Theo Nikkei, Apple đang cân nhắc rút 15-30% khối lượng sản xuất phần cứng khỏi Trung Quốc và muốn các đối tác cung ứng của mình như Foxconn, Pegatron có phương án. Do đó, chưa thể khẳng định Apple muốn chuyển gì ra khỏi Trung Quốc: trọn vẹn dây chuyền sản xuất ra một chiếc iPhone hay chỉ gia công, lắp ráp linh kiện.
Hiện tại, các đối tác lắp ráp ở Trung Quốc vẫn sẽ chiếm khối lượng lớn, nhưng tầm nhìn của Apple cho thấy hãng không muốn phụ thuộc nước này trong dài hạn nữa. Hay nói cách khác, nếu cuộc "tháo chạy" này thành công và tỷ lệ lắp ráp bên ngoài Trung Quốc dần nâng lên, trong tương lai iPhone sẽ không còn "made in China".
Apple hiện có một nhóm đảm nhận quá trình chuyển đổi, và đã yêu cầu các đối tác lắp ráp như Foxconn, Pegatron hay Wistron đưa ra những giải pháp khả thi. Tuy nhiên, công ty không đặt thời hạn phản hồi cho các đơn vị này.
Nguyên nhân chính của động thái trên đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, được dự đoán sẽ kết thúc vào cuối tháng này khi chính quyền ông Trump áp thuế 25% lên các thiết bị điện thoại, máy tính bảng và laptop nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Apple vẫn muốn thực hiện chuyển đổi sản xuất dù tranh chấp thương mại có được giải quyết hay không.
Các nhà cung ứng đánh giá quá trình chuyển đổi sẽ "đau đớn và khó khăn" cho Apple. Ảnh: Macg. |
“Tỷ lệ sinh thấp, giá nhân công cao và nguy cơ phụ thuộc vào chỉ một quốc gia là những lý do chính”, Giám đốc Điều hành một đơn vị cung ứng Apple nói.
Dù ông Trump từng tuyên bố Apple có ý định dời nhà máy từ Trung Quốc sang Mỹ, nhưng thực tế, việc sản xuất nhiều khả năng sẽ được tiếp tục ở các nước Đông Nam Á. Trong đó, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những lựa chọn hàng đầu.
Apple trước đây đã sản xuất iPhone giá rẻ ở Ấn Độ, và đang dần chuyển sang các mẫu điện thoại cao cấp hơn để tránh thuế nhập khẩu từ chính phủ Mỹ. Foxconn cũng cho biết họ có khả năng đáp ứng sản lượng iPhone theo yêu cầu mà không cần đến các nhà máy ở Trung Quốc.
Nikkei dẫn lại lời một nhà cung ứng, đánh giá việc rời đi sẽ “đau đớn và khó khăn”, nhất là khi Trung Quốc đã xây dựng hệ sinh thái khổng lồ phục vụ cho sản xuất thiết bị Apple. Quá trình chuyển đổi yêu cầu tối thiểu 18 tháng, và mất thêm từ 2-3 năm để thấy được kết quả.
Khoảng 5 triệu nhân công tại Trung Quốc hiện dựa vào các nhà máy Apple. Không rõ bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng khi công ty cắt giảm từ 15% - 30% khối lượng sản xuất.