Cựu Bộ trưởng Tài chính Ali Allawi nằm trong số các quan chức bị cáo buộc có hành vi biển thủ 2,5 tỷ USD từ nguồn công quỹ của Iraq. Ảnh: AP. |
Cơ quan chống tham nhũng Iraq cho biết 4 cựu quan chức này bị cáo buộc là chủ mưu của vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của quốc gia Trung Đông này.
Những cựu quan chức trên bị buộc tội "tạo điều kiện cho việc biển thủ các khoản tiền của cơ quan thuế", tuyên bố cho biết thêm rằng họ cũng sẽ bị phong tỏa tài sản.
Tuy lệnh của tòa án không nêu cụ thể tên của những người bị truy nã, theo một quan chức của cơ quan chống tham nhũng Iraq, bốn quan chức trên bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Ali Allawi, cựu Giám đốc nội các Raed Jouhi, cố vấn Mushrik Abbas và thư ký Ahmed Najati.
Một số quan chức bị truy nã là người thân của cựu Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi. Cả 4 người này đều đang sinh sống ở nước ngoài.
Cựu Bộ trưởng Allawi, một chính trị gia và học giả có uy tín, đã từ chức vào tháng 8/2022 sau khi vụ việc bị phanh phui.
Vụ án trên, được đặt cho biệt danh "vụ cướp của thế kỷ", đã gây phẫn nộ trong xã hội Iraq.
Theo đó, ít nhất 2,5 tỷ USD đã bị lấy đi khỏi nguồn công quỹ trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022 thông qua 247 tờ séc được 5 công ty khác nhau quy đổi ra tiền. Số tiền trên sau đó được rút khỏi tài khoản của 5 công ty dưới dạng tiền mặt. Phần lớn các lãnh đạo của 5 doanh nghiệp này đã bỏ trốn.
Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 10/2022, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã tuyên bố sẽ trấn áp nạn tham nhũng tại quốc gia này.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...