Trong lần đầu tiên trình bày về chiến lược đầy tham vọng, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này sẽ khởi động sáng kiến bằng cách ưu tiên mua vaccine Covid-19 từ các công ty chia sẻ công nghệ và lập cơ sở hoạt động ở Indonesia, Reuters đưa tin hôm 16/9.
"Chúng tôi đang làm việc với WHO để trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine công nghệ mRNA toàn cầu", ông Budi nói. Vị bộ trưởng cho biết thêm ông đã trực tiếp vận động Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm châu Âu đầu tháng 9.
"WHO đã chọn Nam Phi là địa điểm đầu tiên, và tôi nói rằng về mặt logic thì Indonesia nên là địa điểm thứ hai”, ông Budi khẳng định.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cầm lọ vaccine AstraZeneca dùng trong chương trình tiêm chủng ở thành phố Surabaya. Ảnh: Antara Foto. |
Ông cho biết thêm Indonesia có vị trí thuận lợi để xuất khẩu vaccine ra khắp thế giới, đặc biệt do đây là quốc gia có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới và có thể đảm bảo rằng các mũi tiêm của họ là “halal”, mang ý nghĩa "hợp pháp" và "được phép dùng" theo đạo Hồi.
Các công ty dược phẩm Indonesia đang thảo luận với nhà sản xuất và phát triển vaccine Anhui, Walvax, Sinovac, Genexine, Arcturus Therapeutics và Novavax.
Bộ trưởng Indonesia nói thêm nước này rất muốn xây dựng kiến thức chuyên môn về vaccine mRNA, cũng như vaccine vector như của AstraZeneca.
Các "trung tâm chuyển giao công nghệ" mới là một phần trong chiến lược của WHO nhằm phân phối vaccine rộng rãi hơn trên toàn cầu và xây dựng năng lực ở các nước đang phát triển, nhằm sản xuất vaccine thế hệ mới như vaccine mRNA của Moderna và Pfizer, giúp đối phó các biến chủng.
Người phát ngôn của WHO cho biết Indonesia là một trong 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình quan tâm đến việc trở thành trung tâm vaccine toàn cầu. Tuy nhiên, người này từ chối cho biết Indonesia có phải là ứng cử viên hàng đầu hay không.