Giới chức tình báo Mỹ lo ngại có ít nhất 4 nước đã âm thầm bàn thảo kế hoạch để "khống chế" Jared Kushner, con rể và là cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, bằng việc lợi dụng việc làm ăn đầy phức tạp, các khó khăn tài chính và sự thiếu kinh nghiệm của Kushner.
Các quốc gia được cho đang toan tính việc lợi dụng con rể tổng thống Mỹ bao gồm: Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Trung Quốc, Israel và Mexico.
Hiện chưa rõ các nước trên đã có động thái gì để hiện thực hóa ý định đó không, dù vậy mối liên hệ giữa Kushner với một vài quan chức chính phủ nước ngoài đã làm dấy lên quan ngại bên trong Nhà Trắng và khiến ông mất quyền tiếp cận thông tin mật. Kể từ nay, Kushner chỉ còn được tiếp cận các tài liệu mật thay vì tối mật.
"Ngây thơ và đang bị lừa phỉnh"
Kushner đã liên tục chỉnh sửa mẫu kê khai các mối liên hệ với người nước ngoài của ông. Các chuyên gia cho rằng việc kê khai đầy đủ các liên hệ nước ngoài từ đầu có thể dẫn đến việc bị từ chối quyền tiếp cận tin mật.
Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster phát hiện rằng Kushner có những mối liên hệ với quan chức nước ngoài mà không điều phối qua Hội đồng An ninh Quốc gia hay báo cáo chính thức.
Chính phủ ít nhất 4 nước được cho là đã âm thầm tìm cách "khống chế" Jared Kushner, con rể và là cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Các quan chức Mỹ, cả tại nhiệm lẫn đã rời nhiệm sở, đều nói báo cáo tình báo hàng ngày của McMaster đều nêu việc quan chức nước ngoài nói về các cuộc gặp với Kushner cũng như những điểm yếu họ phát hiện ra.
Các quan chức giấu tên này cũng thừa nhận rằng ngay từ những ngày đầu của Kushner ở Nhà Trắng, sự thiếu kinh nghiệm chính trị lẫn những món nợ trong kinh doanh của ông đã bị xem là điểm yếu tiềm tàng mà các chính phủ có thể lợi dụng.
Những mối quan hệ này cũng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý. Công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller, người đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, đã thẩm vấn một vài người về các quy chuẩn ngoại giao mà Kushner sử dụng khi liên hệ với các lãnh đạo nước ngoài.
Bên trong Nhà Trắng, có một quan ngại rằng Kushner "ngây thơ và đang bị lừa phỉnh" trong các cuộc gặp đó. Một số quan chức nước ngoài thậm chí nói rằng họ chỉ muốn giải quyết công việc với Kushner mà không phải những người có kinh nghiệm hơn.
Các chuyên gia cũng từng nhận xét công việc làm ăn và mối liên quan của Kushner với nước ngoài quá phức tạp cho một người đảm nhiệm công việc cố vấn tại Nhà Trắng. Dù vậy, chính những động thái của ông trong lúc đảm nhận công việc này mới gây nghi ngại và khiến ông không thể tiếp tục giữ quyền tiếp cận thông tin tối mật. Trong khi, đây chính là những tài liệu cần cho nhiệm vụ mà Kushner được Tổng thống Trump giao phó, từ việc thương thảo các hợp đồng thương mại đến tiến trình hòa bình Trung Đông.
Luật sư của Kushner bác bỏ các thông tin trên của Washington Post.
"Chúng tôi không coi trọng việc phản ứng lại các nguồn tin không tên đi rêu rao những tin đồn thứ cấp đầy suy đoán và tiếp tục làm lộ ra những thông tin thiếu chính xác", theo luật sư Peter Merijanian.
"Mọi nước đều tìm cách để có lợi thế"
Các quan chức Nhà Trắng nói rằng cố vấn an ninh quốc gia McMaster đã choáng váng trước một số mối quan hệ của con rể tổng thống.
"Khi ông ấy biết chuyện, ông ấy (McMaster) rất bất ngờ", một quan chức nói. "Ông thấy điều đó thật kỳ lạ. Một việc bất thường. Tôi không biết liệu có ai ở Nhà Trắng từng làm chuyện ấy chưa".
Người này nói rằng McMaster "không quan ngại nhưng cần lời giải thích".
Trong những tháng sau đó, McMaster và Kushner đã làm việc cùng nhau về chuyện này. Hội đồng An ninh Quốc gia biết về những mối quan hệ của Kushner với các quan chức nước ngoài và con rể tổng thống cũng được tiếp cận các chuyên gia của hội đồng để chuẩn bị cho những cuộc gặp này.
"Tướng McMaster có sự tôn trọng tuyệt đối cho Kushner và hai người phối hợp ăn ý", người phát ngôn hội đồng Michael Anton nói. "Mọi thứ họ làm đều thống nhất, không có mối rạn nứt nào".
Kushner được cho là có khá nhiều điểm yếu để khai thác, từ công việc kinh doanh đầy phức tạp đến các khoản nợ của gia đình. Ảnh: AP. |
Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng việc các chính phủ "bày mưu tính kế" để gây ảnh hưởng với quan chức nước khác là chuyện thường xuyên xảy ra, bất kể là nước nào hay chính quyền nào.
"Mọi nước đều tìm cách để có lợi thế", một người thân cận với các thông tin tình báo về chính phủ nước ngoài nói về Kushner. Điểm khác biệt của con rể tổng thống là ông có khá nhiều điểm yếu để khai thác, từ công việc kinh doanh đầy phức tạp đến các khoản nợ của gia đình.
Một nguồn tin ngoại giao của Mexico nói rằng Kushner "giữ sự chuyên nghiệp nghiêm ngặt" trong việc làm ăn với nước này, "khi đôi bên đều tìm kiếm lợi ích của mình nhưng cũng cố gắng đạt được tiếng nói chung".
Trong khi đó, ngay từ mùa xuân năm 2017, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump vừa bắt đầu, các quan chức UAE đã nhìn thấy sự "dễ bị tấn công" của Kushner khi gia đình ông tìm kiếm các phi vụ đầu tư vào bất động sản.
Quan chức tại đại sứ quán của Trung Quốc, Israel và UAE vẫn chưa đáp lại yêu cầu bình luận trước những thông tin của Washington Post.
Ngày 2/3, Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly sẽ ra quyết định cuối cùng về việc con rể của tổng thống có tiếp tục được tiếp cận an ninh mật hay không.
Món nợ của gia đình
Năm 2016, Kushner vừa quản lý chiến dịch tranh cử tổng thống của bố vợ vừa vận hành việc kinh doanh của gia đình. Một trong những mối bận tâm lớn nhất của ông là khoản đầu tư vào tòa nhà ở 666 Đại lộ số Năm ở New York.
Công ty của ông đã mua tòa nhà này vào năm 2007. Khi đó, nó trở thành tòa nhà văn phòng đắt giá nhất nước Mỹ. Khi Đại Suy thoái năm 2008 ập đến, Kushner đã tái đầu tư vào đây, kéo theo khoản nợ 1,2 tỷ USD. Dự kiến nợ sẽ tới hạn vào tháng 1/2019.
Tòa nhà ở 666 Đại lộ số Năm, New York, tạo ra khoản nợ khổng lồ cho công ty của gia đình Kushner. Ảnh: Getty. |
Tòa nhà văn phòng ở Manhattan này cũng trở thành vấn đề bên trong Nhà Trắng vì công ty của Kushner đang tìm kiếm nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào nó. Họ đề xuất một kế hoạch tái phát triển và mở rộng gấp đôi quy mô tòa nhà. Công ty của Kushner cũng đã gặp gỡ với lãnh đạo công ty bảo hiểm nhà nước của Trung Quốc, An Bang, và thảo luận với quỹ đầu tư do cựu bộ trưởng tài chính Qatar đứng đầu.
Dù vậy, chưa có hợp đồng nào được ký cả.
Kushner cũng đã gặp Sergey Gorkov, một lãnh đạo của ngân hàng Vnesheconombank (Nga) vào tháng 12/2016. Ngân hàng này cho biết họ nói về "triển vọng kinh doanh" nhưng Kushner đã nói với quốc hội rằng cuộc gặp không liên quan gì đến công ty gia đình ông.
Trước khi vào Nhà Trắng, Kushner đã từ bỏ cổ phần của ông trong công ty. Công ty này hiện do các thành viên khác của gia đình chi phối.