Kể từ khi iPhone 12 xuất hiện, các nhà cung cấp Hàn Quốc đang trở nên quan trọng hơn với Apple. So với mẫu smartphone năm 2019, các linh kiện do Hàn Quốc sản xuất trên chiếc iPhone 12 Pro tăng mạnh, chiếm 26,8% giá trị của thiết bị cầm tay, lớn hơn tỷ trọng linh kiện do Mỹ sản xuất.
Việc Apple sử dụng nhiều linh kiện Hàn Quốc hơn chủ yếu dựa vào quyết định áp dụng công nghệ màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ trên iPhone 12. Màn hình này vốn được cung cấp bởi Samsung Display và LG Display.
Hàn Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu quốc gia chiếm tỷ trọng cung cấp linh kiện trên iPhone 12 Pro. Ảnh: Foumalhaut Techno Solutions. |
Theo đơn vị nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions, giá thành sản xuất của một chiếc iPhone 12 Pro khoảng 406 USD. Trong đó linh kiện Hàn Quốc và Mỹ chiếm lần lượt 26,8%, 21,9% giá trị. So với iPhone 11, tỷ trọng của các nhà sản xuất Hàn Quốc đã tăng 9,1%. Đồng thời tỷ trọng của các đơn vị sản xuất tại Mỹ giảm những 3,9%.
Giá trị đóng góp của Samsung Display tăng mạnh kể từ khi Apple thay thế màn hình LCD bằng OLED, vốn là thế mạnh của các nhà cung cấp Hàn Quốc. So với phiên bản iPhone SE 2, dự kiến ra mắt vào đầu năm 2021, thị phần linh kiện Hàn Quốc đã tăng 22,4%, trong khi linh kiện do Nhật Bản sản xuất giảm 12,1%. Ngoài màn hình, Samsung cũng cung cấp chip nhớ cho iPhone 12.
Trước đây, màn hình của iPhone thường được các hãng công nghệ Nhật Bản như Japan Display cung cấp. Sự đóng góp của các công ty Nhật Bản vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Sony là nhà cung cấp cảm biến hình ảnh CMOS chính, tích hợp trong 3 ống kính camera trên iPhone 12. Các cảm biến này có giá từ 5,4-7,4 USD/chiếc. Để kiểm soát tiếng ồn và bảo vệ mạch, nhiều thành phần thụ động, bao gồm một số linh kiện nhỏ bằng đầu bút bi vẫn được các công ty Nhật Bản cung cấp.
Pin của iPhone 12 được thiết kế nhỏ lại nhằm tạo không gian cho những linh kiện khác. Ảnh: iFixit. |
iPhone 12 được trang bị tụ gốm nhiều lớp của Murata Manufacturing và cuộn cảm điện của Taiyo Yuden. Smartphone được gia công với hơn 1.600 bộ phận thụ động trên bảng mạch. Dung lượng của pin đã bị cắt giảm 10% để tạo không gian cho những linh kiện khác. Pin được cung cấp bởi Amperex Technology Ltd. (ATL), một công ty con của TDK Nhật Bản có trụ sở tại Hong Kong.
Theo các nhà phân tích, nhờ có các biện pháp tiết kiệm năng lượng như thay thế chip 7 nm bằng chip 5 nm, iPhone 12 vẫn có thời gian hoạt động không kém gì những phiên bản trước đó.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, các linh kiện do quốc gia tỷ dân sản xuất chỉ chiếm chưa đến 5% tổng giá trị. Mặc dù vậy, Apple vẫn giao phần lớn dây chuyền gia công cho các nhà máy ở Trung Quốc. Để giảm sự phụ thuộc vào quốc gia này, hãng công nghệ có trụ sở tại Cupertino sẽ phải tìm đến những địa điểm sản xuất khác.