước ngoài.
Cuộc sống tại Nam Mỹ đang bắt đầu đảo lộn dù Covid-19 lan tới đây muộn hơn so với châu Âu và Bắc Mỹ. Ecuador và Peru, mỗi nước có hơn 50 ca, đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc ngày 15/3. Colombia, với hơn 50 ca nhiễm, đóng cửa biên giới đối với công dân nước ngoài. Costa Rica tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cũng bao gồm đóng cửa với người nước ngoài.
Vẫn có những nỗ lực cố gắng kiên cường giữa lúc thế giới chao đảo. Ngọn đuốc Thế vận hội Tokyo 2020 vẫn sẽ được chuyền tay tại Athens tuần sau, nhưng tại một sân vận động không khán giả.
Trong khi đó, Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức kỳ họp quốc hội vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, theo Reuters.