Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), một số sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao của Indonesia cho hay các lực lượng này vẫn áp dụng bài kiểm tra "tàn nhẫn và mang tính phân biệt đối xử", được thực hiện nhân danh "kiểm tra tâm lý" vì lý do sức khỏe thần kinh và đạo đức.
"Việc chính phủ Indonesia tiếp tục bao che cho hoạt động 'kiểm tra trinh tiết' ngược đãi (phụ nữ) của lực lượng an ninh phản ánh việc thiếu ý chí chính trị trong việc bảo việc các quyền của phụ nữ Indonesia", AP trích lời bà Nisha Varia, giám đốc về quyền phụ nữ của HRW, phát biểu ngày 22/11.
Các nữ quân nhân của lực lượng không quân Indonesia. Ảnh: Reuters. |
HRW kêu gọi Tổng thống Indonesia Joko Widodo ra lệnh cho giám đốc cảnh sát quốc gia và tổng tư lệnh quân đội chấm dứt hoạt động này.
Việc "kiểm tra trinh tiết" bao gồm "bài kiểm tra 2 ngón tay" nhằm xác định liệu màng trinh của một phụ nữ còn nguyên vẹn hay không. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tuyên bố cách làm này hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học trong một hướng dẫn y tế về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ bị lạm dụng tình dục vào năm 2014.
HRW cho biết họ phát hiện ra rằng những phụ nữ được cho là đã "trượt" bài kiểm tra này không phải ai cũng bị phạt nhưng tất cả những người mà tổ chức này nói chuyện đều mô tả việc kiểm tra diễn ra một cách đau đớn, tủi hổ và để lại ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.
HRW cũng thu thập thông tin về việc kiểm trinh tiết của lực lượng an ninh tại Ai Cập, Ấn Độ và Afghanistan, lên án hành động kêu gọi kiểm tra trinh tiết với học sinh nữ tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới.
Tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết cả 3 lực lượng trong quân đội Indonesia (hải quân, không quân, lục quân) đều đã áp dụng việc kiểm tra này trong hàng thập kỷ. Trong một số trường hợp, việc kiểm tra còn được áp dụng cho hôn thê của các sĩ quan quân đội.