Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

iPhone và phận ‘nuôi con tu hú’ của Trung Quốc

“Mổ” chiếc iPhone sẽ thấy giá trị mà Trung Quốc nhận được rất thấp so với những công ty tham gia vào quá trình sản xuất. Apple mới là bên hưởng lợi khủng khiếp.

Trên giấy tờ, dường như việc nhập khẩu smartphone và hàng hóa từ Trung Quốc khiến người Mỹ chịu thiệt. Chẳng thế, Tổng thống Donald Trump luôn viện dẫn con số thâm hụt ngân sách năm 2018 lên đến 420 tỷ USD như lý do hàng đầu cho cuộc chiến thương mại.

Một chiếc iPhone X được nhập vào Mỹ sẽ góp thêm 370 USD vào thâm hụt, tính tổng lên là hàng chục tỷ USD mỗi năm chỉ riêng sản phẩm của Táo khuyết. Đó là mức chênh lệch “thô” giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Nhưng với chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang tạo ra lợi nhuận lớn cho Mỹ và phần nào thay đổi quan niệm thâm hụt thương mại trong nền kinh tế hiện đại.

Nghiên cứu của Theconversation về chi phí sản xuất và phân chia lợi nhuận iPhone cho thấy Trung Quốc nhận ít giá trị nhất trong chuỗi cung ứng.

Ai thực sự làm ra iPhone?

Ông Trump đe dọa sẽ sớm áp thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc. iPhone chắc chắn chịu ảnh hưởng. Điều này lý giải vì sao Apple đang vận động hành lang kêu gọi giới chính sách Mỹ hủy bỏ kế hoạch.

Để xem Trung Quốc đóng góp bao nhiêu giá trị vào sản phẩm, chúng ta cùng kiểm tra mẫu iPhone 7. Thành phần chính tạo nên chiếc iPhone là màn hình cảm ứng, chip nhớ, vi xử lý… hầu hết do các công ty của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Intel, Sony, Samsung, Foxconn) đảm nhận. Apple mua các thành phần rồi vận chuyển tới Trung Quốc, sau đó công nhân lắp ráp tạo thành chiếc iPhone hoàn chỉnh dán nhãn “Made in China”.

Thêm nữa, những nhà máy với hàng triệu công nhân tạo ra iPhone ở Trung Quốc kỳ thực thuộc về các công ty như Foxconn, đều có trụ sở tại Đài Loan.

iPhone phoi bay sai lam Donald Trump anh 1
Có bao nhiều thành phần tạo nên iPhone 7 thuộc về Trung Quốc? Ảnh: iFix.

Theo IHS Marki, chi phí sản xuất ước tính của iPhone 7 ra mắt năm 2016 là 237,45 USD và Trung Quốc chỉ kiếm được 8,46 USD (tương đương 3,6%). Đó là số tiền trả cho một công ty cung cấp pin và lương công nhân lắp ráp. Vậy 228,99 USD còn lại đi đâu?

Mỹ và Nhật mỗi nước nhận về khoảng 68 USD, Đài Loan kiếm 48 USD và Hàn Quốc gần 17 USD. Với giá bán 649 USD cho bản 32 GB, Theconversation ước tính 283 USD lợi nhuận rơi thẳng vào túi Apple.

Những phiên bản iPhone mới nhất cũng “phân chia lợi nhuận” theo tỷ lệ tương tự. Dù thế nào, Trung Quốc vẫn là mắt xích nhận mức thù lao thuộc hàng thấp nhất, trong khi các nước khác thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Quan điểm về cán cân thương mại

Bây giờ, chúng ta quay trở lại cách tính thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới chiếc iPhone. Trên thực tế, người Mỹ chỉ phải trả cho Trung Quốc 8,5 USD thay vì con số 240 USD của hải quan.

Nhìn rộng ra, Theconversation trích dẫn số liệu của hai học giả Robert Johnson và Guillermo Noguera cho thấy một phần ba con số 375 tỷ USD thâm hụt thương mại năm 2017 sẽ dùng để trả cho các công ty bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ đang thực sự hưởng lợi từ công xưởng lớn nhất thế giới. Bằng cách tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu, Apple có thể ra mắt sản phẩm với mức giá tương đương đối thủ.

iPhone phoi bay sai lam Donald Trump anh 2
Đóng góp của các nước vào chi phí 237,45 USD sản xuất iPhone 7. Ảnh: IHS Markit.

Người tiêu dùng thích thú với những mẫu iPhone đầy sáng tạo. Hàng nghìn công ty và cá nhân gây dựng sự nghiệp nhờ ứng dụng bán trên App Store. Táo khuyết dùng số tiền thu được trả cho các kỹ sư, giám đốc, nhà tiếp thị, luật sư và nhân viên cửa hàng. Hầu hết họ làm việc tại Mỹ.

Lệnh áp thuế mới sẽ làm iPhone đắt đỏ hơn, từ đó kéo nhu cầu thị trường xuống thấp. Apple có lý khi hối thúc chính quyền “nương tay”. Trong khi đó, Samsung với hơn phân nửa số điện thoại được sản xuất tại Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan mới. Hãng có thể nhân cơ hội chiếm mất thị phần đối thủ.

Bản báo cáo của ba nhà kinh tế Scott C. Bradford đến từ Đại học Brigham Young, Scott C. Bradford thuộc Đại học Pennsylvania State và Gary Clyde Hufbauer từ Viện Kinh tế Quốc tế Peter G. Peterson cho chúng ta một góc nhìn khác. Nghiên cứu cho thấy, quá trình toàn cầu hóa có thể ảnh hưởng tới “nồi cơm” của một số người Mỹ, nhưng phần đông hưởng lợi tích cực. Chiêu bài thuế quan chắc chắn khiến các bên tổn hại.

Tại sao không làm iPhone ở Mỹ?

Nếu lo ngại Trung Quốc lấy hết công ăn việc làm, tại sao không sản xuất iPhone tại Mỹ? Nhiều nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông từng nghĩ tới kịch bản này. Vấn đề nằm ở chỗ, mọi dây chuyền sản xuất ngành công nghiệp điện tử toàn cầu đã chuyển sang châu Á từ những năm 1980 và 1990. Các công ty như Apple buộc phải thích nghi với thực tế.

iPhone phoi bay sai lam Donald Trump anh 3
Trump luôn viện dẫn thâm hụt ngân sách như lý do hàng đầu để khơi mào thương chiến. Ảnh: Reuters.

Nếu đặt nhà máy lắp ráp iPhone tại Mỹ, nền kinh tế nước này và người dân sẽ hưởng lợi vì có thêm công ăn việc làm. Nhưng quá trình chuyển dịch sẽ mất ít nhất vài năm. Chưa kể, chi phí phát sinh khiến nhiều công ty chùn bước, trừ khi giới hoạch định chính sách đưa ra sức ép đủ lớn và tài trợ tương xứng. Giống như Wisconsin đã chi 3 tỷ USD để Foxconn xây dựng nhà máy LCD tại đây.

Tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc buộc các nhà cung ứng của Apple chuyển nhà máy tới bên thứ ba. Điều đó giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhưng thâm hụt với thế giới sẽ vẫn như cũ.

Mỹ có quyền tức giận trước chính sách của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ và rào cản khiến các hãng công nghệ như Google, Facebook không thể tiếp cận thị trường tỷ dân. Nhưng một mực đánh mạnh vào thuế quan có thể khiến chính nền kinh tế Mỹ tổn thương. Cuộc chiến đòi hỏi các bên tính toán thận trọng bởi chỉ một nước đi sai lầm sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

Huawei 'đi đêm' với quân đội Trung Quốc trong những dự án gì?

Nguồn tin của Bloomberg khẳng định tập đoàn Huawei Technologies và quân đội Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong một số dự án nghiên cứu về AI, thông tin vô tuyến...



Lê Min Kốp

Bạn có thể quan tâm