Ngọn lửa bùng phát tại Gaza sau khi Israel không kích vào rạng sáng 2/2. Ảnh: Anadolu Agency. |
Ngay sau đợt không kích của Israel, nhóm vũ trang của Palestine đã bắn tên lửa đáp trả. Nhiều vụ nổ được nghe thấy từ thành phố Gaza vào khoảng 3h ngày 2/2, Guardian đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel xác nhận vụ không kích, nói rằng "mọi vụ tấn công vào Israel hay có ý định làm hại người dân sẽ phải đối mặt với quân đội Israel".
Theo các nguồn tin địa phương, đợt không kích, với ít nhất 7 tên lửa, đã bắn vào trung tâm huấn luyện của lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hamas. Trung tâm này được đặt tại trại tị nạn al-Maghazi ở dải Gaza.
Phía Israel cho biết vụ không kích này nhằm đáp đợt tên lửa được bắn từ dải Gaza vào Israel vào ngày 1/2.
Theo Al Jazeera, còi báo không kích đã vang lên tại Israel sau đợt không kích vào Gaza. Hiện chưa rõ con số thương vong.
Nhóm vũ trang của Palestine (PFLP) cho biết đã phóng loạt tên lửa vào Israel vào sáng ngày 2/2 để đáp trả các cuộc không kích và hành động "gây hấn có hệ thống" của Israel với các tù nhân Palestine.
Vào sáng ngày 1/2, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir nói sẽ có các biện pháp khắc nghiệt hơn với những tù nhân Palestine tại các nhà tù Israel.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine vẫn leo thang bất chấp nỗ lực kêu gọi kiềm chế của Mỹ, theo Jerusalem Post.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến công du Trung Đông, song không có nhiều đột phá. Ông Blinken nói rằng việc kết thúc bạo lực "về cơ bản phụ thuộc vào họ (Israel và Palestine - PV)".
Trước chuyến thăm của ông Blinken, quân đội Israel hồi cuối tháng 1 đã đột kích vào trại tị nạn ở Jenin, Đông Jerusalem, khiến 10 người Palestine thiệt mạng. Chính quyền Israel cho biết mục đích của cuộc đột kích hôm 26/1 là để loại bỏ các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.