Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Indonesia muốn lập căn cứ quân sự ở Biển Đông đề phòng TQ

Các nhà lập pháp Indonesia đang kêu gọi chính phủ xây căn cứ quân sự ở Natuna nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này trên Biển Đông, sau hành động hung hăng từ Trung Quốc.

Ông Mahfudz Siddiq, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Ngoại giao thuộc Hạ viện Indonesia, ngày 24/3 cho biết, cơ sở mới sẽ giúp Jakarta tăng cường hệ thống phòng thủ trung tâm hiện nay của nước này tại phía đông và tây, đồng thời cải thiện tính lưu động của quân đội nước này.

"Phát triển căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna có vai trò quan trọng đối với hệ thống phòng thủ ở khu vực trung tâm Indonesia, nơi có đường biên giới với nhiều nước ở Biển Đông", hãng Antara dẫn lời ông Mahfudz nói.

Theo ông Mahfudz, chính phủ cần 1,3 nghìn tỷ rupiah (tương đương 134 triệu USD) nhằm phát triển cơ sở trên quần đảo Natuna. Con số này nhiều hơn so với ước tính trước đó. Cơ sở này dự kiến hoạt động vào năm 2017.

Indonesia thanh lap can cu quan su anh 1

Quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo. Đồ họa: 

Developmentadvisor

Ông T.B. Hasanudin, Phó chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề quốc phòng, cho hay, căn cứ không nhất thiết phải là "nơi nhân viên quân sự hiện diện ở một vị trí đặc biệt để sẵn sàng triển khai" mà là nơi trung chuyển lực lượng. "Chúng tôi đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự. Do đó, chúng tôi muốn bổ sung nhân sự và thiết bị quốc phòng trong khu vực", ông Hasanudin nói.

Sáng 20/3, khi tàu tuần tra Indonesia áp giải tàu cá Kway Fey cùng 8 thuyền viên về khu vực gần quần đảo Natuna để xử phạt vì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia, tàu hải cảnh Trung Quốc tông vào tàu tuần tra của Indonesia nhằm giải vây cho tàu nước họ. 

Ngày 21/3, Trung Quốc cho rằng tàu cá nước này đang hoạt động ở "ngư trường truyền thống của Trung Quốc" thì bị một tàu có vũ trang của quốc đảo Đông Nam Á "quấy rối", buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phải đến để hỗ trợ.

Giới quan sát nhận định vụ việc cho thấy Indonesia cũng là một “con mồi” của Trung Quốc, do đó không thể đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Chính quyền Jakarta triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối, quyết truy tố 8 ngư dân và dọa kiện Bắc Kinh.

Để đối phó sự hung hăng của Trung Quốc tại khu vực gần quần đảo Natuna hồi tuần trước, lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ tiến hành nhiều cuộc tuần tra trong khu vực. "Nếu hành động của Trung Quốc là có chủ ý, cần sự can thiệp của trọng tài quốc tế nhưng nếu không phải như vậy, vấn đề cần được giải quyết bằng ngoại giao. Dù với bất kỳ lý do gì, chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của chúng tôi bằng mọi biện pháp", ông Hasanudin khẳng định.

Trước đây, Indonesia khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với nước nào trên Biển Đông. Quần đảo Natuna cũng nằm ngoài phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng “đường lưỡi bò” trên thực tế có chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. 

Trong một diễn biến khác, Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) ngày 25/3 cho hay, chỉ 82 tàu đánh cá nước ngoài được phát hiện bên trong vùng biển của Malaysia ở Biển Đông gần Miri, bang Sarawak. Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng An ninh quốc gia Malaysia cho biết nước này phát hiện 100 tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này gần cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông.

Ahmad Puzi Ab Kahar, tổng giám đốc MMEA, ngày 26/3 cho hay, cơ quan vẫn chưa thể xác định các tàu thuyền thuộc quốc gia nào do chưa thể nhận diện cờ hay số trên bảng điều khiển.

Trung Quốc lập trung tâm nghiên cứu chung về Biển Đông

Bắc Kinh hôm 25/3 thành lập trung tâm nghiên cứu chung Biển Đông, bước đi nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng tăng cao.

Tàu TQ tới Indonesia tập trận sau cuộc chạm trán ở Biển Đông

Một đội tàu Trung Quốc rời cảng Thanh Đảo hôm 26/3 tham gia cuộc tập trận ở ngoài khơi bờ biển Indonesia, chỉ một tuần sau vụ "dằn mặt" Jakarta tại vùng biển gần quần đảo Natuna.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm