Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Iran và Mỹ đàm phán song phương lần đầu sau hàng thập kỷ

Iran và Mỹ sẽ đối thoại song phương lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ - một bước tiến quan trọng hướng tới việc đảm bảo thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Tehran với phương Tây.

Cuộc thảo luận giữa nhà lãnh đạo hai quốc gia Mỹ và Iran sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 9 và 10/6, hãng thông tấn IRNA hôm qua dẫn tuyên bố bất ngờ của Bộ Ngoại giao Iran cho biết.

Các bên tham dự vòng đàm phán hạt nhân Iran tại Vienne, Áo. Ảnh: AFP.
Đại diện của EU và Iran tham dự vòng đàm phán hạt nhân Iran tại Vienne, Áo. Ảnh: AFP.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận về cuộc gặp và cho biết rằng, phái đoàn nước này sẽ do Thứ trưởng William Burns và bà Wendy Sherman - Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các các cuộc đàm phán với Iran - dẫn đầu. 

Các cuộc họp trong hai ngày tới đây là lần liên lạc trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước về vấn đề hạt nhân của Iran đồng thời là cuộc “giáp mặt” đầu tiên giữa Mỹ và Iran bên ngoài nhóm P5+1 (gồm các quốc gia hàng đầu như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Đức và Trung Quốc).

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi sẽ có cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân với các nhà ngoại giao Nga vào ngày 11 và 12/6 tại Rome, Italy.

Như vậy, hai cuộc hội đàm Iran – Mỹ và Iran – Nga diễn ra ngay trước thềm vòng thảo luận chính trị tiếp theo giữa Iran với Nhóm P5+1 từ ngày 16-20/6, nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa Tehran và phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trong một năm qua, Iran và Mỹ - vốn đã cắt đứt quan hệ ngoại giao kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran 1979 và cuộc khủng hoảng con tin - đã có những bước tiến đáng kể nhằm nối lại mối quan hệ. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một người theo đường lối ôn hòa được bầu vào tháng 6/2013, đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Obama sau khi ông nhậm chức. Động thái này là điều không thể xảy ra dưới thời người tiền nhiệm của ông Rouhani -  Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vì khi đó, mối quan hệ giữa Iran và phương Tây ở mức suy giảm nghiêm trọng.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp chớp nhoáng với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại Geneva.

Sự tan băng trong mối quan hệ giữa hai nước nhằm chấm dứt nhiều thập kỷ thù địch giữa Mỹ và Iran. Mỹ và các cường quốc trên thế giới đánh giá cao một thỏa thuận về hoạt động hạt nhân của Iran. Đáp lại, Tehran muốn phương Tây chấm dứt cấm vận kinh tế với nước này. Các biện pháp trừng phạt đã thực sự tàn phá nền kinh tế Iran trong nhiều năm qua.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm