Theo tờ Straits Times, "Trung tâm Trung Quốc - Đông Nam Á Nghiên cứu về Biển Đông (CSARC)" được ra mắt bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao hàng năm tại tỉnh Hải Nam. Đây là kết quả hợp tác bước đầu giữa Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế của Indonesia.
Tân Hoa xã cho rằng, mục đích của CSARC là nhằm"tăng cường trao đổi học thuật và thể chế đồng thời đẩy mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định chung trên biển giữa các nước trong khu vực".
Bãi cạn
Scarborough. Ảnh: Reuters |
Bà Yan Yan, Phó giám đốc NISCSS - cơ quan hợp tác ra mắt CSARC, cho rằng: “Hiện chúng tôi chỉ có hai tổ chức sáng lập, nhưng dự tính mời các tổ chức và chuyên gia của Singapore tham gia trong thời gian tới bởi Singapore có rất nhiều chuyên gia về Biển Đông”.
Trong khi đó Wu Shicun, người đứng đầu NISCSS, khẳng định trung tâm sẽ là nền tảng cho các thảo luận liên quan đến Biển Đông, là một mô hình hợp tác nghiên cứu hàng hải giữa các nước trong khu vực.
Theo ông này, NISCSS sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Bắc Kinh không chỉ bành trướng và gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông, họ còn tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học và cộng đồng học giả liên quan đến Biển Đông nhằm gia tăng sức mạnh mềm trong khu vực.
Ngày 16/3, Trung Quốc tuyên bố đã thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Ông Vương Hồng, giám đốc Cục Hải dương Trung Quốc (SOA), cho biết trung tâm "đang được xây dựng nhưng đã thực hiện các hoạt động ban đầu".
Tuy nhiên, ông này không nói rõ vị trí của trung tâm cảnh báo sóng thần. Việc Trung Quốc lập trung tâm này được cho là nước cờ mới trong chiến dịch thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.
Trung Quốc gần đây ngày càng tỏ rõ sự ngang ngược đối với vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên cho rằng các hoạt động của họ trên biển, gồm cải tạo trái phép, phần lớn nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu dân sự, tìm kiếm cứu nạn và an ninh hàng hải, đồng thời “sẽ có lợi cho các nước khác”.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại việc Bắc Kinh quyết theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại một trong những tuyến đường thương mại sầm uất nhất thế giới. Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông và đang đe dọa tự do hàng hải của hoạt động tàu biển quốc tế.