Khoảng cách tối thiểu là 15 cm. Ảnh: Pplware. |
Vào tháng 1, Apple đăng cảnh báo đối với người dùng máy tạo nhịp tim hoặc sử dụng bất kỳ trang thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể nên tránh xa iPhone 13, iPhone 14 ít nhất 6 inch (15 cm).
Trên website của mình, hãng công nghệ cho biết nam châm và điện từ trường trong điện thoại sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các thiết bị sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cảnh báo của Apple không chỉ đề cập đến iPhone 13, 14 mà còn các dòng sản phẩm khác như AirPods, Apple Watch, iPad, máy tính Mac, tai nghe Beats… Gã khổng lồ công nghệ khuyến cáo người dùng không nên để các thiết bị này gần ngực những bệnh nhân cấy ghép.
“Ở một vài điều kiện nhất định, phần nam châm và điện từ trường sẽ tương tác với các thiết bị y tế. Đơn cử như máy tạo nhịp hay khử rung tim có thể chứa một vài cảm biến phản ứng với nam châm và sóng điện từ ở cự ly gần”, Apple viết trong thông báo. Để hạn chế mọi tương tác với các thiết bị y tế, người dùng nên đặt sản phẩm Apple cách một khoảng cách an toàn.
Theo DailyMail, không chỉ sản phẩm của Apple mà bất cứ thiết bị điện tử nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể người. Cảnh báo nguy hiểm này lần đầu được đưa ra khi iPhone 12 ra mắt năm 2020. Hiệp hội Tim Mỹ cũng phát thông báo khuyến cáo người dùng nên cẩn thận với nam châm trong các thiết bị này vào năm 2021.
“Chúng ta đều biết rằng nam châm sẽ gây nhiễu các thiết bị điện cấy ghép tim (CIED). Tuy nhiên, chúng tôi rất bất ngờ trước độ nhạy của nam châm dùng trong iPhone 12”, Tiến sĩ Michelle Wu, Đại học Brown, cho biết.
Theo chuyên gia, nam châm có thể làm lệch nhịp máy tạo nhịp tim hoặc khiến máy khử rung tim không thể truyền điện, cứu sống người bệnh. Do đó, nghiên cứu của Hiệp hội Tim Mỹ năm 2021 đã cảnh báo mọi người nên cẩn trọng với các thiết bị điện tử có chứa nam châm vì chúng có thể ảnh hưởng hoạt động của các thiết bị cấy ghép trong cơ thể.
Hàng loạt sản phẩm của Apple được khuyến cáo không nên để gần bệnh nhân bệnh tim. Ảnh: iPhoned. |
Tháng 3 mới đây, một nghiên cứu của Đại học Utah cho biết những người sử dụng đồng hồ sức khỏe như FitBit, Apple Watch… gây trở ngại cho các thiết bị cấy ghép. Những sản phẩm này ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các thiết bị điện cấy ghép tim (CIED).
Trong đó, máy tạo nhịp tim vốn dùng cho những bệnh nhân bị suy tim khi tim không bơm máu như bình thường, khiến nhịp tim chậm. Khi sử dụng máy tạo nhịp tim, những người bệnh có nhịp tim chậm sẽ được máy phát xung điện, giúp tim co bóp theo tần số.
Các nhà khoa học của Đại học Utah đã thử đặt các thiết bị thông minh ở gần máy tạo nhịp tim để xem phản ứng giữa hai thiết bị. Thông thường, những thiết bị sức khỏe như cân điện tử, smartwatch thường sử dụng kỹ thuật xác định trở kháng sinh học (bioimpedance), truyền tải một dòng điện siêu nhỏ, dường như không thể nhận thấy vào cơ thể người.
Dòng điện siêu nhỏ này sẽ chạy khắp cơ thể, truyền dẫn thông tin về cảm biến để đo các chỉ số như tỷ lệ cơ, tỷ lệ mỡ, cường độ căng thẳng, nhịp thở… Các nhà khoa học sẽ đo nguồn điện này và so sánh với tiêu chuẩn về phát sóng điện từ của thiết bị thông minh (EMC) để xác định xem có gây hại cho cơ thể hay không.
Kết quả cho thấy hiệu điện thế đo được vượt quá mức EMC cho phép, đồng nghĩa với việc các thiết bị này có thể gây ra các cơn sốc tim nguy hiểm. Trong đó, smartwatch tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn cân điện tử. Ngoài ra, với máy tạo nhịp tim, dòng điện dù siêu nhỏ của các thiết bị thông minh cũng ảnh hưởng xấu đến việc xác định nhịp tim nhanh hay chậm của nó.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn