Phân tích thất bại của tuyển Việt Nam trước Indonesia, chẳng thể không nhắc tới Pratama Arhan. Hậu vệ trái của Indonesia sinh năm 2001 nhưng đã dày dạn kinh nghiệm với hơn 50 trận từ U23 tới tuyển quốc gia.
Arhan đối đầu U23 lẫn tuyển Việt Nam vô số lần và đã nhẵn mặt tất cả tuyển thủ Việt Nam từ thời Park Hang-seo tới Philippe Troussier. Vũ khí ném biên cũng nổi danh không chỉ ở Đông Nam Á mà tại cả châu Á. Asian Cup 2023 vừa qua, cú ném biên của Arhan thậm chí giúp Indonesia ghi bàn vào lưới Nhật Bản.
Khuôn mặt thất thần của Bùi Hoàng Việt Anh sau thất bại 0-1 của tuyển Việt Nam trước Indonesia tại vòng loại World Cup tối 21/3. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Sai lầm có hệ thống trong tổ chức phòng ngự
Tuyển Việt Nam đối đầu Arhan rất nhiều lần và thừa hiểu về anh. Ông Troussier lẽ ra phải có phương án hợp lý nhằm chống lại tuyệt chiêu của cầu thủ này chứ không phải bất lực nhìn cầu thủ này hành hạ hàng thủ áo trắng.
Trên sân Gelora Bung Karno, Arhan ngồi dự bị và chỉ vào sân trong giờ nghỉ cùng người đồng đội ăn ý Egy Maulana. Vài phút sau khi vào sân, anh có cú ném biên đầu tiên và lập tức tạo ra cơ hội nguy hiểm. Đến phút 52, bài tấn công này được thực hiện lần thứ hai, Arhan ném bóng còn Egy sút cận thành, hàng thủ Việt Nam mắc lỗi và 1-0 cho Indonesia.
Cả hai đều vào sân trong hiệp hai, nhiều lần đối đầu Việt Nam, có những vũ khí rất đặc trưng (Egy là kỹ thuật và khả năng sáng tạo). Ông Troussier có tới 7 phút trước bàn thua, hàng thủ Việt Nam có một tình huống đầu tiên để cảnh báo. Nhưng không có phương án ứng phó hiệu quả nào được thực hiện.
Đối phương có hai cầu thủ cao trên 1,8 m trong khi Việt Nam chỉ có Bùi Hoàng Việt Anh. Bố trí sai này khiến Việt Anh thua trong pha tranh chấp đầu tiên, mở ra bàn thua cho tuyển Việt Nam. |
Ở tình huống thua bàn, tuyển Việt Nam chắn chắn phải biết rõ bóng sẽ từ tay Arhan cắm thẳng vào vùng cấm với lực như một cú sút phạt. Nhưng trong khu vực tranh chấp trước cầu môn, khi đội tấn công đưa cả hai trung vệ Rizky Ridho (1,82 m) và Jay Idzes (1,91 m) lên thì đội phòng ngự chỉ có duy nhất Bùi Hoàng Việt Anh cao hơn 1,8 m. Điều đáng nói là ông Troussier vẫn còn hai cầu thủ to cao Nhâm Mạnh Dũng và Hoàng Đức nhưng đều đứng ngoài khu vực tranh chấp.
Kết quả, Việt Anh thua trong pha tranh chấp trên không, bóng sượt qua đầu hàng loạt cầu thủ phòng ngự trước khi tới gần vị trí của Phan Tuấn Tài. Với thể hình vừa phải, không mạnh về không chiến, Tuấn Tài đánh đầu hụt, khiến bóng đi tới vị trí của Võ Minh Trọng. Lỗi sau đó của hậu vệ CLB Bình Dương là không thể tha thứ. Nhưng nó chỉ là hệ quả sau cùng của một chuỗi các sai lầm trong tổ chức phòng ngự của tuyển Việt Nam ở tình huống này.
Người chịu trách nhiệm cho những điều đó đương nhiên là HLV Troussier.
Đây là lần thứ hai tuyển Việt Nam đối đầu Indonesia chỉ trong vài tháng. Lực lượng, lối chơi của đôi bên gần như không đổi. Nhưng tuyển Việt Nam vẫn bất lực trước các vũ khí quen thuộc của đối phương và vẫn thua với cùng một tỷ số.
HLV Shin Tae-yong, người đã giúp Hàn Quốc thắng Đức ở World Cup 2018, đã lần thứ hai liên tiếp đánh bại ông Troussier. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Năng lực ứng biến của ông Troussier và Shin Tae-yong
Hãy tiếp tục nhìn vào các tình huống thay người để thấy HLV Shin Tae-yong thắng thêm một kèo trước ông Troussier như thế nào.
Ở hiệp một, tuyển Việt Nam và Indonesia có thế trận tương đối cân bằng. Đó cũng là khoảng thời gian đáng khen với Nguyễn Filip cùng đồng đội khi cho thấy những tiến bộ đáng kể so với Asian Cup.
Khi ấy, tuyển Việt Nam bị Indonesia ép tới ngẹt thở ngay đầu trận và thua hoàn toàn về thế kiểm soát. Gặp lại lần này, với hàng loạt thay đổi nhân sự theo hướng bổ sung kinh nghiệm (Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tiến Dũng), tuyển Việt Nam đã có 45 phút đầu tiên chấp nhận được.
Khác biệt chỉ được tạo ra từ năng lực ứng biến của hai HLV.
Giờ nghỉ giữa hiệp, ông Shin tung liền ba cầu thủ vào sân, trong đó có hai bổ sung cho hàng công là Arhan và Egy. 7 phút sau, Indonesia có bàn thắng nhờ pha tấn công mà hai cầu thủ này là người chuyền bóng phát động và dứt điểm.
Gần 10 phút sau bàn thua ấy (phút 61), ông Troussier mới có hai quyết định thay người đầu tiên. Trong khoảng 20 phút kể từ đó, HLV người Pháp dùng hết cả 5 quyền thay người của tuyển Việt Nam nhưng gần như không mang tới khác biệt về thế trận.
So về tốc độ phản ứng, ông Troussier chậm hơn. So về hiệu quả thay người, ông Troussier cũng thấp hơn. HLV người Pháp mang tới cảm giác ông chưa có những phương án B thực sự hiệu quả mà chỉ đang phản ứng lại dựa trên những điều chỉnh chiến thuật trước đó của đối thủ, cụ thể ở đây là ông Shin Tae-yong.
Năng lực ứng biến của ông Troussier dường như đang ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất thi đấu của tuyển Việt Nam ở hiệp hai, thời điểm những quyết định thay người sẽ tác động rất lớn tới kết quả trận đấu. Trong 5 bàn thua gần nhất của tuyển Việt Nam, có tới 4 bàn đến trong hiệp hai. Đó là điều hiếm khi diễn ra dưới thời HLV tiền nhiệm Park Hang-seo.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Do tình cờ? Do cầu thủ Việt Nam mất tập trung? Hay đơn giản là cách vận hành chiến thuật của ông Troussier có vấn đề?
Đó là câu hỏi mà ông thầy người Pháp và học trò phải tìm ra lời giải ngay lập tức dù thời gian cho họ là không có nhiều. Bởi ngày 26/3 tới, tuyển Việt Nam đã phải gặp lại Indonesia rồi.