Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Intel Việt Nam sẽ sản xuất 80% chip máy tính thế giới

Ngày 29/7, bà Sherry Boger - Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam nói: 80% lượng chip dùng trong máy tính bán ra trên thế giới sẽ được sản xuất tại Nhà máy Intel Việt Nam.

Việc nhà máy Intel tại Việt Nam (VN) có thể sản xuất bộ vi xử lý Haswell CPU mới nhất của Intel trên toàn thế giới là tin vui không chỉ đối với Intel mà cả VN. Đây là bằng chứng khẳng định khả năng lĩnh hội kiến thức mới, công nghệ mới của Intel mà nhân viên VN làm được.

Quy trình sản xuất sản phẩm này hoàn toàn diễn ra tại nhà máy VN từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng là đóng gói sản phẩm đưa đến người tiêu dùng. Đây là quy trình khép kín nối tiếp nhau sau khi chúng tôi nhận wafer (tấm silicon) từ các nhà máy Pháp về.

- Gần bốn năm đi vào sản xuất tại VN, bà đánh giá như thế nào về trình độ nguồn nhân lực tại đây?

- Intel hiện có hơn 1.000 nhân viên. Có thể khẳng định một ý rất quan trọng là nhân viên VN đã tiếp cận được với công nghệ mới rất nhanh. Các nhân viên VN có đủ trình độ, được chuyển giao công nghệ và kiến thức rất tốt để có thể triển khai lắp đặt các sản phẩm mới, hiện đại nhất của tập đoàn.

Chip Haswell là sản phẩm mới, khó hơn nhưng các nhân viên VN chỉ mất chưa đầy hai tháng tính từ khi nhập thiết bị về cho đến ngày tập đoàn chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Thành công này hoàn toàn ngoài dự kiến của tập đoàn.

Chúng tôi tự hào khi thời gian đưa chip này vào sử dụng là kỷ lục chưa từng có trong các nhà máy của Intel trên thế giới. Điều này khẳng định sự tận tụy cũng như khả năng tiếp cận kiến thức mới của nhân viên VN không hề thua kém nhân viên Intel ở các nhà máy khác.

Tất nhiên khi làm CPU này Intel vẫn mời các kỹ sư từ các nhà máy khác sang hỗ trợ trong thời gian đầu và chỉ mang tính hỗ trợ, còn chủ yếu vẫn do các nhân viên người VN thực hiện. Thành công của việc đưa CPU lắp ráp tại Nhà máy Intel VN không thể không nói đến sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền TP, ban quản lý Khu công nghệ cao... từ việc đưa các thiết bị, dây chuyền sản xuất từ các nhà máy khác về VN cho kịp tiến độ để đưa vào sản xuất.

Từ trái sang: bà Sherry Boger, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà và giám đốc nhà máy C.T. Lau giới thiệu chip Haswell CPU tại buổi lễ ngày 29/7.

Từ trái sang: bà Sherry Boger, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà và giám đốc nhà máy C.T. Lau giới thiệu chip Haswell CPU tại buổi lễ ngày 29/7.

- Khả năng tiếp cận công nghệ của nhân viên VN tại nhà máy đã đáp ứng kỳ vọng của Intel toàn cầu?

- Rất tuyệt vời, quá trình sản xuất sản phẩm của nhà máy trong những năm qua đã chứng minh điều này. Ngay từ khi sản xuất chipset cho đến nay gần như tỉ lệ sản phẩm bị lỗi là rất thấp, chưa có một khách hàng nào trả lại sản phẩm vì lỗi. Điều đó giúp chúng tôi khẳng định rằng giờ này năm sau 80% sản phẩm chipset của máy tính bán trên toàn thế giới sẽ do nhà máy tại VN sản xuất với dòng chữ “made in Vietnam”.

Điều này khẳng định rằng dự án đầu tư của Intel tại VN đang diễn ra đúng hướng, đúng lộ trình mà Intel đề ra từ đầu. Hiện nay chúng tôi không gặp khó khăn trở ngại nào để đảm bảo nguồn nhân lực và phát triển nhà máy tại VN. Cam kết của Intel khi vào đầu tư tại đây là giúp VN thay đổi phương pháp, giáo trình và chất lượng trong đào tạo ngành kỹ thuật thì chúng tôi vẫn đang thực hiện tích cực.

Chúng tôi đã làm việc với các trường đào tạo kỹ thuật trong cả nước để có liên kết đào tạo. Các dự án đào tạo này của chúng tôi về thực chất không phải nhằm tìm nguồn nhân lực cho Intel mà nhằm thực hiện cam kết trở lại của Intel dành cho VN là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố ổn định lâu dài và giúp VN thu hút những nhà đầu tư công nghệ khác như Samsung, Nokia, HP...

- So với những gì công bố thông tin ban đầu, có vẻ như quá trình giải ngân của Intel VN bị chậm, thưa bà?

- Theo cách nhìn của người ở bên ngoài thì dường như tiến độ giải ngân của Intel bị chậm, nhưng với chúng tôi mọi việc đang đi đúng lộ trình vạch sẵn. Để đưa vào sản xuất các sản phẩm mới với công nghệ mới phải đòi hỏi nhiều quá trình: từ đào tạo nhân viên cho đến chuyển giao công nghệ.

Từ tháng 1/2014, các sản phẩm SOC (system on a chip) dùng cho máy tính bảng và điện thoại thông minh của Intel cũng đã được sản xuất tại Nhà máy Intel VN, sản lượng SOC đang tăng dần theo thời gian.

Cùng với bộ vi xử lý Haswell hàng đầu của Intel, các sản phẩm SOC sẽ là hai dòng sản phẩm chủ lực được Tập đoàn Intel giao nhà máy này sản xuất. Hai dòng sản phẩm khó này đã cho thấy nhà máy VN có thể vượt xa và phát triển hơn so với các nhà máy khác của Intel trên toàn thế giới.

Để lấp đầy một nhà máy với quy mô lớn như nhà máy tại VN không hề đơn giản, nhìn lại các nhà máy trong hệ thống chuỗi nhà máy ATM (lắp ráp và kiểm định) của Intel ở Thành Đô (Trung Quốc) phải mất 15 năm hay tại Malaysia mất 40 năm mới có những sản phẩm như nhà máy của VN. Trong khi VN chỉ mất bốn năm thì không thể nói Intel giải ngân chậm.

- Các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp như thế nào trong chuỗi cung ứng sản xuất ra các sản phẩm của Intel VN, thưa bà?

- Công nghệ cao là một ngành mới tại VN nên Intel không ngạc nhiên về những khó khăn trong chuỗi cung ứng nội địa, chúng tôi đã biết điều này ngay từ đầu và luôn sẵn sàng cùng Chính phủ, doanh nghiệp VN vực dậy những khó khăn này. Việc có mặt của Samsung với những công bố mạnh mẽ gây được nhiều chú ý, chúng tôi rất hoan nghênh vấn đề này vì họ cũng là đối tác của Intel. Đây là một tín hiệu rất tốt để VN phát triển công nghiệp phụ trợ.

Intel e ngại mở rộng đầu tư vì Việt Nam hay mất điện

Dù đã cùng với ngành điện lực tìm giải pháp để đảm bảo sự ổn định về điện năng song đến nay, Intel vẫn thấy “sụt điện” là rủi ro lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quy trình sản xuất chip Haswell có một số doanh nghiệp VN tham gia bán vật tư như thiết bị bao tay chuyên dùng ngành bán dẫn, hoặc những hóa chất tẩy rửa, hộp đóng gói và các dịch vụ kèm theo. Tỉ lệ nội địa chưa thật sự cao lắm nhưng đây không phải là điều quá lo lắng vì quan trọng là doanh nghiệp trong nước biết Intel cần gì và họ đáp ứng được gì.

Chúng tôi chào đón các nhà cung ứng trong nước vì giá thành của các doanh nghiệp luôn cạnh tranh, đồng thời thời gian cung ứng và khắc phục nhanh hơn, tránh được tình trạng như hiện nay khi một số máy móc hư hỏng Intel phải gửi ra nước ngoài sửa chữa rất mất thời gian và tốn kém. Intel đưa ra mục tiêu sẽ nội địa hóa 80% trong quá trình sản xuất CPU tại VN.

Tuy nhiên để làm được điều này thì bản thân các doanh nghiệp cung ứng trong nước cũng cần có sự đột phá về công nghệ để có thể cung ứng với các đối tác cung ứng mà hiện nay Intel đang làm việc. Từ ba doanh nghiệp VN có thể cung cấp linh phụ kiện cho Intel, sau bốn năm đã tăng lên 16 doanh nghiệp cũng là một con số đáng kể và tôi tin sẽ tăng trong thời gian tới.

Đã đến lúc Chính phủ VN cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho những doanh nghiệp nội địa đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đáp ứng cho ngành công nghệ cao.

Haswell là tên mã Intel đặt cho các vi xử lý Core i (chip phổ biến dùng trên gần như mọi loại laptop, desktop, máy tính bảng chạy Windows đang bán hiện nay) thế hệ thứ tư. Chip Haswell có nhiều loại khác nhau bao gồm: chip bốn nhân cho desktop, hai nhân mainstream, chip điện áp thấp cho ultrabook, chip tối ưu cho máy tính bảng. Chức năng đáng kể của chip Haswell giúp tăng thời lượng pin, tăng khả năng đồ họa, cho phép sản xuất các mẫu ultrabook mỏng hơn, các thiết bị lai giữa laptop và máy tính bảng mỏng hơn, hỗ trợ công nghệ wi-di (wireless display) tốt hơn.

"Chỉ riêng về kích cỡ của nhà máy thì đây là nhà máy lớn nhất chưa bao giờ có trong hệ thống các nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) của Intel, lớn gấp ba nhà máy ATM thông thường và lớn hai lần so với nhà máy ATM Tập đoàn Intel đang có ở Malaysia"

Bà SHERRY BOGER (tổng giám đốc Công ty Intel Products VN

http://nhipsongso.tuoitre.vn/Nhip-song-so/620548/Intel-Viet-Nam-se-san-xuat-80-chip-may-tinh-the-gioi.html

Theo Lê Nam - Đình Dân/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm