Vụ máy bay không người lái của Mỹ bị lực lượng Vệ binh cách mạng Iran bắn rơi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai bên ngày càng leo thang, xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng nổ xung đột quân sự tại khu vực.
Tranh cãi vụ bắn rơi máy bay không người lái
Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk bị bắn rơi hôm 20/6. Mỹ tuyên bố thiết bị này đang hoạt động tại không phận quốc tế phía trên vịnh Hormuz khi vụ việc xảy ra, đồng thời gọi hành động của Iran là "cuộc tấn công không bị khiêu khích".
"Máy bay không người lái bị bắn rơi bởi hệ thống tên lửa phòng không của Iran. Đây là hành động tấn công khi không bị khiêu khích nhắm vào phương tiện thám sát trong không phận quốc tế", quân đội Mỹ tuyên bố.
Viết trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Iran đã phạm sai lầm lớn khi bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết tình hình liên tục được cập nhật cho Tổng thống Trump, và Nhà Trắng đang làm việc với quốc hội Mỹ về vấn đề Iran.
Một máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ tại căn cứ không quân Al-Dhafra, UAE. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Iran cáo buộc máy bay không người lái của Mỹ đã xâm phạm không phận nước này. Trong một tuyên bố đưa ra sau vụ việc, Vệ binh cách mạng Iran cho biết bộ truyền phát tín hiệu nhận dạng của máy bay không người lái đã bị tắt, và gọi đây là "sự vi phạm các nguyên tắc hàng không".
"Không phận của chúng tôi chính là giới hạn đỏ, Iran luôn luôn đáp trả và sẽ tiếp tục đáp trả mạnh mẽ bất cứ quốc gia nào xâm phạm không phận của chúng tôi", Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao, tuyên bố.
Trong khi đó, kênh truyền hình do chính quyền Iran sở hữu Press TV cho biết máy bay không người lái trong vụ việc đã "bay trái phép" và bị bắn rơi tại tỉnh Hormozgan, gần bờ biển miền Nam Iran.
"Vụ việc hôm nay là bằng chứng cho thấy cách dân tộc Iran đối phó với kẻ thù. Chúng ta không có ý định tham gia vào chiến tranh, nhưng chúng ta luôn sẵn sàng cho chiến tranh", Hossein Salam, tổng chỉ huy Vệ binh cách mạng Iran, tuyên bố.
Vị trí Iran bắn hạ máy bay do thám Mỹ. Đồ họa: Guardian. |
Châm ngòi chiến tranh?
Vụ máy bay không người lái của quân đội Mỹ bị tên lửa Iran bắn rơi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington cáo buộc Tehran đứng sau cuộc tấn công nhắm vào các tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, tuyến đường chuyên chở dầu mỏ trọng yếu với nền kinh tế toàn cầu.
Hôm 18/6, quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan - nay đã từ chức, đã phê duyệt kế hoạch tăng cường 1.000 binh sĩ tới các căn cứ ở Trung Đông nhằm "phòng thủ trước mối đe dọa từ trên không, mặt đất và mặt biển". Trước đó, Mỹ đã triển khai thêm nhiều tàu chiến, các hệ thống phòng không Patriot, cùng 1.500 binh sĩ tới khu vực này.
Hôm 19/6, chính quyền Tổng thống Trump đã kêu gọi sự ủng hộ từ các đồng minh và đối tác toàn cầu nhằm bao vây, cô lập Iran sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu tại eo biển Hormuz.
Tại Trung Đông, lửa chiến tranh đang rực cháy giữa Saudi và lực lượng phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Để đáp trả sự trợ giúp của liên quân Arab do Saudi Arabia hậu thuẫn cho chính phủ Yemen, phiến quân Houthi thời gian qua liên tiếp tấn công vào lãnh thổ Saudi.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được triển khai tới Trung Đông. Ảnh: AFP. |
Hôm 19/6, lực lượng Houthi tuyên bố đã phóng tên lửa tấn công một trạm xử lý nước tại thành phố Jízan của Saudi, gần biên giới Yemen. Trước đó, phiến quân Houthi đã tiến hành hàng chục vụ tấn công khác vào Saudi, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ phóng tên lửa vào sân bay quốc tế ở thủ đô Riyadh.
Từ lâu, sự can dự của Iran vào các điểm nóng ở Trung Đông, từ Iraq, Syria cho tới Yemen, đã trở thành cái gai trong mắt Washington. Kể từ khi nắm quyền đầu năm 2017, Tổng thống Trump cho thấy quan điểm nhất quán, tìm mọi cách thu hẹp và xóa bỏ ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
Trong tình hình ấy, việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông đang ngày càng nóng bỏng, chực chờ bùng phát chiến tranh. Chỉ một tính toán sai lầm, leo thang căng thẳng có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột quân sự công khai, lôi cuốn nhiều quốc gia trong khu vực vào chiến sự.
Đáp trả Iran là điều khó có thể tránh khỏi, trong bối cảnh Mỹ cần thể hiện sức mạnh tại khu vực, sau khi bị đánh giá là đã thất bại trong việc tranh giành ảnh hưởng tại chiến trường Syria trước Nga và Iran. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Washington sẽ sử dụng biện pháp nào để trả đũa Tehran.
Bốn đời tổng thống tiền nhiệm của ông Trump đều để lại di sản là những cuộc chiến, với Bush "cha" là chiến dịch Bão táp sa mạc, Clinton tại Kosovo, Bush "con" tại Iraq và Afghanistan, và Obama với cuộc chiến tại Lybia.
Vụ việc hôm 20/6 liệu có khả năng sẽ là mồi lửa châm ngòi cuộc chiến với Iran, di sản trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump?