Tuần này, công ty khởi nghiệp có tên Starry công bố sẽ mang tốc độ kết nối Internet nhiều Gb/s đến người dùng với mức giá ngang ngửa hoặc thấp hơn giá băng rộng. Họ khẳng định sẽ không đào đường để chôn những đường cáp quang đắt đỏ hoặc yêu cầu chính quyền địa phương trợ giúp về xây dựng hạ tầng. Công nghệ của họ có thể truyền tín hiệu Internet qua không khí.
Đó là những lời hứa hẹn gây sốc. Với hầu hết người dùng phổ thông, Internet không dây là 4G LTE. Wi-Fi có thể được tính thêm nhưng khoảng cách kết nối quá ngắn. Đã có những thử nghiệm truyền tín hiệu Internet qua máy bay không người lái, khinh khí cầu nhưng tốc độ kết nối không vượt trội so với 4G.
Công nghệ Starry sử dụng là sóng milimet (millimeter wave) từng được nhắc đến nhiều năm về nước. Năm 1997, một hãng khởi nghiệp đã quyết định gây vốn để phát triển dịch vụ Internet băng rộng không dây. Tuy nhiên, hãng này nhanh chóng thất bại do những rào cản kỹ thuật và mô hình kinh doanh không bền vững.
Câu hỏi đặt ra cho Starry là, công nghệ sóng milimet đã phát triển đến đâu sau 2 thập kỷ để cạnh tranh với Internet băng rộng, xét về độ ổn định.
“Đã có nhiều cải tiến ở công nghệ sóng milimet thời gian gần đây. Ở mức độ cao nhất, việc đạt tốc độ truy cập Gb/s hoàn toàn khả thi. Rào cản duy nhất là vị trí của bạn có đủ gần trạm phát sóng hay không”, Sundeep Rangan - giáo sự chuyên ngành kỹ thuật điện tại Đại học New York chia sẻ. Ông đứng đầu một dự án phát triển mạng đô thị bằng sóng milimet, tương tự đề xuất của Starry. “Chúng tôi có thể cung cấp Internet tốc độ cao ở khoảng cách 200m. Đó là một thành tựu”.
Với Starry, họ tuyên bố công nghệ của mình có thể cung cấp tín hiệu nhanh, đáng tin cậy trong phạm vi 2 km. “Việc phổ cập Internet tốc độ cao sẽ gặp thách thức”, Rangan tin rằng Starry cần đầu tư cực lớn, tương đương với mức phổ cập các trạm phát sóng của nhà mạng Verizon hay AT&T hiện tại, nếu muốn tiếp cận lượng lớn người dùng.
Một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về phạm vi bao phủ tín hiệu Internet mà Starry tuyên bố. “Bao phủ khoảng 1,5 km là vấn đề lớn. Sẽ thực tế hơn nếu họ công bố phạm vi khoảng 300-500 m trong mọi điều kiện thời tiết và độ ẩm”.
Sóng milimet có thể bị phân tán bởi sương mù, mưa, tuyết, gây ảnh hưởng đến hiệu suất truyền dữ liệu. Khoảng cách truyền tín hiệu càng lớn, mức độ ảnh hưởng của môi trường càng rõ rệt.
Starry cho biết, họ nhận thức rõ những trở ngại trên. Họ không phủ nhận những ý kiến của chuyên gia về hạn chế của sóng milimet. Tuy nhiên, hãng tuyên bố "đã tạo ra công nghệ đột phá để giải quyết vấn đề". Starry tin tưởng mô hình kinh doanh của họ sẽ sớm cạnh tranh trực tiếp với kết nối di động (4G).
“Có khá nhiều tiến triển trong việc thương mại hóa công nghệ 5G. Sóng milimet là một nhân tố trong quá trình này”, giáo sư Rangan nhận định.