Hiện tượng Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird
Làng công nghệ Việt Nam chào đón năm 2014 bằng một sự kiện vui và thú vị, khi ứng dụng game Flappy Bird của lập trình viên trẻ Nguyễn Hà Đông liên tục thống trị các bảng xếp hạng iOS và Android với hàng chục triệu lượt tải về. Được phát hành lần đầu trên App Store ngày 25/5/2013, 7 tháng sau, Flappy Bird đã trở thành hiện tượng toàn cầu, thu hút lượng lớn người dùng di động tại nhiều quốc gia trên thế giới. "Chú chim ngu" với phong cách đồ họa đơn giản nhưng cách chơi khó nhằn đã khiến nhiều người chơi trên thế giới mất ăn mất ngủ, thậm chí chửi thề trên các trang mạng và... dọa giết tác giả Nguyễn Hà Đông.
Flappy Bird gây sốt tại Việt Nam và trên toàn thế giới trong những tháng đầu năm 2014. Ảnh: Quốc Huy. |
Đứng trước cơn bão truyền thông và sức ép đến từ những người chơi, tác giả của Flappy Bird đã bất ngờ gỡ bỏ tựa game này khỏi hai gian ứng dụng. Nguyễn Hà Đông cho biết việc nổi tiếng quá nhanh khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn và anh muốn chấm dứt tình trạng này. Với số tiền lớn kiếm được, Nguyễn Hà Đông dự định mua một chiếc Mini Cooper S, một căn hộ nhỏ ở ngoại ô Hà Nội để chuyên tâm làm game, theo chia sẻ trên tờ Rolling Stone.
Sau "hiện tượng Flappy Bird", kho ứng dụng App Store và Google Play Store chứng kiến sự ra đời của hàng trăm tựa game nhái "chim ngu", từ cách chơi lẫn phong cách đồ họa 8-bit đơn giản. Tuy nhiên, những cái tên "ăn theo" vẫn chỉ đi theo cái bóng của Flappy Bird.
Sau Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông đã tung thêm tựa game Swing Copter, cách chơi có phần giống Flappy Bird nhưng cách điều khiển khó khăn hơn. Tựa game này cũng gây được sự chú ý nhưng không thành công như Flappy Bird.
Cáp quang biển AAG liên tục đứt
Trong năm 2014, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia-America Gateway) đã 3 lần gặp sự cố đứt cáp, khiến truy cập từ Việt Nam đi quốc tế bị gián đoạn trong nhiều thời điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom, một trong bốn nhà mạng Việt Nam đang khai thác tuyến AAG, tuyến cáp này thường xuyên gặp sự cố vì không được thiết kế tốt ngay từ đầu. Tại những vùng biển chồng lấn, lượng tàu bè thả neo nhiều và khi di chuyển quên kéo neo lên nên dễ vướng, gây đứt cáp.
Những lần tuyến cáp quang AAG gặp sự cố đều gây thiệt hại lớn đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước lẫn người dùng. Ảnh minh họa. |
Để tránh gây thiệt hại cho khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đã phải thuê thêm các tuyến cáp trên bộ để giảm tải cho tuyến cáp quang biển mỗi khi gặp sự cố, với giá cao hơn gấp vài lần.
Hiện tại, FPT Telecom, Viettel và VNPT đang tham gia vào một dự án tuyến cáp mới mang tên APG (Asia Pacific Gateway), nhằm giảm sự lệ thuộc vào tuyến cáp AAG. Theo lịch trình, đến năm 2016, tuyến cáp này sẽ được đưa vào sử dụng.
Du khách Việt gặp sự cố khi mua iPhone 6 tại Singapore
Câu chuyện anh Phạm Văn Thoại - một du khách Việt Nam - bị lừa mua iPhone 6 giá cao tại Sim Lim Square, Singapore là đề tài nóng cuối năm 2014. Trong chuyến du lịch, anh Thoại đến cửa hàng Mobile Air, thuộc khu mua sắm Sim Lim Square để mua một chiếc iPhone 6 làm quà sinh nhật cho bạn gái. Chiếc iPhone có giá 950 SGD nhưng anh đã bị "bẫy" phải trả thêm 1.500 SGD cho phí bảo hành.
Dù khóc lóc van xin, nhưng anh này sau đó chỉ được cửa hàng trả lại 400 SGD, dưới sự trợ giúp của cảnh sát và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Singapore, trong khi vẫn chưa mua được chiếc iPhone 6 cho bạn gái.
Du khách Việt bị lừa mua iPhone giá cao tại Sim Lim Square, Singapore. Ảnh: Zaobao. |
Khi vụ việc được một tờ báo địa phương đăng tải, cộng đồng mạng Singapore và Việt Nam đều đã "dậy sóng". Nhiều người dân tại đảo quốc sư tử đã lên án mạnh mẽ hành động lừa đảo của chủ cửa hàng Mobile Air. Một mặt, họ tìm cách gây quỹ để giúp anh Thoại, mặt khác truy tìm chủ cửa hàng Mobile Air để chỉ trích, thậm chí trả đũa bằng nhiều hình thức.
Câu chuyện trên chính thức khép lại khi anh Thoại gặp doanh nhân Gabriel Kang, người đã gây quỹ để mua tặng anh một chiếc iPhone 6. Tuy nhiên, anh Thoại đã từ chối nhận chiếc điện thoại và cảm ơn tấm lòng của những người đã giúp đỡ anh. Hành động này được cộng đồng mạng Singapore đánh giá cao. Về phía cửa hàng Mobile Air, thân nhân chủ cửa hàng này đã phải lên tiếng xin lỗi và đối mặt với một cuộc điều tra từ các nhà chức trách.
iPhone 6 gây sốt với giá ban đầu từ 50-70 triệu đồng
Trong ngày 19/9, ngày đầu tiên Apple bán ra iPhone 6 tại một số thị trường trên thế giới, số lượng máy mang về Việt Nam khan hiếm nên có giá lên đến 50-70 triệu đồng. Nhiều chủ cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội cho biết có những khách "sộp" sẵn sàng chi ra mức giá gấp 3-4 lần giá thông thường để sở hữu chiếc iPhone 6 Plus đầu tiên về Việt Nam.
Mức giá cao kỷ lục của bộ đôi iPhone mới trong ngày đầu đã thu hút sự chú ý của những tín đồ "quả táo" nói riêng và cộng đồng yêu công nghệ trong nước nói chung. Phần lớn đều cho rằng những chiếc iPhone đầu tiên về Việt Nam có giá trị để làm thương hiệu cho cửa hàng hoặc một thứ quà tặng xa xỉ trong giới thượng lưu.
iPhone 6 và 6 Plus là hai mẫu điện thoại ồn ào nhất trong năm 2014. |
Sau ngày đầu tiên, mức giá iPhone 6 tại Việt Nam nhanh chóng hạ nhiệt và giảm mỗi ngày hàng triệu đồng. Chỉ trong vòng hai tuần, giá bán của bộ đôi này nhanh chóng về gần với giá nhập do sức mua không cao như dự kiến. Nhiều cửa hàng lỡ "ôm" iPhone 6 xách tay với giá cao "than trời" vì lỗ khi mặt bằng giá iPhone 6 giảm không phanh.
Sự biến mất của Nokia gây tiếc nuối lớn cho người dùng Việt
Nokia bán mảng di động cho Microsoft từ đầu năm 2014, nhưng phải đến cuối năm, sự chuyển dịch mới diễn ra rõ ràng và mạnh mẽ. Tại Việt Nam, Nokia được đổi tên thành Microsoft Việt Nam. Các nhà bán lẻ thân thiết với Nokia âm thầm đổi sang logo Microsoft. Website, Facebook, Twitter của Nokia đều "sang tên đổi chủ". Các máy Lumia có thêm logo Microsoft bên cạnh logo Nokia, và rồi thương hiệu Phần Lan mất hẳn kể từ chiếc Lumia 535. Đó là những bước đi khá từ tốn và cẩn trọng của hãng công nghệ Mỹ tại Việt Nam - một trong những thị trường trọng điểm của Nokia trong quá khứ.
Đối với người tiêu dùng, cái tên Microsoft dường như khó có thể đánh bật được thương hiệu Nokia vốn đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người. Tại Việt Nam, Nokia phần nào giống như Honda, Google... đã trở thành một tên gọi chung để chỉ một ngành hàng, một khái niệm. Nhiều độc giả của Zing.vn cho biết họ mua những chiếc Lumia chỉ vì "nó là Nokia".
Hai lần đến Việt Nam trong năm 2014, các đại diện cấp cao của Nokia, Microsoft luôn khẳng định sự "kế thừa" những gì đã xây dựng tại thị trường hơn 80 triệu dân. Không còn Nokia hiện diện trên các sản phẩm di động, nhưng "phong cách Nokia" được cam kết sẽ thể hiện ở chất lượng sản phẩm cũng như khâu hậu mãi. Việc Microsoft có tiếp tục thành công tại Việt Nam hay không vẫn cần thêm thời gian mới có câu trả lời.