Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

'Israel muốn bán công nghệ và có thể cùng VN tạo công nghệ mới'

Đại sứ Israel tại Việt Nam nói dù muốn nhiều công nghệ Israel được xuất khẩu sang Việt Nam, ông cũng muốn thúc đẩy hợp tác song phương để tạo công nghệ mới.

TP.HCM do thi thong minh anh 1

Đại sứ Nadav Eshcar biết rất rõ công nghệ là lợi thế lớn của Israel trong mối quan hệ với Việt Nam và người Việt luôn đánh giá cao những phát minh đến từ đất nước nằm giữa sa mạc này. Nhưng mặt khác, Việt Nam, "nơi không thiếu nước nhưng nước bẩn và ngập lụt", lại có những vấn đề rất khác với Israel.

Đại sứ Eshcar trò chuyện với Zing.vn nhân dịp ông đến TP.HCM để tham gia và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM cuối năm 2018. Cũng trong dịp này, ông làm việc với lãnh đạo TP.HCM về hợp tác xây dựng thành phố thông minh, dự lễ kết thúc khóa học thực địa dành cho người địa phương về an toàn thực phẩm, thăm một trường đại học và làm việc với một hãng du lịch.

Nông sản VN không làm tổn hại nông dân Israel

- Một năm của ông trong vai trò đại sứ diễn ra thế nào?

- Năm 2018 kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel.  Có thể nói rằng đây là thời điểm quan hệ hai nước đang tốt nhất trong lịch sử. Chúng ta có rất nhiều hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, khoa học, xây dựng môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng có rất nhiều hợp tác trong giáo dục, đặc biệt là tại TP.HCM. Đã có rất nhiều chuyên gia từ TP.HCM đến Israel để tham gia các tour về giáo dục, để tìm hiểu mô hình STEM của Israel, nơi chúng tôi đã tạo ra một thế hệ các chuyên gia và người khởi nghiệp.

Lần này, tôi đến TP.HCM để tham gia Diễn đàn Kinh tế TP.HCM. Tôi và một lãnh đạo doanh nghiệp Israel sẽ có bài phát biểu tại đây, nói về việc xây dựng thành phố thông minh và đặc biệt là cách tiếp cận sáng tạo. Tôi muốn thúc đẩy trao đổi du lịch giữa 2 nước. Năm 2017, 25.000 du khách Israel đã đến Việt Nam và tôi muốn con số đó tăng lên. Chúng tôi thậm chí đã mời một nhóm thí sinh của cuộc thi The Face Vietnam đến Israel để ghi hình vòng thi bán kết ở đó.

TP.HCM do thi thong minh anh 2
Vòng bán kết chương trình The Face Vietnam đã được ghi hình tại Israel. Đại sứ Eshcar nói rằng ông muốn khán giả Việt Nam nhìn thấy các thành phố, từ cổ kính đến sôi động, của Israel. Ảnh: BTC.

- Trọng tâm của ông là gì?

- Thứ nhất, tôi muốn thúc đẩy hợp tác về công nghệ. Đây là cơ hội rất rõ, tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn ý thức được lợi ích của họ trong việc hợp tác này. Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy hợp tác chính trị và kinh tế, hai bên đang đàm phán hiệp định thương mại tự do. 

- Chúng ta có thể chờ đợi gì ở hiệp định này?

- Tôi hy vọng việc đàm phán có thể hoàn tất trong năm 2019. Vòng đàm phán thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng 1 ở Hà Nội.

Lợi thế ở đây là các công ty Việt Nam và Israel không cạnh tranh nhau. Có một số quốc gia chúng tôi sẽ ngần ngại khi ký các hiệp định thương mại tự do vì nó có thể gây tổn hại đến các doanh nghiệp nội địa. Việt Nam thì khác, các ngành nghề của hai nước bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh.

Nếu những nhà sản xuất nông sản Việt Nam có thể tiếp cận với những công nghệ của Israel với mức giá rẻ hơn, chúng ta có thể có sản phẩm với năng suất và chất lượng tốt hơn. Israel mua chứ không bán những nông sản phổ biến của Việt Nam, chẳng hạn như xoài, chúng tôi thường sản xuất các loại nông sản khác và xuất sang thị trường khác.

Vì vậy, tôi có thể nói là không có nhiều thách thức lớn cho quá trình đàm phán giữa hai nước, phần lớn thời gian đòi hỏi là để hoàn các phần việc mang tính thủ tục. Đây sẽ là một thành tựu lớn, vì Israel có không đến 10 hiệp định thương mại tự do và tôi vui mừng Việt Nam sẽ là nước tiếp theo.

Israel muốn bán công nghệ

- TP.HCM đang xây dựng "đô thị thông minh", Israel có gì có thể hợp tác và hỗ trợ thành phố trong kế hoạch này?

- Chúng tôi giới thiệu với phái đoàn của TP.HCM đến Israel tất cả những khả dĩ chúng tôi có. Họ sẽ chọn ra những dự án có thể áp dụng và nhập khẩu. Chúng tôi có rất nhiều sáng kiến trong việc xây dựng một thành phố thông minh, ví dụ an ninh mạng, an toàn thành phố.

TP.HCM do thi thong minh anh 3
Đại sứ Israel tại Việt Nam cho rằng vì 2 người không có xung đột lợi ích trong việc ký kết hiệp định tự do thương mại, nên quá trình đàm phán sẽ không gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Hoàng Việt.

Ví dụ, tại Tei Aviv, chúng tôi có camera ở hầu như mọi nơi, và đó là những "camera thông minh". Trong bãi giữ xe vào ban đêm, các camera thông minh được trang bị cảm biến có khả năng nhận ra sự chuyển động trong đêm tối và báo động về hệ thống, trong khi người trong phòng điều khiển sẽ không phải và không thể canh chừng hàng trăm màn hình cùng một lúc.

Phần khác của việc xây dựng đô thị thông minh là giúp thành phố phát triển bền vững hơn. Chúng tôi tại Hà Nội có chiếc máy có thể tạo ra nước sạch, uống được ngay từ độ ẩm không khí. Tại Việt Nam, nước sẵn có hơn ở Israel rất nhiều, các bạn không gặp tình trạng khan hiếm nước như chúng tôi, nhưng Việt Nam lại gặp vấn đề với nguồn nước bẩn.

- TP.HCM đang có quá nhiều vấn đề, từ ngập nước đến kẹt xe, và việc xây dựng một đô thị thông minh ở đây giống như đi giải quyết hàng tá vấn đề riêng lẻ. Đâu là vấn đề tại TP.HCM mà Israel có thể có giải pháp?

- Một điều mà các lãnh đạo TP.HCM muốn học hỏi từ Israel là cách thúc đẩy cải tiến. Tôi không có giải pháp cụ thể cho việc kẹt xe hay ngập lụt tại TP.HCM, nhưng ở Israel, chúng tôi có mọi loại công ty khởi nghiệp, trẻ, sáng tạo và muốn kiếm tiền. 

Một sáng kiến mà tôi đã giới thiệu đến Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khi ông ấy sang Israel giữa năm 2018 là giải pháp từ một công ty chuyên cung cấp thiết bị cảm ứng và tự hành dành cho xe ôtô. Thiết bị này nhận được việc người ta đang lái xe quá nhanh, nó sẽ không chỉ đưa ra cảnh báo, nó sẽ đẩy người lái sang một bên, nó sẽ kéo phanh chiếc xe, hoặc điều khiển chiếc xe sang hướng khác...

Đó là mô hình tại Israel: thúc đẩy khối doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp. Họ làm việc cùng các nhà khoa học, các nhà đầu tư để tìm giải pháp và kiếm tiền từ đó.

Israel có 5.000 công ty khởi nghiệp, rất nhiều công ty trong số đó không thành công, có thể họ sẽ không bao giờ thành công và bạn sẽ không bao giờ được nghe về họ. Nhưng một số trong đó làm được, họ tạo nên một thế hệ những nhà cải tiến mới và chúng tôi rất tự hào về họ.

Một ý tưởng khác tôi muốn giới thiệu đến TP.HCM là một vườn ươm doanh nghiệp chung giữa Israel và thành phố. Các doanh nghiệp TP.HCM và Israel có thể cùng nhau giải quyết chuyện ngập lụt, làm sao để tiết kiệm năng lượng, làm sao quy hoạch các bãi xe trong thành phố. Tất nhiên, tôi muốn Israel bán được công nghệ cho TP.HCM, nhưng tôi cũng muốn các doanh nghiệp của TP.HCM và Israel có thể hợp tác tạo ra các công nghệ mới.

TP.HCM do thi thong minh anh 4
Đại sứ Israel cho rằng động lực cải tiến của nước ông thường đến từ khối doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Reuters.

- Đã có nhiều ý kiến nói về biến TP.HCM trở thành một "Thung lũng Silicon" của châu Á. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể cạnh tranh với những nơi như Singapore?

- Tôi không muốn có rắc rối ngoại giao gì với Singapore, và Singapore là một đất nước tuyệt diệu. Nhưng nếu nói riêng về Việt Nam, một điều tôi nhận ra mà Việt Nam và Israel có thể chia sẻ là sự "sáng tạo một cách hiện đại" (modern creativity). Đó là khả năng ứng biến.

Nếu người Việt Nam gặp trục trặc với máy móc và không có tiền mua máy mới, họ có thể tìm cách sửa chiếc máy đó theo phương thức rất "Việt Nam", nối các dây nhợ, cột chúng lại với nhau... Việc đó rất "Việt Nam", họ có thể thích ứng và tìm ra giải pháp cho hầu như mọi thứ, bằng công cụ này hay cách thức nọ. Israel cũng như vậy.

Có một số quốc gia tư duy rất bài bản. Mọi thứ đều có thứ tự, còn ở đây lại rất hổ lốn. Israel cũng là một xã hội rất lộn xộn. Sự lộn xộn đó buộc chúng tôi phải tư duy sáng tạo hơn.

Ngoài ra, TP.HCM hiện đã là trung tâm kinh tế quan trọng ở châu Á, nhiều quốc gia, bao gồm chúng tôi, cũng muốn được là một phần cũng những gì đang diễn ra ở thành phố này.

Một yếu tố khác là giáo dục. Tôi nghĩ ở Việt Nam, người ta hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, luôn muốn có giáo dục tốt hơn cho con cái mình. Tôi hy vọng những người được giáo dục tốt đó sẽ trở lại quê nhà họ.

- Nhưng ông có nghĩ là sự thông minh và giỏi ứng biến sẽ đi cùng với việc phá vỡ các luật lệ hay không?

- Bạn biết đấy, nếu chúng ta luôn luôn chạy theo các luật lệ, không phải lúc nào các luật lệ cũng giải quyết được mọi vấn đề. Tôi đã chứng kiến việc này ở một số xã hội, ngay khi có chuyện phát sinh ngoài kế hoạch, người ta không biết phải ứng phó như thế nào. Họ bị lạc lối. Vì họ luôn theo luật lệ trước đó.

Giám đốc WB: 'Sẽ không thể có công nghiệp 4.0 với một bộ máy 1.0'

Giám đốc World Bank Việt Nam chia sẻ với Zing.vn về những động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Ông đặc biệt chú ý tới khối tư nhân, cải cách các thể chế lõi của nhà nước.

Đại sứ Mỹ: Washington có chiến lược '3 mũi nhọn' rất rõ tại Biển Đông

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định Washington có chiến lược rất rõ ràng tại Biển Đông và tranh chấp chủ quyền không ảnh hưởng đến những dự án hợp tác giữa hai nước.

Vy Xuân (thực hiện)

Ảnh: Hoàng Việt
Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm