Nạn mất cắp iPhone nói riêng và smartphone nói chung rất phổ biến ở Mỹ. Dưới đây là câu chuyện về chiếc iPhone bị mất của Sarah Frier – nữ biên tập viên công nghệ của Bloomberg:
“Nếu bạn muốn tìm ra một bằng chứng về việc thế giới này nhỏ bé như thế nào, hãy xem xét trường hợp chiếc iPhone bị mất của tôi.
Sau khi tôi để quên một chiếc iPhone trên taxi tại New York hồi mùa hè, tôi đã làm đầy đủ các bước thông thường để lấy lại nó. Tôi bật tính năng Find My iPhone của Apple để định vị nhưng chiếc iPhone đã bị tắt nguồn. Tôi gọi đến công ty taxi nhưng họ nói lái xe không phát hiện ra chiếc điện thoại nào cả. Do đó, tôi buộc phải đổi mật khẩu, mua một chiếc điện thoại mới và từ bỏ vĩnh viễn ý định tìm kiếm chiếc iPhone đó.
Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 10 vừa qua, một ai đó đã bật máy lên. Tôi nhận được thông báo từ Find My iPhone, cho biết chiếc điện thoại cũ của tôi đang ở Dhaka, Bangladesh.
Apple hướng dẫn tôi xóa dữ liệu của chiếc iPhone cũ từ xa và hiển thị thông báo “Đây là chiếc iPhone bị mất. Hãy gọi cho tôi”. Trong thế giới hoàn hảo của Apple, những chiếc iPhone bị mất phải được trả về chủ nhân của nó. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác.
Một báo cáo từ Lookout – hãng bảo mật tại San Francisco - cho thấy 1/10 người dân Mỹ từng là nạn nhân của nạn trộm cắp điện thoại và 70% trong số họ không thể tìm lại thiết bị của mình.
“Thông thường, kẻ trộm sẽ bán lại chiếc điện thoại tới bất cứ đâu họ được trả giá cao nhất” – Samir Gupte – quản lý cao cấp tại Lookout cho hay. “Đích đến của những chiếc điện thoại mất cắp tại Mỹ là thị trường nước ngoài như châu Á, Đông Âu hay Mỹ Latin, nơi giá bán lại của chúng cao hơn nhiều và khả năng giám sát những giao dịch bất hợp pháp có phần hạn chế”.
Một chiếc iPhone bị mất cắp có thể được xem là “quý như vàng” tại các thị trường thứ cấp – Kyle Wiens - CEO của iFixit cho biết.
Một chiếc iPhone 5S đã qua sử dụng được bán với giá 35.000 taka (khoảng 450 USD) tại Bangladesh, theo quảng cáo từ các trang bán lẻ nước này. Tháng trước, một phiên bản iPhone 6 màu vàng có thể được bán với giá 3.600 USD tại Trung Quốc, trước thời điểm iPhone 6 chính thức bán ra tại đất nước đông dân nhất thế giới. Một số người sẵn sàng trả tiền cho những người xếp hàng tại Mỹ, chỉ với mục đích sớm có máy và bán lại tại các thị trường khác, nơi chúng có giá cao hơn.
Các công nghệ bảo mật mới – với nhiệm vụ biến chiếc smartphone thành những cục chặn giấy khi bị mất cắp – đang khiến cho “ngành kinh doanh” này của những tên tội phạm trở lên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nạn trộm cắp smartphone sẽ không giảm trong một sớm một chiều.
Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện trên Twitter, nhiều người đã kể cho tôi những câu chuyện khác. Một người cho biết, chiếc điện thoại của anh ta đang ở TP.HCM, Việt Nam sau 2 tuần mất cắp, còn một người khác chia sẻ điện thoại của họ đang trên đường đến Ukraine chỉ sau 24h.
Với chiếc iPhone của tôi, tất nhiên người chủ mới của nó chẳng bao giờ gọi cho tôi. Có thể nó sẽ tiếp tục được tung ra thị trường. Tôi chỉ hy vọng, nó sẽ được khởi động một lần nữa, để tôi kịp xóa toàn bộ dữ liệu trên đó”.