Theo Guardian, việc này được tiết lộ bởi Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trên Twitter của ông. Đề xuất vay khẩn cấp 5 tỷ USD để đối phó với dịch bệnh đã được Ngân hàng Trung ương Iran gửi tới giám đốc điều hành của IMF, bà Kristalina Georgieva.
Ông Zarif kêu gọi IMF hãy làm "điều đúng đắn" và "đứng về phía chính nghĩa trong lịch sử" bằng việc chấp thuận giải ngân cho Iran khoản vay này.
Ngoại trưởng Iran cho biết bà Georgieva có nói rằng IMF sẽ cung cấp kinh phí cho các hoạt động chống lại đại dịch thông qua một công cụ Hỗ trợ Tài chính Nhanh (Rapid Financing Instrument) mới - vốn được thiết kế để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp nhằm giúp các nước thành viên của IMF đang gặp khó khăn về thanh toán, phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, thiên tai, sau xung đột hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Công cụ này sẽ cải thiện khả năng của IMF để cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên có nhu cầu tài chính khẩn cấp mà không cần thông qua một chương trình chính thức.
Nhiều người mang khẩu trang tham dự đám tang của một cựu quan chức lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng sau khi nhiễm Covid-19. Ảnh: AP. |
Ông Zarif cũng cho biết Ngân hàng Trung ương Iran muốn tiếp cận nguồn quỹ này - vốn đang có dự trữ vào khoảng 50 tỷ USD - ngay lập tức.
Sau khi chính quyền ông Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo, Iran đã bước vào giai đoạn suy thoái nhẹ từ năm 2018 tới nay. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này khiến chính quyền trung ương thiếu hụt các nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.
Ban đầu, các nhà phân tích dự đoán kinh tế Iran có thể hoạt động cầm chừng dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng liên tiếp các sự kiện quốc tế xảy ra, gồm chiến tranh thương mại, dịch Covid-19 và gần đây nhất là cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, khiến cho giá dầu thô - nguồn cung ngoại tệ chủ lực của Iran - sụt giảm mạnh.
Số liệu của chính phủ Iran về dịch Covid-19 cho thấy đã có hơn 10.000 người dân nước này nhiễm virus, với 429 trường hợp tử vong, khiến Iran trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy. Một loạt các quan chức chính phủ của nước này cũng nhiễm virus.
Không chỉ làm tê liệt nền kinh tế vốn đã kiệt quệ của Iran, virus corona cũng khiến nhiều nước xung quanh đóng cửa biên giới với Iran, khiến cho hoạt động thương mại gần như hoàn toàn ngừng lại.
Những từ ngữ mà ông Zarif sử dụng trong tuyên bố gần đây cho thấy Iran có thể đã biết rằng yêu cầu vay tiền này sẽ gặp phải cản trở từ Washington - bên đang áp dụng chiến lược "áp lực tối đa" với Tehran.