Theo Jakarta Post, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết chính phủ nước này đã thảo luận vấn đề với phó đại sứ Trung Quốc hôm 13/9, nhằm làm rõ ý định của Bắc Kinh khi cho tàu tuần duyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Riau hôm 12/9.
"Bộ (Ngoại giao) nhấn mạnh rằng... EEZ của Indonesia không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc và do đó, chính phủ Indonesia bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, vì nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982", thông báo cho biết.
Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) đã phải xua đuổi một tàu tuần duyên Trung Quốc ra khỏi vùng biển Bắc Natuna hôm 12/9. Con tàu xâm phạm được xác định là tàu tuần duyên mang số hiệu 5204 của Trung Quốc, bị tàu tuần tra Bakamla KN Nipah 321 phát hiện thông qua hệ thống nhận dạng tự động vào khoảng 10h giờ địa phương hôm 12/9.
Tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5204 được phát hiện đi vào vùng biển gần Indonesia. Ảnh: Jakarta Post. |
Trong thông báo được đưa ra một ngày sau đó, Bakamla báo cáo rằng tàu Trung Quốc tuyên bố họ có quyền tuần tra cái gọi là đường chín đoạn. Đây là cơ sở cho các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, vốn đã bị tòa quốc tế bác bỏ.
Người phát ngôn Hội đồng Lập pháp Natuna (DPRD), ông Andes Putra, cho biết sự hiện diện của các tàu nước ngoài trong vùng biển khu vực này không phải là điều ngạc nhiên với người dân địa phương.
"Hàng tuần, chúng tôi đều nhận được báo cáo từ người dân về hoạt động trái phép của tàu cá nước ngoài. Chúng tôi đã chuyển tiếp thông tin tới hải quân Indonesia và các cơ quan liên quan khác, nhưng vẫn chưa làm giảm được số lượng tàu nước ngoài (đi vào khu vực)", ông Andes nói.