Sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và Anh là hai nước đi đầu cấm vận dầu thô xuất khẩu của Nga. Lúc này, các nước thành viên Liên minh châu Âu đang tìm cách sớm đạt được đồng thuận để thông qua một lệnh cấm vận tương tự.
Nếu EU nhất trí cấm vận dầu thô của Nga, Moscow sẽ thiệt hại nặng khi mất đi thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Đồng thời, nước tiếp theo có nguy cơ hứng chịu "tai bay vạ gió" sẽ là Iran, theo CNN.
Thiệt hại ngoài mong đợi
Hoạt động xuất khẩu của Iran từ lâu đã bị hạn chế do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tehran chỉ có thể bán dầu của mình cho một số quốc gia nhất định, tiêu biểu là Trung Quốc.
Bởi vậy, nếu Nga bị EU cấm vận dầu thô, thị trường xuất khẩu của Iran vốn đã nhỏ sẽ còn bị thu hẹp hơn nữa. Trong kịch bản ấy, các khách hàng của Iran khi đó sẽ có thêm lựa chọn là Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
Khi đó, không loại trừ khả năng một cuộc chiến hạ giá dầu sẽ nổ ra giữa hai nước để cạnh tranh số ít khách hàng sẵn sàng mua dầu.
Nhà máy lọc dầu ở Bandar Abbas, Iran. Ảnh: Getty. |
Tuy vậy, diễn biến trên cũng có thể là hồi chuông cảnh tỉnh để Iran sớm đạt một thỏa thuận với các cường quốc phương Tây giúp hồi sinh thỏa thuận hạt nhân JCPOA 2015 - văn kiện bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi năm 2018.
JCPOA, nếu được nối lại, sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cho phép dầu của Iran quay trở lại thị trường thế giới với quy mô hàng triệu thùng mỗi ngày.
Trong hai năm qua, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran. Nhưng thời gian qua, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã và đang dần thu hẹp thị trường này của Iran.
Các chuyên gia cho biết lượng dầu thô xuất khẩu từ Iran sang Trung Quốc bắt đầu giảm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Cùng thời gian này, dâu thô mà Nga bán cho Trung Quốc đã tăng lên.
Tính từ 24/2, Trung Quốc đã mua thêm từ Nga lượng nhiên liệu hóa thạch tương đương 7,5 tỷ USD, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch. Đa phần trong số này là dầu thô.
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết giá trị dầu thô Iran bán cho Trung Quốc đã giảm 25%.
"Lúc này mức giảm chỉ là 25%, sau đó sẽ là một phần ba", Amir Handjani, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách Quincy Institute for Responsible Statecraft, nhận xét.
Nga sẽ thành đối thủ của Iran?
Với sự xuất hiện của dầu thô giá rẻ từ Nga, các nhà nhập khẩu dầu Trung Quốc sẽ mua ít dầu từ Iran hơn, và yêu cầu giảm giá nhiều hơn. Điều này sẽ khiến Iran mất đi nguồn thu ngoại tệ quan trọng.
Rủi ro cho những bên nhập khẩu dầu từ Iran là các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, tức có nguy cơ bị cấm cửa hoạt động tại thị trường Mỹ cũng như không thể làm ăn với các công ty và cá nhân Mỹ.
Trong khi đó, Nga mang tới cho Trung Quốc dầu thô giá rẻ hơn, chất lượng không thua kém, đồng thời không phải đối mặt các lệnh trừng phạt thứ cấp như với Iran.
Điều này có thể khiến giới chức Iran lo lắng trong bối cảnh đã có những quan ngại sẽ sớm nổ ra cuộc chiến giá dầu giữa Tehran và Moscow để giành giật thị trường.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dầu thô chính của Iran. Ảnh: Reuters. |
"Cứu cánh duy nhất cho dầu thô Iran thực sự có thể trông đợi lúc này là Trung Quốc. Bắc Kinh đang giữ cho nền kinh tế Iran sống sót", ông Handjani nói.
Đầu tháng 5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết nước này đang bán dầu "với giá cạnh tranh", đồng thời tuyên bố đã tìm ra các thị trường mới.
Hamid Hosseini, thành viên ban giám đốc Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí đốt và các chế phẩm hóa dầu của Iran, cho biết chính phủ nước này cần hiểu rõ xuất khẩu dầu thô của Iran cho Trung Quốc có thể thiệt hại nặng bởi sự xuất hiện của Nga.
"Nga cuối cùng đã lấy mất thị phần của chúng ta", ông Hosseini nói, đồng thời cho rằng tình hình hiện nay là "cơ hội tốt nhất" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015.
Thảo luận giữa Tehran và các cường quốc nhằm khôi phục JCPOA đã rơi vào bế tắc từ tháng 3. Rào cản lớn nhất hiện nay là Tehran yêu cầu Mỹ đưa Vệ binh Quốc gia Iran ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
"Iran có một số lựa chọn. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất là quay trở lại JCPOA", ông Handjani đánh giá.
Abhi Rajendran, giám đốc bộ phận nghiên cứu của công ty thông tin năng lượng Energy Intelligence, cho biết việc Nga tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc hiện chưa tạo ra thay đổi đáng chú ý bởi châu Á là thị trường tiêu thụ dầu lớn.
"Tuy nhiên mức độ tiêu thụ cũng có những giới hạn", ông Rajendran nhận định.