"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng, đó là những tuyên bố chỉ có thể được đưa ra dựa trên cơ sở luật quốc tế. Đối với Indonesia, chúng tôi không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở bất kỳ hình thức nào trong vùng biển của Indonesia", Ngoại trưởng Retno Marsudi trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 22/6 về phản ứng trước phát ngôn từ phía Trung Quốc.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai nước không có tranh chấp lãnh thổ nhưng có một số tuyên bố chủ quyền chồng lấn về "quyền và lợi ích hàng hải".
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối tuần qua cho biết một tàu hải quân của Indonesia đã nổ súng bắn tàu cá Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ngày 18/6, khiến một người bị thương.
Theo phía Hải quân Indonesia, họ đã bắn cảnh báo nhiều tàu cắm cờ Trung Quốc vì các phương tiện này đánh bắt trái phép, nhưng không có trường hợp nào bị thương. Đây là cuộc chạm trán thứ 3 ở gần quần đảo Natura trong năm nay. Các vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.
Vị trí quần đảo Natuna. Đồ họa: Wikipedia |
Reuters dẫn lời Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla ngày 20/6 cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ quyết đoán hơn trong việc bảo vệ quyền hợp pháp đối với vùng biển quanh quần đảo Natura. Trong khi đó, Ngoại trưởng Retno khẳng định quan hệ giữa hai nước vẫn tốt đẹp.
"Đây là vấn đề thực thi pháp luật, không phải chính trị", bà nhấn mạnh.
Indonesia không phải một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, Jakarta phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này vào cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, kể cả vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. 4 trong 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.