Dù Jared Kushner là người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao, anh lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của tình báo Bắc Kinh từ khi ông Trump còn chưa nhậm chức.
Đầu năm 2017, không lâu sau khi Jared Kushner chuyển đến văn phòng mới ở Cánh Tây Nhà Trắng, anh bắt đầu đón tiếp khách. Một trong những vị khách đến nhiều lần là Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nhà ngoại giao kỳ cựu từng học tại Đại học Johns Hopkins danh tiếng.
Thời các chính quyền trước, mỗi khi đến Nhà Trắng, ông Thôi đều được tiếp đón với một đoàn các chuyên gia về Trung Quốc và nhân viên ghi chép. Song Kushner, con rể 37 tuổi đồng thời là cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, lại thích trò chuyện trong không gian ít người.
Ba tháng trước đó, ông Thôi gần như tuyệt vọng. Giống như nhiều nhà quan sát, ông dự đoán sai rằng bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng trong bầu cử 2016. Sai lầm kiểu này chính là thứ làm tiêu tan sự nghiệp các đại sứ trong hệ thống ngoại giao Trung Quốc - ông nói vậy với người bạn. Càng tồi tệ khi ông Thôi hầu như không biết ai trong chính quyền mới. Trump chiến thắng với thông điệp xuyên suốt là Trung Quốc đã "cưỡng hiếp" nước Mỹ (về thương mại).
Vợ chồng Jared Kushner và Ivanka Trump cùng Đại sứ Thôi Thiên Khải trong tiệc mừng quốc khánh Trung Quốc ở Washington D.C. ngày 27/9/2017. Ảnh: China Daily. |
Và ông Thôi gặp Kushner. Ở Kushner, vị đại sứ Trung Quốc nhìn thấy một đối tác tự tin, chu đáo và thiếu kinh nghiệm. Điều hành tập đoàn bất động sản hơn tỷ đô của gia đình, Kushner quyết tâm đưa sự nhạy bén của doanh nhân vào các vấn đề đối ngoại. Anh ta nghĩ các quan hệ mới, bí mật sẽ tốt hơn những cách làm quan liêu truyền thống trong ngành ngoại giao.
Henry Kissinger, người duy trì quan hệ gần gũi với giới cấp cao Trung Quốc, giới thiệu Kushner với ông Thôi trong chiến dịch tranh cử, và hai người gặp nhau ba lần trong quá trình chuyển giao quyền lực. Trong những tháng sau khi ông Trump nhậm chức, họ gặp nhau thường xuyên hơn.
"Jared trở thành 'Quý ông Trung Quốc' (Mr. China)", Michael Pillsbury, cựu trợ lý của Lầu Năm Góc trong đội ngũ chuyển giao của ông Trump, nói. (Ảnh bên: Minh họa của báo New Yorker về việc Kushner bị Trung Quốc nhắm tới).
Những cuộc gặp thường xuyên giữa ông Thôi với Kushner khiến một số trong chính phủ Mỹ cảm thấy không thoải mái. Ít nhất một lần, họ ngồi riêng với nhau, điều mà các quan chức tình báo cho là nguy hiểm. "Không có ai trong căn phòng đó để xác minh những gì được nói và những gì không, vì vậy người Trung Quốc có thể quay về và tuyên bố bất cứ điều gì", một cựu quan chức cao cấp của Mỹ, người được báo về các cuộc gặp, cho biết.
"Tôi xin lỗi, Jared. Với những gì anh biết mà anh nghĩ có thể cáo hơn Đại sứ Trung Quốc ư?", vị quan chức nói thêm. "Kushner thực sự rất thông minh. Chỉ là cậu ta có ít kinh nghiệm về cuộc sống. Cậu ấy hành xử ngây thơ".
Đến nay, người Mỹ đã quen với các thông tin về nỗ lực của Nga can dự vào chính trị Mỹ, nhưng trong cộng đồng tình báo, các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc là mối lo nghiêm trọng không kém. Trong những năm gần đây, FBI và CIA ngày càng tăng nguồn lực để theo dõi các nỗ lực của Trung Quốc trong việc do thám hoặc "tranh thủ" quan chức phương Tây nhằm theo đuổi các mục tiêu chính sách.
"Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc mang tính dài hạn hơn, có phạm vi rộng hơn và thường được thiết kế để tác động sâu hơn so với người Nga", Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại CIA, cho biết.
Kushner thường loại các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của chính phủ ra khỏi các cuộc gặp gỡ giữa anh với ông Thôi. "Anh ta đi mà hoàn toàn không có ai biết về Trung Quốc đi cùng", một cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nói.
Một số quan chức không được mời tham dự các cuộc gặp hay được báo cáo buộc phải lục tung các báo cáo tình báo để xem các nhà ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc gặp giữa họ với Kushner thế nào. Một số quan chức khác trực tiếp hỏi ông Thôi về các cuộc gặp.
Với các chuyên gia an ninh quốc gia, khó khăn của Kushner trong việc xin thẻ an ninh cấp cao là vấn đề đáng quan tâm. Có phải do anh không khai báo sớm các tương tác với nước ngoài? Hay nó có liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016? Chính quyền vừa qua năm thứ nhất và ngày càng có nhiều quan tâm về vấn đề an ninh của Kushner mà các cuộc gặp gỡ giữa anh với phía Trung Quốc có thể là nguyên do.
"Kushner là bùa may mắn của họ", cựu thành viên NSC nói. "Giấc mơ trở thành sự thật. Họ không thể tin nổi anh ta quá ngoan ngoãn". (Một người phát ngôn của Kushner cho biết không có chuyên gia về Trung Quốc nào nói với anh rằng "anh không nên làm như vậy").
Khi ông Trump chuẩn bị bước vào Nhà Trắng, ông đã có động thái bất ngờ "chọc giận" các quan chức ở Bắc Kinh. Ngày 2/12/2016, ông Trump nhận cuộc gọi từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, phá vỡ thông lệ gần bốn thập kỷ của ngoại giao Mỹ.
Mỹ có quan hệ hữu nghị với Đài Loan, nhưng các tổng thống từ thời Ronald Reagan luôn né tránh việc nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo của hòn đảo, vì Mỹ chỉ chính thức công nhận chính phủ ở Bắc Kinh theo chính sách "Một Trung Quốc". Sau đó trong phỏng vấn, ông Trump úp mở về việc từ bỏ chính sách "Một Trung Quốc" và công nhận chính phủ Đài Loan ở Đài Bắc.
Các quan chức Trung Quốc tìm đến người mà Kissinger đã giới thiệu với họ: Jared Kushner. Kushner sau đó nói với những người khác rằng anh "nhận việc" về Trung Quốc một cách miễn cưỡng, sau khi các quan chức Trung Quốc "kêu la" gọi đến Trump Tower và yêu cầu gặp đích danh.
Vào ngày 9 và 10/12, Thôi Thiên Khải và Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, đã ghé thăm Kushner tại văn phòng của anh ở số 666 đại lộ 5. Không giống như các quan chức từ Nhật Bản và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thường giữ bí mật về liên lạc với đội chuyển giao của ông Trump, các nhà ngoại giao Trung Quốc thông báo cho chính quyền Obama về việc này.
Đôi khi, ông Michael Flynn, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia nhưng cuối cùng phải từ chức chỉ sau 24 ngày, và những người khác cũng có mặt trong các cuộc gặp. Trình bày những hy vọng và tham vọng của Trung Quốc về mối quan hệ, Đại sứ Thôi thúc giục Mỹ tăng cường các cuộc trao đổi quân sự và ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường", dự án về cơ sở hạ tầng từ Âu sang Á nhằm mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Theo một người tham gia vào các cuộc thảo luận, ông Flynn hoan nghênh lời đề nghị, ca ngợi "Vành đai và Con đường" và nói rằng mặc dù Mỹ chỉ có một chính phủ (ám chỉ Obama vẫn đang nắm quyền), ông đánh giá cao việc "bắt đầu đối thoại ngay bây giờ".
Sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1/2017, mối quan hệ giữa Kushner và Đại sứ Thôi càng được củng cố. Họ gặp lại nhau vào ngày 1/2, và cùng ngày, vợ của Kushner - Ivanka Trump - đã đưa cô con gái Arabella tới dự tiệc Tết Nguyên Đán ở Đại sứ quán Trung Quốc (ảnh nhỏ ở dưới). Cuối tháng đó, Kushner thuyết phục ông Trump rút lại lời đe dọa về việc từ bỏ chính sách "Một Trung Quốc".
Kushner cũng chuyển các đề xuất của ông Thôi cho Ngoại trưởng Rex Tillerson, người có chuyến công tác chính thức đầu tiên tới Bắc Kinh vào tháng 3. Trong chuyến thăm, ông Tillerson làm giật mình các chuyên gia Trung Quốc khi sử dụng một số ngôn từ chính thức của Bắc Kinh, bao gồm "tôn trọng lẫn nhau", vốn thường được hiểu là sự củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp ở châu Á.
Kushner và ông Thôi cũng đã gặp nhau nhiều lần để chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 6/4 tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida. Theo Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho đến tháng 3 năm ngoái, "rõ ràng là những cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra giữa các cố vấn của tổng thống".
Một bên, những người theo đường lối cứng rắn, bao gồm cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon - người từng nói ông tin rằng Trung Quốc đang "quyết tâm thống trị thế giới", ủng hộ quan điểm đối đầu về thương mại và các vấn đề khác. Bên còn lại, "Jared Kushner được mô tả là kiên quyết giữ lập trường rằng cuộc gặp ở Mar-a-Lago chỉ dành để nói về xây dựng mối quan hệ".
"Chúng tôi được cho biết tinh thần cuộc gặp là trước tiên sẽ xây dựng tình hữu nghị kiểu gia đình nồng ấm, thông qua các bữa ăn cũng như sức hút cá nhân của ông Trump", ông Russel nói thêm.
Trong sự kiện này, Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu của mình một cách ngoạn mục: cuộc tiếp xúc tập trung vào các nội dung mềm cho phép phóng viên chụp ảnh, hạn chế nói về thương mại và các chủ đề nhạy cảm. Đây cũng là dịp may mắn cho gia đình Kushner. Trong khi ông Tập gặp ông Trump, Bắc Kinh đã phê duyệt 3 đăng ký nhãn hiệu từ công ty của Ivanka. Ivanka cũng là cố vấn của tổng thống, và mối quan hệ giữa cô với người Trung Quốc khó có thể không nói là bất thường. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt một loạt đăng ký nhãn hiệu thương hiệu từ Trump Organization.
Kushner tự hào về vai trò của mình trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập, nói với một người thân cận: "Người ta nói chúng ta phải làm mọi thứ theo cách cũ, các cách tiếp cận truyền thống. Vài người nhiều kinh nghiệm, bám vào cách thức cũ, sẽ không thể thành công ở Mar-a-Lago như chúng ta".
Trước khi vào Nhà Trắng, Kushner không hề có kinh nghiệm về ngoại giao; anh là doanh nhân, CEO của một công ty lớn. Qua công việc, Kushner thiết lập nhiều liên hệ với Trung Quốc. Một dự án của Kushner ở Jersey City khánh thành vào tháng 11/2016, đã nhận được khoảng 50 triệu USD, tức gần một phần tư vốn của dự án, từ các nhà đầu tư Trung Quốc, những người không công khai tên. Họ đầu tư thông qua một chương trình nhập cư của Mỹ gọi là EB-5, cho phép người nước ngoài giàu có lấy được thị thực Mỹ bằng cách đầu tư vào các dự án ở nước này.
Kushner cũng là một nhà đầu tư, bên cạnh các doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc và Hong Kong, tại nhiều công ty. Anh và người em trai, Joshua Kushner, đồng sáng lập Cadre, công ty đầu tư bất động sản được tỷ phú Trung Quốc Jack Ma rót vốn. Ivanka Trump cũng có những nỗ lực làm ăn của riêng mình tại Trung Quốc, nơi mà một số sản phẩm như túi xách, giày dép và quần áo mang thương hiệu của cô được sản xuất.
Trong quá trình chuyển giao quyền lực, Kushner đã gặp một loạt quan chức nước ngoài để thảo luận về chính quyền mới tại Mỹ. Đồng thời, với tư cách người đứng đầu công ty gia đình, anh khẩn trương tìm kiếm nguồn tiền mặt để hoàn trả một món nợ trị giá hàng trăm triệu đô-la Mỹ.
Câu chuyện bắt nguồn từ năm 2007 khi Kushner Companies mua lại tòa nhà văn phòng 40 tầng ở số 666 đại lộ 5 với giá 1,8 tỷ USD, tòa nhà đắt nhất ở Manhattan, New York, thời điểm đó. Đây là dự án đầu tư rủi ro của Kushner. Nhu cầu về diện tích văn phòng sụt giảm, và anh phải tìm kiếm các nhà đầu tư, ở châu Á và Trung Đông cũng như nhiều nơi khác, để củng cố tình hình tài chính dự án này.
Vào ngày 16/11/2016, Kushner có bữa ăn tối riêng với ông Ngô Tiểu Huy, chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm An Bang của Trung Quốc, để thảo luận về khoản đầu tư dự kiến của ông Ngô vào số 666 đại lộ 5. Nhiều tháng sau, khi cuộc họp được tiết lộ, và Bloomberg đưa tin gia đình Kushner đã sẵn sàng đón nhận 400 triệu USD từ thỏa thuận với An Bang - các nghị sĩ đảng Dân chủ lên án đó là hành vi xung đột lợi ích. Công ty của Kushner sau đó từ bỏ cuộc thương thảo.
Trong nhiều trường hợp, người ta không rõ Kushner đang đại diện công ty của mình hay là đại diện cho chính quyền (trong các giao dịch với Trung Quốc).
Các cơ quan tình báo Mỹ rất quyết liệt nhắm vào việc chặn các liên lạc của người Trung Quốc, bao gồm cả các báo cáo của Đại sứ Thôi cho Bắc Kinh về những cuộc gặp của ông tại Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng ông Thôi và Kushner, trong các cuộc gặp để chuẩn bị cho sự kiện tại Mar-a-Lago, đã thảo luận về các lợi ích trong việc kinh doanh của Kushner song song với vấn đề chính sách. Một số quan chức tình báo lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc đang tìm cách sử dụng lá bài kinh doanh để tác động đến Kushner.
Tuy nhiên, nhận định này chưa phải đã được thống nhất hết. "Tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chiến lược của Trung Quốc đã thành công", một cựu quan chức cao cấp nói về những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cấu kết với Kushner.
Người Trung Quốc cũng có thể đã báo cáo sai các cuộc thảo luận giữa họ với Kushner. Song các báo cáo tình báo của Mỹ làm dấy lên nghi ngại rằng các quan chức Trung Quốc đang khai thác mối quan hệ gần gũi giữa Kushner với tổng thống Mỹ, điều có thể mang lại lợi ích về lâu dài.
Đáp lại những lời này, một người phát ngôn của Kushner nói: "Chưa bao giờ, hoàn toàn chưa, ông Kushner nói chuyện với bất kỳ quan chức nước ngoài nào, trong chiến dịch tranh cử, trong quá trình chuyển giao hay khi bước chân vào chính quyền, về bất kỳ việc làm ăn nào của cá nhân hay gia đình. Anh ấy rất thận trọng trong vấn đề này".
Vào tháng 3/2017, Bill Priestap, trưởng bộ phận phản gián của FBI, đến Nhà Trắng và thông báo cho Kushner về nguy cơ từ các hoạt động gây ảnh hưởng của nước ngoài. Ông Priestap nói với Kushner rằng anh là một trong những mục tiêu tình báo hàng đầu trên thế giới, và đang không chỉ được Trung Quốc mà còn được mọi cơ quan tình báo khác nhắm đến, bao gồm cả Nga và Israel. Ông Priestap nói rằng các cơ quan tình báo nước ngoài có thể sử dụng các nhà ngoại giao và gián điệp "hóa thân" thành sinh viên và nhà báo để thu thập thông tin về Kushner.
Kể từ năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã mở rộng cảnh báo công khai về mối đe dọa do gián điệp Mỹ gây ra. Các cơ quan tình báo của Trung Quốc đã cho thấy sự tinh vi ở mức độ ngày càng cao trong việc tìm cách cấu kết với các quan chức nước ngoài, đôi khi bằng cách sử dụng thông tin mà họ "hack" được. Năm 2014, tin tặc Trung Quốc đã sao chép một cơ sở dữ liệu khổng lồ từ Văn phòng Quản lý Nhân sự chính phủ Mỹ. Các quan chức nói rằng Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm những người Mỹ gốc Hoa đang làm việc cho chính phủ Mỹ để có thể lôi kéo họ làm việc cho mình.
Trong ngân sách năm 2017, chính quyền Obama yêu cầu 19 tỷ USD cho an ninh mạng, tăng hơn 35% so với năm trước đó. Đầu tháng này, FBI đã bắt giữ Jerry Chun Shing Lee, cựu nhân viên CIA người Mỹ gốc Hoa, và truy tố ông này tội chiếm đoạt bất hợp pháp thông tin quốc phòng. Ngoài việc chống gián điệp kiểu cũ, Mỹ đang cân nhắc các biện pháp mới để kiểm soát cách nước ngoài vận động hành lang và gây ảnh hưởng đến hệ thống chính trị của Mỹ.
Tháng này, Ủy ban Chứng khoán Liên bang Mỹ và các công tố viên ở New York đã gửi trát tòa đến Kushner Companies, yêu cầu cung cấp chi tiết về chương trình thị thực EB-5 của công ty này.
Vai trò từng rất lớn của Kushner tại Nhà Trắng nay đã thu hẹp, và anh không còn thường xuyên gặp Đại sứ Thôi nữa. Tuy nhiên, theo cách mô tả của riêng mình, Kushner vẫn luôn tự tin rằng bản năng của anh, thứ được mài giũa trong nhiều năm quản lý cơ nghiệp của gia đình, có thể giúp ích cho anh cũng như cho đất nước.
Ở Nhà Trắng, anh có địa vị cao nhưng bấp bênh. Henry Kissinger, người ủng hộ việc Kushner gặp gỡ ông Thôi, mô tả con rể ông Trump đang có "vai trò khó khăn khi bay gần Mặt Trời".